Chiều 16/11, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức buổi gặp mặt giáo viên tiêu biểu người dân tộc thiểu số tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2020. Tham gia buổi gặp mặt có 63 thầy cô đến từ 26 dân tộc thiểu số, trong đó có 6 giáo viên thuộc nhóm dân tộc thiểu số ít người.
Gian nan vận động học sinh đến trường
Chia sẻ tại buổi gặp gỡ, cô Lê Thị Thu Trang - giáo viên Ngữ Văn Trường TH&THCS EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên cho biết, công tác vận động học sinh đến trường hiện còn khó khăn, không phải vì điều kiện kinh tế gia đình các em mà do nhận thức của người dân còn hạn chế. “Có những phụ huynh cho rằng đi học để về cán bộ, làm công chức nhà nước, còn học xong mà không làm cán bộ công chức nhà nước thì học để làm gì?”
Trong khi đó, điều thầy K’Dĩnh, giáo viên trường Tiểu học tân Phúc 1, Hàm Tân, Bình Thuận trăn trở suốt 14 năm làm nghề là phụ huynh vẫn đang “khoán trắng” con em mình cho giáo viên.
“Các em tiểu học ít khi bỏ học nhưng cấp 2, tầm lớp 6, lớp 7 bỏ học nhiều. Ưng học thì học, không ưng thì nghỉ, đi làm công nhân ở Sài Gòn”.
Theo thầy K’Dĩnh, dù hiện các Trung cấp nghề đã tiếp nhận học sinh tốt nghiệp lớp 9. Thế nhưng, nhiều em không thể theo kịp chương trình văn hóa tại các trường nghề dẫn đến chán nản, sau 1-2 năm không học được rồi bỏ trường vào Sài Gòn đi làm công nhân.
Cô giáo Vàng HaDe – người dân tộc La Hủ , giáo viên trường mầm non Bum Tở huyện Mường Tè cho biết, những năm trước đây, ngày nào giáo viên cũng phải xuống bản gọi học sinh đến trường.
“Như tôi là người bản địa biết tiếng dân tộc, hiểu phong tục tập quán còn dễ nhưng giáo viên ở xuôi lên thì rất vất vả”. Thứ 7, Chủ Nhật, giáo viên phải phải đi gọi tận nương mới về. “Nhiều khi phụ huynh bảo các cháu còn nhỏ, không cần học, ở nhà các cháu không có gì ăn phải theo bố mẹ đi làm nương, việc chăm sóc và giáo dục trẻ giao phó cho các cô hết”.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, thầy Thào A Vàng – người dân tộc H’Mông, giáo viên trường THPT dân tộc bán trú TH&THCS Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái cho biết, một số điểm trường đi lại còn khó khăn, điểm trường xa trong các bản còn thiếu điện. Trường TH&THCS Trạm Tấu có gần 600 em học sinh với 90% em ở bán trú nên thời gian các em ở trường nhiều hơn ở gia đình, thầy cô ở phải thay cha mẹ chăm sóc các em.
“Các em ở trường từ đầu tuần đến cuối tuần. Học sinh tiểu học chiều Chủ nhật xuống trường, chiều thứ 6 mới được về. Học sinh nhà xa nhất hơn 10 cây số còn gần nhất cũng phải 4-5 cây số”.
Giáo viên lo “níu giữ” truyền thống văn hóa dân tộc
Khuấy động buổi gặp gỡ, thầy Đào Văn Mượt – giáo viên Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học Kim Long, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu thể hiện ca khúc “Bài ca nhớ Bác” vừa bằng tiếng Việt vừa bằng tiếng Chơ Ro. Thầy Mượt lo lắng khi thấy tiếng mẹ đẻ ngày càng mai một, thậm chí ít xuất hiện trong cả những dịp lễ hội, đám cưới, đám tiệc của người Chơ Ro. “Tôi và anh tôi đến từng thôn bản nhắc nhở bà con truyền thống ngôn ngữ mẹ đẻ.
Cô Vàng HaDe cũng trăn trở, học sinh hiện nay ít biết đến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, các lễ hội và trò chơi dân gian. “như chúng tôi trước đây biết may quần áo dân tộc còn thế hệ con cái sau này đến vấn cái khăn cũng không biết, chỉ biết chơi điện thoại, xem TV.
Nhiều năm gắn bó với đồng bào dân tộc thiểu số, cô Lê Thị Thu Trang – giáo viên Ngữ Văn Trường TH&THCS EaTrol, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên nhận thấy ở Sông Hinh, người Ê-đê, Ba-na có kho tàng văn hóa đồ sộ như văn hóa cồng chiêng và các lễ hội truyền thống nhưng học sinh Ê -đê, Ba- na hiện nay ít biết dệt vải, đan lát, làm rượu cần, ít biết đánh cồng chiêng, ít biết hát dân ca và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống. Việc bảo tồn văn hóa dân tộc thiểu số gặp khó khăn….
Cô Trang mong muốn Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam xây dựng đề án, kế hoạch đưa truyền thống văn hóa dân tộc vào chương trình học ngoại khóa của HS dân tộc thiểu số. Đồng thời tổ chức giao lưu văn hóa dân tộc định kỳ trong đoàn viên, thanh niên để giữ gìn phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng địa phương.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh hy vọng các thầy cô giáo không khuất phục trước những rào cản mà cần phải tiếp tục cố gắng để nâng cao nhận thức và sự thấu hiểu của các phụ huynh, gia đình.
Bà Minh cũng khẳng định, vấn đề duy trì bản văn hóa dân tộc cần phải phát huy. Chương trình Giáo dục phổ thông mới dạy 8 tiếng dân tộc thì thầy cô cố gắng, thực hiện thành công việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa.