Khó tuyển giáo viên Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc... vì lương thấp
Tại Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025 toàn ngành Giáo dục, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, năm học 2023-2024 quy mô giáo dục thủ đô tiếp tục tăng 39 trường và 48.000 học sinh. Hà Nội có 2913 trường mầm non và phổ thông các cấp với 2.3 triệu học sinh, gần 130 nghìn giáo viên.
Với quy mô giáo dục hằng năm tiếp tục tăng, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thì số biên chế hiện nay của Hà Nội còn thiếu. Do đó, bà Vũ Thu Hà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ, Bộ GD-ĐT rà soát đánh giá lại định mức biên chế giáo dục. Đặc biệt là cơ cấu một số môn đặc thù phù hợp với công tác giảng dạy ở từng địa phương trong khi hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin đã phổ biến.
Nói về tình trạng thiếu nguồn tuyển, bà Trần Thị Diệu Thúy, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, TP.HCM rất khó tuyển giáo viên ở các bộ môn Anh Văn, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc... vì lương quá thấp. “Với điều kiện mặt bằng lương trung bình thì khối ngành này không tuyển được và không thể đề xuất HĐND cấp cơ chế chính sách tài chính hỗ trợ riêng tương tự như giáo viên mầm non ở TP.HCM”, bà Thúy nói.
Vì vậy, lãnh đạo UBND TP.HCM đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu tham mưu Chính Phủ tháo gỡ khó khăn cơ chế tài chính, tạo điều kiện cho các tỉnh, thành phố xây dựng cơ chế đặc thù tuyển dụng giáo viên Anh văn, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật...
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Doan, chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khẳng định “điểm nghẽn” lớn nhất chính là chất lượng nhà giáo. Ngoài ra, đời sống giáo viên còn khó khăn, “thử hỏi rằng giáo viên đã dành bao nhiêu thời gian để đọc?”.
Để phát triển chất lượng nguồn lao động Việt Nam bà Doan cho rằng cần phải phải kích đẩy chất lượng giáo dục. Muốn vậy, phải nâng cao chất lượng đội ngũ, vì người thầy chính là “chìa khóa”. Đây là bài toán khó, đòi hỏi các cấp, ngành, địa phương phải cùng vào cuộc.
Đề xuất "chỉnh" Nghị định 116
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn – Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định, các trường ĐH Sư phạm bám sát, coi chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là căn cứ xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo giáo viên.
Hiện nay, các trường ĐH Sư phạm chủ chốt và ĐH Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) mở các ngành đào tạo đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018 như đào tạo giáo viên Khoa học tự nhiên, giáo viên Lịch sử - Địa Lý... Năm ngoái, lứa sinh viên chính quy đầu tiên theo chương trình này đã tốt nghiệp.
Ngoài ra, các tác trường Sư phạm còn mở chương trình bồi dưỡng giáo viên đơn môn chuyển đổi dạy các môn học tích hợp theo chương trình 2018.
Nói về tình trạng thiếu đội ngũ cho những môn mới trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn cho biết, hiện các trường Sư phạm xây dựng chương trình vừa học vừa làm (bằng 2) giúp chuyển đổi giáo viên đang giảng dạy trong nhà trường. Ví dụ, giáo viên từng có bằng 1 cử nhân sư phạm Hóa có thể học chương trình bằng 2 để dạy khoa học tự nhiên. Đây là một trong số các giải pháp mà các trường ĐH Sư phạm đang thực hiện để cung cấp đội ngũ hệ cho hệ thống giáo dục quốc dân.
Theo ông Nguyễn Đức Sơn, Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm đã triển khai được 4 năm và có tác động thu hút nhiều sinh viên có mong muốn trở thành giáo viên.
Năm qua, một số học sinh được giải thưởng quốc gia, Olympic quốc tế đã đăng ký vào ngành Sư phạm tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Cụ thể, số học sinh đạt học sinh giỏi quốc gia đăng ký tuyển thẳng vào ĐH Sư phạm Hà Nội là 300 em. Số nhập học chính thức là 100 em. Dữ liệu mà Bộ GD-ĐT công bố cho thấy số lượng học sinh đăng ký vào sư phạm tăng cao. Điều đó cho thấy Nghị định 116 đã tạo động lực thu hút người học chọn Sư phạm.
Tuy vậy việc thực hiện Nghị định 116 trên cơ thực tế còn một số vướng mắc cần tháo gỡ. Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội đề xuất sửa đổi Nghị định 116 theo hướng thay vì cung cấp kinh phí ngay từ đầu chuyển thành cung cấp học phí và sinh hoạt phí khi sinh viên tốt nghiệp được cơ sở giáo dục tuyển dụng (bồi hoàn). Điều đó sẽ tạo ra sự linh hoạt hơn trong đào tạo giáo viên, giải quyết khó khăn thiếu giáo viên cục bộ ở cả môn học và địa phương.
Ông Sơn nhấn mạnh, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm điều hành hệ thống, sao cho nguồn lực giáo viên phải đủ nhưng nếu chỉ căn cứ vào vào đặt hàng giáo viên thì rất khó khăn vì chỉ tiêu đặt hàng các địa phương còn hạn chế. Nếu sửa Nghị định 116 theo hướng cung cấp học phí và sinh hoạt phí sau thì khi sinh viên đỗ vào trường Sư phạm sẽ được vay nguồn tín dụng sinh viên với ưu đãi thấp. Khi tốt nghiệp, sinh viên nếu làm trong ngành giáo dục sẽ được hoàn trả toàn bộ kinh phí ấy. Điều này sẽ giúp cho việc điều phối tổng thể thuận lợi hơn.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cũng mong muốn các địa phương tiếp tục bồi dưỡng giáo viên đáp ứng Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Bởi vì quá trình đào tạo này là lâu dài và cần tích lũy dần. “Bồi dưỡng và bồi dưỡng thường xuyên phải là quá tình tích lũy dần, tạo ra thích ứng ổn định đối với hoạt động mới. Nếu có khả năng thích ứng thì sau này dù có thay đổi nào thì giáo viên cũng thích ứng được”.
Việc một số nơi chỉ đào tạo bồi dưỡng một lần rồi dừng lại không thể giúp giáo viên thích ứng với chương trình. Do đó, ông Sơn mong muốn các địa phương kết hợp với trường sư phạm để tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên vòng 2, vòng 3 theo hướng sâu hơn, sát hơn, cụ thể hơn. Điều này một mặt đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, một mặt tạo ra sự thích ứng cho đội ngũ giáo viên./.