Giáo dục đã có những thay đổi mạnh mẽ

Tại sự kiện Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục hôm 18/11, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có những thông tin về ngành Giáo dục Đào tạo sau gần 40 năm đổi mới và 10 năm triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo theo định hướng của Nghị quyết số 29-NQ/TW của BCHTWĐ khóa 11.

Theo đó, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục bậc tiểu học và THCS; giáo dục phổ thông thay đổi mạnh mẽ chuyển hướng tích cực từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất, năng lực, kỹ năng của người học.

Trường học đã thay đổi từ hình thức bên ngoài tới chất lượng giáo dục bên trong. Giáo viên chủ động sáng tạo hơn, học sinh tự tin chủ động hơn, các hình thức dạy học và kiểm tra đánh giá được đổi mới căn bản. Chất lượng giáo dục mũi nhọn ngày càng nâng cao.

Giáo dục đại học tiếp tục đổi mới. Việc tăng cường tự chủ và hội nhập quốc tế đã tạo ra động lực mới, tạo chuyển biến mạnh về chất lượng, hiệu quả trong đào tạo nguồn nhân lực và nghiên cứu khoa học. Số lượng người tham gia học tập ở bậc đại học và sau đại học tăng lên. Số lượng chương trình đào tạo được kiểm định và công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, một số cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo được xếp hạng cao trong khu vực và thế giới.

Giáo dục và đào tạo nước ta có một vài chỉ số mà không phải nước phát triển nào cũng đạt được, chẳng hạn như tỷ lệ người biết chữ trong độ tuổi trên 16 đạt tới trên 97%. Cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học và trung học cơ sở.

Giáo dục phổ thông của chúng ta đứng thứ 53 trên thế giới. Việt Nam nhiều năm liền có mặt trong Top 10 các quốc gia có thành tích các kỳ thi Olympic quốc tế cho học sinh phổ thông cao nhất, có những môn thi vào nhóm 3 hoặc 5 nước có thành tích tốt nhất trên toàn thế giới. Học sinh sau phổ thông của Việt Nam học tiếp tại các trường đại học nước ngoài thuận lợi và giành được sự đánh giá tốt của các trường đại học trên thế giới. Cả nước hiện có gần 7 triệu người đã tốt nghiệp đại học (con số này được thống kê nhờ cơ sở dữ liệu dân cư), 24 triệu người đang đi học ở các bậc, các trình độ khác nhau, loại hình khác nhau tại trên 52.000 cơ sở giáo dục trong cả nước. Chúng ta đã có 4 đại học có mặt trong top 1000 của bảng xếp quốc tế có uy tín QS. Một số ngành đào tạo có mặt trong nhóm 100 của châu Á.

Giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong

Nước ta thực hiện đổi mới mang tính cách mạng trong giáo dục, nhưng thực hiện trong bối cảnh tiềm lực kinh tế, tài chính, đầu tư còn rất hạn hẹp. Giáo dục đối mặt với nhiều thách thức. Trong đó, thách thức lớn nhất là từ chính trong quá trình đổi mới giáo dục. Đó là thách thức của sự đổi mới, vượt lên chính mình, phủ định chính mình như sự lột xác để phát triển.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, đứng trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao.

"Đổi mới nền giáo dục phải thay đổi cho được các thói quen, lối tư duy, cách nghĩ và cách làm cũ, vượt qua các giới hạn để phát triển bứt phá".

Để giáo dục vượt qua những thách thức đó, ngành Giáo dục, đặc biệt là đội ngũ các thầy cô giáo cần nỗ lực lớn và sáng tạo không ngừng, giải pháp trúng, đúng thì mới có thể thực hiện được. Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội quan tâm hơn nữa để “phá tan đi những rào cản cho sự phát triển giáo dục”.

Bộ trưởng khẳng định, trong những thành tựu mà đất nước ta đạt được suốt hơn 40 năm qua của thời kỳ đổi mới, không thể không tính đến sự đóng góp rất quan trọng của lực lượng nhà giáo, của tầng lớp trí thức.

Giáo dục và đào tạo nước nhà đang đứng trước đòi hỏi lớn và vận hội lớn. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng, sứ mệnh được giao càng lớn, yêu cầu và kỳ vọng càng cao thì càng đòi hỏi giáo dục nước nhà đã đổi mới thì phải càng cần đổi mới nhanh hơn, chất lượng đã từng bước nâng cao thì càng cần nâng cao nhanh hơn.

