
Một lớp học nhỏ - một tình yêu lớn
Giữa lòng thủ đô Berlin nhộn nhịp, có một trường học tiếng Việt nhỏ nằm tại Trung tâm đa văn hóa Bayouma-Haus mang tên Trường tiếng Việt AWO. Người sáng lập và trực tiếp đứng lớp là cô giáo Nguyễn Thu Loan, người đã dành gần 20 năm gắn bó với công việc dạy tiếng mẹ đẻ cho thế hệ trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại Đức.
Từ những ngày đầu chỉ có vỏn vẹn 10 học sinh, đến nay, Trường tiếng Việt AWO đã có khoảng 70–80 em theo học. Học tiếng Việt không chỉ để học tiếng mẹ đẻ, các em đến đây còn học để hiểu ông bà, bố mẹ, hiểu về phong tục tập quán, lịch sử của Việt Nam.

“Ban đầu tôi mở lớp chỉ vì muốn con mình có bạn học tiếng Việt, nhưng rồi tôi nhận ra, nếu mình không dạy thì các cháu sẽ hoàn toàn không có cơ hội học tiếng mẹ đẻ. Nhiều em không hiểu những từ đơn giản như “ông”, “bà”, bố mẹ lại bận mưu sinh, ít khi có thời gian trò chuyện cùng con cái. Rào cản ngôn ngữ ấy chính là nguyên nhân dẫn đến khoảng cách trong các gia đình Việt nơi đất khách”, cô Loan chia sẻ.
Không chỉ dạy ngôn ngữ, cô Loan còn tổ chức các sự kiện như Tết Nguyên Đán, Ngày hội Gia đình Việt Nam, giúp các em trải nghiệm và yêu quý truyền thống quê nhà. Có những em học sinh từng không biết nói tiếng Việt, sau vài năm học đã dạy lại cho cả bạn người Đức những câu đơn giản như “tôi thích Việt Nam”, hay tên món ăn Việt như nem, cơm rang, mì xào.
Tiếng Việt - cầu nối tình thân và bản sắc
Tình yêu dành cho tiếng mẹ đẻ thể hiện sinh động qua lời tâm sự của các em học sinh. Vũ Laura (11 tuổi) học sinh lớp cô Loan tự hào chia sẻ: “Em học tiếng Việt 5 năm rồi. Giờ em có thể nói chuyện với ông bà, dạy tiếng Việt cho bạn người Đức. Sau này, em muốn về Việt Nam làm giáo viên dạy tiếng Đức và tiếng Anh”.

Còn em Đỗ Lyna thì mong ước đơn giản: học tiếng Việt để có thể làm phiên dịch cho bố mẹ, đưa ông bà đi khám bác sĩ. Những ước mơ tưởng chừng nhỏ bé, nhưng chứa đựng trong đó là tình cảm lớn lao với gia đình và cội nguồn dân tộc.
Những dòng chữ nguệch ngoạc như “cô Loan xinh”, “yêu cô Loan” viết tặng cô trên chiếc bảng đen, những tiếng hát chưa tròn vành rõ chữ trong các chương trình văn nghệ do học sinh lớp cô biểu diễn…đều là minh chứng cho sự lan tỏa của tiếng Việt trong cộng đồng người Việt tại Đức.

Tiếp lửa từ cộng đồng
Không chỉ có cá nhân cô giáo Nguyễn Thu Loan, nhiều tổ chức, hội đoàn tại Đức cũng đang góp phần nuôi dưỡng tiếng mẹ đẻ. Bà Phạm Quỳnh Nga, Tổng biên tập Báo Viet-bao.de, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp hội Người Việt tại Đức cho biết: “Các buổi gặp mặt đồng hương, các CLB múa hát, vinh danh học sinh giỏi… đều là dịp để các cháu thế hệ thứ hai, thứ ba được nói tiếng Việt, thể hiện bản sắc văn hóa Việt giữa cộng đồng”.
Bà đặc biệt nhấn mạnh vai trò của các lớp học tiếng Việt như của Trường tiếng Việt AWO của cô Nguyễn Thu Loan: “Chính nơi đó, nhiều cháu đã biết viết thư về cho ông bà ở Việt Nam, tham gia cuộc thi viết về biển đảo quê hương và đạt giải, điều không tưởng nếu các cháu không được học tiếng mẹ đẻ một cách bài bản”.
Từ thực tế giảng dạy và quan sát cộng đồng, bà Phạm Quỳnh Nga gửi gắm đến các bậc phụ huynh lời nhắn nhủ đầy trăn trở: “Dù bận rộn mưu sinh, xin hãy dành thời gian kể chuyện, đọc sách, trò chuyện bằng tiếng Việt với con cái. Hãy tạo môi trường cho các cháu thực hành tiếng mẹ đẻ hằng ngày. Chính cha mẹ là người giữ chìa khóa để tiếng Việt không bị mai một trong tâm hồn trẻ em Việt nơi đất khách”.

Đặc biệt, bà Quỳnh Nga mong muốn Ban Công tác Cộng đồng Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức hỗ trợ, nhắc nhở các tổ chức, Hội đoàn, CLB tại Berlin nói riêng và nước Đức nói chung quan tâm đến các cháu, hãy mở thêm các lớp học tiếng Việt, “góp phần gìn giữ tiếng nói người Việt tỏa đi muôn phương”.
Giữa lòng châu Âu xa xôi, tiếng Việt vẫn ngân vang, trong ánh mắt háo hức của các em nhỏ, trong nỗ lực bền bỉ của những người thầy, người cô và trong tình yêu lặng lẽ mà sâu sắc của mỗi người Việt xa quê.