Sáng 29/11/2023, nhân dịp kỷ niệm 138 năm ngày mất của danh nhân Phạm Thận Duật (29/11/1885), tại Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội), Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức lễ dâng hương tưởng niệm và lễ ra mắt cuốn sách "Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam”, đồng thời tổ chức trao giải thưởng sử học Phạm Thận Duật lần thứ 23 cho những luận án tiến sĩ khoa học lịch sử đã được bảo vệ đạt kết quả xuất sắc trong năm qua.

Phát biểu tại buổi lễ, nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, danh nhân Phạm Thận Duật (1825-1885) là người thôn Yên Mô Thượng, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ông là một nhà sử học, nhà văn hóa, nghĩa sĩ yêu nước, người góp phần khởi động Phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp xâm lược vào cuối thế kỷ XIX. Trong 35 năm làm quan, vừa đảm trách công việc triều đình giao phó, Phạm Thận Duật vừa sáng tác và hoàn thành nhiều tác phẩm thuộc các thể loại thơ văn, nhật ký, tấu tập và địa chí có nhiều giá trị.

Hậu thế đánh giá Phạm Thận Duật là một nhà dân tộc học tầm cỡ với những phát hiện quan trọng, trong cách ông trình bày, ghi chép các tri thức thu thập được trong quá trình điền dã, hay các khám phá về địa hình, khí hậu, ngôn ngữ, văn hóa, tập tục, tín ngưỡng, phương thức canh tác hay lối sống của các tộc người ở khu vực vùng cao phía bắc Việt Nam.

Để tri ân và lan tỏa tình yêu về sử học nước nhà, từ năm 2000, với sự tài trợ của Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật, Giải thưởng Sử học mang tên danh nhân Phạm Thận Duật đã trở thành giải thưởng đầu tiên của Việt Nam được trao trong lĩnh vực sử học, cũng là giải thưởng chính thức và duy nhất của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, có phạm vi trên toàn quốc.

Năm nay, tại lần trao giải thứ 23, từ nhiều luận án tiến sĩ của các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, BTC giải thưởng sử học Phạm Thận Duật đã chọn 6 luận án để trao giải. Trong đó, Giải nhất Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật được trao cho Tiến sĩ Trần Xuân Thanh (Trung tâm Biển và Hải đảo, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) với luận án “Hoạt động khai thác mỏ của người nước ngoài ở miền Bắc Việt Nam từ cuối thế kỷ XVII đến đầu thế kỷ XX”. TS Trần Xuân Thanh chia sẻ, anh rất xúc động và tự hào khi được trao giải thưởng uy tín và danh giá này. Đây là đề tài mà anh và các cộng sự đã ấp ủ nhiều năm khi thấy thực trạng người nước ngoài sang khai thác tài nguyên trong nước. “Tôi muốn thông qua đề tài này để nhìn lại quá khứ, rút ra những bài học cho tương lai. Việc hoàn thành luận án là bước khởi đầu của con đường nghiên cứu khoa học. Giải thưởng lịch sử mang tên danh nhân Phạm Thận Duật mà chúng tôi nhận được hôm nay sẽ là động lực để chúng tôi bước tiếp những nghiên cứu kỹ hơn, sâu hơn về vấn đề này”- TS Trần Xuân Thanh chia sẻ.

Cùng với đó, Ban tổ chức trao tặng 2 giải nhì cho các TS: Đại tá, TS Lưu Thị Bích Ngọc (Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an) với luận án “Vai trò của Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam từ năm 1960-1975”, TS Bùi Văn Huỳnh (Viện Sử học- Viện Hàn lâm KHXHVN) với đề tài “Chợ ở Nam Định từ năm 1831-1890”.

Cũng trong dịp này, BTC trao 3 giải 3 cho các đề tài luận án “Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam giai đoạn 2002 - 2018” của TS Nguyễn Văn Tuấn ( Học viện Chính trị khu vực III), luận án “Quan hệ Nhật Bản - Việt Nam 1954 - 1975” của TS Nguyễn Vũ Kỳ (Khoa Nhật Bản học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP.HCM) và luận án “Nông tường Quốc doanh ở miền Bắc Việt Nam từ 1955-1975” của TS Phạm Thị Vượng (Viện Sử học – Viện Hàn lâm KHXH VN).

PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định: “Những luận án có chất lượng cao và được lựa chọn qua quy trình chuẩn mực, khắt khe. Có những đề tài trước đây chúng ta chưa có điều kiện nghiên cứu nhưng các tân tiến sĩ đã dũng cảm nghiên cứu để có những đóng góp cho một cái nhìn lịch sử khách quan và khoa học”

Trong khuôn khổ của buổi lễ tưởng niệm danh nhân Phạm Thận Duật và trao giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và Quỹ Giải thưởng Phạm Thận Duật còn tổ chức Lễ ra mắt cuốn sách "Phạm Thận Duật trong dòng chảy lịch sử Việt Nam" do Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang chủ biên. Đây là công trình đầu tiên tập hợp nghiên cứu của các nhà sử học trong và ngoài nước về nhân vật lịch sử Phạm Thận Duật.

Tính đến mùa giải năm 2023, Quỹ đã trao giải cho gần 120 Tiến sĩ Sử học có đề tài nghiên cứu xuất sắc. Giải thưởng Sử học Phạm Thận Duật không chỉ khích lệ các tài năng sử học trên con đường nghiên cứu khoa học mà còn góp phần thúc đẩy niềm đam mê nghiên cứu của rất nhiều nghiên cứu sinh và các nhà sử học, đặc biệt là giới trẻ, đồng thời tạo ra một khoa học lành mạnh và bổ ích trong giới sử.