Cuộc thi “Hà Nội trong tôi” mở ra không gian sáng tạo khi 243 bài thi sinh viên gửi về theo nhiều thể loại, hình thức khác nhau như các bài viết, các video tự quay, tranh vẽ, thơ, bài hát về Hà Nội do các em tự thể hiện, là những cảm xúc chân thực của tuổi trẻ với Hà Nội.
Hà Nội hiện lên theo nhiều góc cảm xúc, nhiều chiều kích khác nhau, không lẫn lộn, không theo kiểu đồng phục đọc chép. Bởi bản thân thành phố này đã ôm trong mình vô vàn lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề phố nghề, và cả những góc để nhớ để thương khác biệt, không nơi nào có.
Đó có thể là vòm cây mát danh dọc phố Phan Đình Phùng, Lò Đúc, Bắc Sơn, một Hà Nội se lạnh mùa thu, ướp trong hương cốm ngọt ngào hay những giai điệu hào hùng, rạng rỡ khí thế của đoàn quân cách mạng tiến về tiếp quản Thủ đô. Cùng đó, các bạn sinh viên từ góc tiếp cận khác có thể chỉ ra những trăn trở về thành phố nghìn năm tuổi với nạn kẹt xe, tắc đường ngày một trở thành ám ảnh – “Hà Nội không vội được đâu”; Hà Nội vẫn thiếu vắng những lời cám ơn- xin lỗi…
Nhưng dù khen hay chê, trên hết, vượt qua tất cả vẫn là tình yêu đậm sâu với Thủ đô. Nói như GS.TS. NGND Nguyễn Quang Ngọc, công dân Thủ đô ưu tú năm 2020 trong phần phát biểu, chia sẻ đã trích dẫn câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” để phần nào khắc sâu hơn tình yêu mọi người dành cho Thủ đô dù sinh ra, lớn lên hay chỉ nhập cư về Hà Nội.
27 giải thưởng đã được trao cho các cá nhân và tập thể lớp ngay trong ngày kỷ niệm 68 năm Giải phóng Thủ đô 10/10. Tuy số lượng giải trao cho cuộc thi còn hạn chế nhưng ở đây cần đánh giá cao sự tích cực tham gia của sinh viên trong Khoa, sự tích cực của BCH Liên Chi đoàn và sự vào cuộc của các cố vấn học tập, các thầy cô giáo dạy môn Hà Nội học...
Tạ Thị Hương Giang, sinh viên năm cuối lớp Quản trị khách đoạt giải Nhất cuộc thi bày tỏ, tình yêu Hà Nội của em đã được lấp đầy, được gìn giữ trong suốt 4 năm học đại học ở Hà Nội. Mỗi lần đến một địa điểm, một không gian đặc biệt của Thủ Đô, Hương Giang có thói quen quay clip như một phương thức lưu giữ những khoảnh khắc để lại trong mình nhiều cảm xúc nhất. Việc cần làm duy nhất để tạo nên bài thi với Hương Giang chỉ đơn giản chắp nối, tạo mạch cho toàn bộ kho tư liệu đã tích lũy.
“Quê hương Quảng Ninh của em cũng rất đẹp, rất nhiều danh thắng, di tích. Tuy nhiên, Hà Nội có nét đặc biệt riêng. Và tình yêu thành phố này nằm ở thẳm sâu bên trong em rồi”, Hương Giang cho biết.
“Cuộc thi cũng thể hiện hướng đi đúng trong chiến lược đào tạo của Khoa Văn hóa - Du lịch nói riêng và trường Đại học Thủ đô Hà Nội nói chung. Đó là lồng ghép kiến thức Hà Nội học không chỉ vào các môn học mà còn thông qua nhiều hoạt động của sinh viên để thế hệ trẻ hiểu và thấu được cốt cách, văn hóa của người Hà Nội, để từ đó biết trân quý, giữ gìn và phát huy”. TS Lê Thị Thu Hương, Trưởng Khoa Văn hóa- Du lịch chia sẻ.
Việc tổ chức các hoạt động tham quan, tìm hiểu hay cuộc thi gắn với Hà Nội, Khoa và Nhà trường cũng mong muốn tình yêu Hà Nội trong sinh viên sẽ được nhân lên, thể hiện bằng những hành động, việc làm hàng ngày, góp phần làm cho Thủ đô yêu dấu ngày càng đẹp hơn, xứng đáng hơn với danh xưng: Hà Nội - Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người, TP vì hòa bình, Thủ đô Văn minh, hiện đại, Thành phố thông minh, sáng tạo...