Sáng nay 5/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự Lễ khai giảng của Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Cùng dự có Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh, lãnh đạo ngành giáo dục và các thầy giáo cô giáo, các em học sinh trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (Hà Nội).

Trong không khí tưng bừng của ngày hội đến trường, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thân ái gửi tới các thầy cô giáo, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Giáo dục cùng các cháu học sinh cả nước và Trường Tiểu học ngoài công lập Đoàn Thị Điểm lời chào thân thiết, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng năm học mới tốt đẹp nhất.

Trong không khí rộn ràng của năm học mới, Thủ tướng chia sẻ những tình cảm, suy nghĩ đến tất cả các cháu học sinh, đến thầy cô và phụ huynh để chúng ta cùng nhau thực hiện được lời dạy và tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người” hay “Trung thu trăng sáng như gương - Bác Hồ ngắm cảnh nhớ thương nhi đồng”.

“Hôm nay tôi vẫn nhớ về những bài học đầu tiên thầy cô dạy cho mình ở ngôi trường của một vùng quê miền núi nghèo xa xôi, thiếu thốn đủ điều, nhớ hình ảnh cha mẹ cần mẫn lo cho con học hành. Tôi tin rằng những bài học và tình cảm của thầy cô hôm nay sẽ luôn là hành trang đầy ý nghĩa với các cháu sau này. Các cháu sẽ được học những bài học về lòng biết ơn và tình yêu quê hương, đất nước; Biết ơn cha mẹ, ông bà, thầy cô đã ngày đêm tận tụy chăm sóc dạy dỗ mình”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chia sẻ.

Thủ tướng mong muốn, các em học sinh sẽ nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô, ngoan ngoãn, chăm làm, chịu khó học tập, rèn luyện, chăm chỉ đọc sách để trở thành “con ngoan, trò giỏi”..

Đối với thầy cô, Thủ tướng nhấn mạnh thông điệp “Trẻ em như búp trên cành - Biết ăn biết ngủ học hành là ngoan”. Dạy dỗ và chăm sóc trẻ em là một công việc đặc biệt, đòi hỏi kiến thức, sự kiên trì, tấm lòng bao dung, nhân ái, yêu thương với con trẻ.

“Chúng ta đừng vì bệnh thành tích, áp đặt mà làm tổn thương con trẻ. Chúng ta dạy các cháu hình thành nhân cách về tình yêu thương, trung thực, lòng nhân ái, sự nỗ lực, sống có lý tưởng, học cách vươn lên từ khó khăn, gian khổ, tự lực, tự cường… trên nguyên tắc tôn trọng sự khác biệt của mỗi cháu, khuyến khích sự sáng tạo, tìm hiểu, tiếp thụ tri thức dân tộc và nhân loại, tư duy phản biện, khát vọng cống hiến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Đối với các phụ huynh, Thủ tướng mong các bậc cha mẹ phối hợp chặt chẽ, chia sẻ với nhà trường, thầy cô để dạy dỗ và chăm sóc các cháu. Sự kết nối bằng tình yêu thương, khuyến khích là phương pháp dạy học quan trọng. Tất cả hãy cùng nhau tạo môi trường dạy dỗ, đào tạo lành mạnh, an toàn, trí tuệ cho các cháu. Khơi dậy được ý chí, khát vọng, sáng tạo, nhân ái, tích lũy tri thức để trở thành công dân toàn cầu, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước.

Liên quan tới các nhiệm vụ năm học 2022-2023 của Ngành giáo dục, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: nhiệm vụ trước mắt cần sớm giải quyết được 3 thiếu (thiếu giáo viên, thiếu lớp học, thiếu sách giáo khoa); thực hiện tiêm vaccine đầy đủ, khoa học, hiệu quả để các cháu khỏe mạnh đến trường, cha mẹ yên tâm công tác, thầy cô yên tâm giảng dạy.

Về lâu dài cần tiếp tục thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục, đào tạo, tiếp tục thực hiện sự nghiệp đổi mới giáo dục, trong đó tập trung đổi mới tư duy thiết kế chương trình học tập; xã hội hóa việc học tập; xây dựng đội ngũ giáo viên đủ số lượng, tăng cường chất lượng.

Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền có chế độ, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích, nâng cao thu nhập cho giáo viên, đảm bảo cân đối, hài hòa trong tổng thể chung của các ngành nghề khác và phù hợp với điều kiện hiện nay của đất nước. Đồng thời, quan tâm đầu tư vật chất, xây dựng các cơ sở giáo dục, nhất là ở các khu công nghiệp, vùng khó khăn …

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu dành sự quan tâm đặc biệt tới môi trường vệ sinh, an toàn học đường, chăm sóc các em học sinh là người khuyết tật, con thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, có công với cách mạng, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, các cháu ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, học sinh là người dân tộc để đường đến với con chữ của các em bớt gian nan, để các em tự tin vươn lên trong học tập, cuộc sống; nhất định không để học sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không được đến trường.