Đất nước muốn phát triển nhanh để trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần có nguồn nhân lực chất lượng cao, phẩm chất tốt, năng lực tốt, thể chất tốt, kỹ năng tốt, ngoại ngữ tốt, đặc biệt là nhân lực cho các ngành khoa học công nghệ mũi nhọn, công nghệ mới, các ngành đem lại vị thế, ưu thế cạnh tranh cho đất nước trên trường quốc tế. Đây là đòi hỏi lớn và khó đối với ngành giáo dục.

Nhưng lịch sử dân tộc ta và lịch sử ngành giáo dục đã từng làm nên những kỳ tích tưởng như không thể làm được trong quá khứ. Bộ trưởng tin tưởng trong tương lai giáo dục sẽ viết tiếp những kỳ tích lớn hơn.

Vai trò nhà giáo không thể thay thế

Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo, người máy, internet vạn vật, dữ liệu lớn, siêu máy tính, trường học ảo, với các phương pháp và công cụ sư phạm mới. Những nhân tố mới xuất hiện khiến cho nhiều người đặt câu hỏi và nghi ngờ sự tồn tại của giáo dục trường học và vai trò những người thầy trong tương lai.

“Chúng ta cần đối mặt với thách thức, không lảng tránh, không sợ hãi. Chúng ta đứng vững trên nền tảng của khoa học giáo dục và bản lĩnh của người thầy để đón nhận những điểm lợi thế của thời đại, để tranh thủ lợi thế, để phát triển nhanh hơn. Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế con người, vai trò nhà giáo không thể thay thế”, ông Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh.

Bộ trưởng nêu rõ, cần coi trí tuệ nhân tạo và các phương tiện số mới là những công cụ sắc bến và hữu hiệu mới. Để làm được điều đó, đòi hỏi nhà giáo phải có tư duy cao hơn, kỹ năng tốt hơn. Nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức.

"Cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trước mắt là 4.0, rồi 5.0 và nhiều nữa trong tương lai".

“Thách thức càng lớn, biến động càng nhiều, cái mới càng dồn dập, giáo dục càng cần quay về củng cố, trang bị cho người học những cái cơ bản nhất, nền tảng nhất. Đứng vững chắc nơi những giá trị cốt lõi nhất của giáo dục là các giá trị về tình yêu thương, sự trung thực, lòng thiện lương và cái đẹp, thêm vào đó là những năng lực và kỹ năng mới của thời đại. Đó là đem cái bất biến ứng phó với vạn biến. Đó là triết lý thích ứng và triết lý phát triển bền vững nền giáo dục của chúng ta”, Bộ trưởng nói.

Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định, đổi mới giáo dục ở chặng đường tiếp theo về thực chất là sự đổi mới ở chiều sâu của chính lực lượng nhà giáo. Giới hạn của nhà giáo chính là giới hạn của nền giáo dục, giới hạn của nền giáo dục chính là giới hạn phát triển của một quốc gia. Nhà giáo chúng ta cần biến những giới hạn trở thành không giới hạn.

Xưa kia, các bậc hiền tài chỉ ngẩng trông, mong ngóng, ước ao làm sao gặp được đấng minh quân biết trọng kẻ sỹ, mến mộ hiền tài, để có cơ hội thi thố, đem tài năng đức độ và nhiệt huyết cống hiến cho vua, cho dân cho nước, để lại danh thơm còn mãi với non sông. Nhưng cũng không ít người trong số các danh sỹ xưa phải ẩn dật lánh đời, hoặc ôm theo mộng kinh bang tế thế về chốn người hiền.

Ngày nay, chưa bao giờ tầng lớp trí thức, các nhà giáo, hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục và đào tạo lại được những người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước coi trọng, đề cao và đặt ở vị trí quốc sách hàng đầu như hiện nay.

Bộ trưởng cho rằng, với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước hiện nay, lực lượng trí thức, các nhà giáo, hoạt động giáo dục và khoa học công nghệ được đặt ở vị trí vinh dự đi đầu - vị trí được coi trọng chưa từng có trong lịch sử.

Đây là thời cơ lớn cho sự phát triển của giáo dục, thời cơ lớn cho các nhà giáo, các bậc tri thức cần thể hiện hết mình, thi thố tài năng, tất cả vì sự phát triển của quốc gia dân tộc. “Quốc gia hưng vong, sĩ phu hữu trách”, đất nước trước cơ hội hưng thịnh, trí thức có trách nhiệm rất rất lớn. Các nhà giáo, các bậc tri thức, chúng ta dứt khoát cần phải trả lời câu hỏi: làm thế nào để đáp lại sự phó thác, tin tưởng, giao trọng trách của Đảng, Nhà nước và nhân dân? Sự báo đáp của người trí thức xưa nay vẫn phải và nên theo tinh thần "ơn nước một bầu cần đáp lại bằng cả dòng sông", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.