Chiều 15/8, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn tiếp tục gặp gỡ các giảng viên, quản lý giáo dục ĐH.

Để người tài, người giỏi không phải lụy

Phát biểu tại buổi gặp mặt, ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ đồng thời là giảng viên Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, việc đào tạo của nhà trường mang tính chất đặc thù, với thời gian đào tạo dài nhất trong hệ thống các trường ĐH.

Hiện nay, đào tạo BS Đa khoa 6 năm, muốn trở thành giảng viên của trường thì phải thêm 3 năm nội trú, ít nhất mất 9 năm. Thông thường, họ phải học lên tiến sĩ và xa hơn.

Theo ông Minh, vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc nên trách nhiệm của giảng viên trường y nặng nề hơn. Ngoài giảng dạy tại trường còn kiêm nhiệm tại bệnh viện. “Thời gian chúng tôi ở bệnh viện bằng ở trường, thậm chí nhiều hơn ở trường, dù chúng tôi là giảng viên. Nhưng, nếu không làm như vậy thì không có bác sĩ giỏi”.

Trong khi đó, Trưởng phòng tổ chức cán bộ Trường ĐH Y cho biết, lương chỉ được hưởng 1 loại. Thời gian qua, một số giảng viên xin ra trường ngoài công lập giảng dạy vì không có gì giữ chân nếu họ muốn ra đi.

“Quan trọng nhất giữ chân bằng tâm huyết của người ta chứ không phải bằng rào cản kỹ thuật, giữ bằng cấp”.

Trước những khó khăn về lương và giữ chân đội ngũ giảng viên, ông Minh mong muốn Bộ GD-ĐT có chế độ chính sách phù hợp, cho khối y dược đặc thù để đào tạo đội ngũ cán bộ giảng viên xứng tầm. Bởi theo ông, ngành y nước ta so với thế giới không thua kém, thậm chí giảng viên của chúng ta còn đi dạy cho chuyên gia nước ngoài.

Ông Minh cũng nêu ra bất cập trong tuyển dụng cán bộ, viên chức của trường y hiện nay. Theo thông tư số 40 năm 2020 quy định mã tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có bằng thạc sĩ trở lên. Thực tế, nhiều thầy cô ra trường giai đoạn trước không được đào tạo thạc sĩ. “Ngành y có đặc thù đào tạo BS nội trú, Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2. Rất nhiều người có bằng chuyên khoa 2, thực chất chuyên môn giỏi hơn thạc sĩ và có nhiều kinh nghiệm hơn. Tuy nhiên, chiếu theo theo thông tư này không thể tuyển giảng viên được vì không có bằng thạc sĩ.

Vì vậy, ông Minh mong muốn chế độ chính sách có độ mở, chẳng hạn có bằng thạc sĩ hoặc tương đương trở lên “thì sang Bộ y tế chúng tôi có thể can thiệp mở rộng tuyển cán bộ đạt yêu cầu mà chúng tôi đề ra”.

Trao đổi với những khó khăn với nhân sự là giảng viên ngành y, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng, lực lượng ngành y về mặt đào tạo chuyên môn BS nội trú, Chuyên khoa 1, Chuyên khoa 2 không có tương thích trong các văn bản quy phạm pháp luật.

"Mặc dù thực tế BS nội trú rất giỏi nhưng tương đương với thạc sĩ hay chưa, điều này 2 Bộ GD-ĐT và Y tế phải làm việc với nhau để người giỏi người tài không phải lụy vì hành chính, đi vào thực chất, trình độ năng lực của họ", ông Sơn nói.

Nhiều viên chức trình độ cao xin thôi việc

Đề cập tới thực trạng đời sống giảng viên, ông Trần Trọng Đạo, Chủ tịch công đoàn trường ĐH Nha Trang cho biết, công việc của viên chức hiện nhiều áp lực trong khi thu nhập thấp, đời sống khó khăn. Hệ quả là không ít viên chức, thậm chí viên chức trình độ cao xin thôi việc, sang làm cho doanh nghiệp, chuyển công tác khác. Một số thì đi học nước ngoài nhưng không muốn về trường công tác.

“Không ít viên chức người lao động đang tiếp tục công tác nhưng dành nhiều thời gian, trí tuệ, tâm huyết làm công việc khác nhau ngoài công việc cao quý của chúng ta là dạy học và phục vụ”, ông Đại nói.

Theo ông, nhiều giảng viên hiện làm thêm những công việc khác nhau như buôn bán bất động sản, bán hàng online...“Thực tế, công việc chính lại đem lại thu nhập phụ, còn việc phụ đem lại thu nhập chính. Hậu quả là chất lượng giáo dục bị ảnh hưởng”.

Chia sẻ với Bộ trưởng về những khó khăn khi giải quyết lương cho đội ngũ giảng viên, giáo viên, ông Đạo đề xuất cần có chính sách cho vay vốn ưu đãi thông qua hệ thống ngân hàng phù hợp với viên chức và người lao động trẻ. “Điều này chúng ta đã triển khai với sinh viên, chúng ta hoàn toàn có thể triển khai với khối cán bộ”.

Làm thế nào để tăng lương cho giảng viên, để họ có thu nhập sống được và sống đàng hoàng là trăn trở của ngành giáo dục. Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, tầng lớp trí thức bỏ thời gian học tập, là những người ưu tú, có trí tuệ, trình độ phải có thu nhập xứng đáng. Tuy vậy, thu nhập là bài toán khó.

Nghị quyết 29 xác định, tiến tới ngành giáo dục phải được hưởng mức lương cao nhất trong bảng lương của viên chức trong khối sự nghiệp công lập, định hướng vậy nhưng phải làm nhiều việc nữa. Một số trường ĐH tự chủ nếu nguồn lực khá lên, nguồn đầu tư hỗ trợ học phí và nguồn thu khác thì có thu nhập tăng thêm cho giảng viên đỡ khó khăn nhưng không phải trường nào cũng làm được”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhận định./.