Hơn 4.800 đội tình nguyện với hơn 241 nghìn đoàn viên, thanh niên vừa đồng loạt ra quân hỗ trợ chính quyền địa phương hai cấp giải quyết thủ tục hành chính cho người dân tại 3.321 xã, phường và đặc khu trên toàn quốc.

Đây là hoạt động trọng tâm trong chiến dịch tình nguyện hè năm nay, kéo dài từ tháng 7 đến hết tháng 8/2025.

Lực lượng thanh niên tình nguyện tập trung hỗ trợ địa bàn khó khăn. Trong đó có 286 địa phương biên giới, hải đảo, nơi địa bàn rộng, đường sá đi lại khó khăn hoặc những nơi dân số đông, lượng thủ tục hành chính lớn.

Tại TP. Hà Nội, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết, ngay khi có chủ trương về việc sắp xếp đơn vị hành chính và vận hành chính quyền 2 cấp trên địa bàn Thủ đô, Đoàn Thanh niên Thành phố đã chỉ đạo khẩn trương thành lập 126 đội hình tương ứng với 126 xã, phường mới trên địa bàn Thành phố với gần 4.000 tình nguyện viên là thanh niên Thủ đô kịp thời hỗ trợ trực tiếp tại các chi nhánh và các điểm phục vụ hành chính công trên địa bàn, đồng thời hỗ trợ tại nhà đối với nhóm người dân gặp khó khăn trong việc di chuyển.

Cụ thể, các đội hình Thanh niên tình nguyện có nhiệm vụ: Tuyên truyền và hướng dẫn công dân sử dụng dịch vụ công trực tiếp và trực tuyến tại điểm phục vụ hành chính công trên địa bàn; Hỗ trợ công dân điền hồ sơ, biểu mẫu; phân luồng công dân theo nhóm dịch vụ, đảm bảo trật tự tại khu vực tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; Giải đáp các thắc mắc của công dân về các thông tin liên quan đến thủ tục hành chính, mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp...

Đặc biệt, theo Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng, Thành đoàn TP. Hà Nội tổ chức các buổi tập huấn về phong trào “Bình dân học vụ số” cho các cơ sở đoàn trực thuộc cho trên 750 lượt cán bộ, đoàn viên, tình nguyện viên.

Các cơ sở Đoàn địa bàn dân cư đã phối hợp với các trường đại học, học viện trên địa bàn thường xuyên mở các lớp “Bình dân học vụ số” dựa trên nhu cầu của người dân địa phương.

Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố triển khai lớp tập huấn cho trên 200 tình nguyện viên nòng cốt để tham gia thực hiện hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính cho Nhân dân.

"Vì yêu cầu tập huấn phải trong thời gian ngắn nhưng vẫn đảm bảo các bạn tình nguyện viên có thể tiếp cận ngay công việc, chúng tôi đã lựa chọn những kỹ năng cần thiết để ưu tiên trong đào tạo: Kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh, máy tính bảng, máy in, quét mã QR…; Kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn và giải thích dễ hiểu cho người dân; Cách hỗ trợ người già, người yếu công nghệ tiếp cận dịch vụ công…", Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội Nguyễn Tiến Hưng cho biết.

Tại xã Minh Châu (TP. Hà Nội), Đoàn xã huy động 142 đoàn viên, thanh niên chia ca, phân nhóm thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ bà con tối đa khi làm thủ tục hành chính cũng như định danh điện tử.

Ban ngày, Đoàn xã bố trí 2 nhóm tình nguyện viên trực tại trụ sở UBND xã. Buổi tối, tăng cường các tổ thanh niên đi cùng cán bộ thôn tới từng hộ dân để vận động cài đặt các ứng dụng số và hướng dẫn thủ tục hành chính nếu có.

Ông Đinh Tuấn Anh – Phó chủ tịch xã Minh Châu, TP. Hà Nội cho biết, đây là mô hình "2 phục vụ" nhân dân tại trụ UBND xã và tại hộ gia đình.

"Với sự tham gia hỗ trợ từ đoàn viên, thanh niên người dân được hướng dẫn tận tình trong việc thực hiện thủ tục hành chính, cài đặt định danh điện tử, tiếp cận các nền tảng số một cách dễ dàng, dễ hiểu", ông Đinh Tuấn Anh chia sẻ.

Cũng theo ông Đinh Tuấn Anh, trong tuần đầu tiên vận hành chính quyền địa phương hai cấp, bà con nhân dân xã Minh Châu cảm nhận rõ sự hiệu quả. Người dân không còn phải đi qua phà, qua sông để thực hiện các thủ tục hành chính mà trước đây thuộc thẩm quyền của cấp huyện.

Từ ngày 1/7, UBND xã Minh Châu chủ động, linh hoạt, triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nhân dân trong việc trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính.

"Để đảm bảo vận hành trơn tru, ngay từ đầu khiển khai, UBND xã chủ chủ động xây dựng các kế hoạch chi tiết. phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận trong bộ máy của chính quyền cấp xã. Chúng tôi đặt ra các mục tiêu, thứ nhất tiếp nhận thủ tục tại chỗ, người dân có thể đến trụ sở xã để thực hiện hỗ trợ giải quyết hồ sơ nhanh chóng, thậm chí, có những thủ tục theo quy định phải chờ 1-2 tiếng thì chúng tôi yêu cầu phải giải quyết nhanh nhất có thể; Thứ hai, tổ chức hỗ trợ lưu động tại hộ dân. Thứ 3 là tăng cường tiếp cận công nghệ thông tin đối với người dân", ông Đinh Tuấn Anh cho biết.