Năm 2024, Đại học Bách khoa Hà Nội tuyển 9.260 sinh viên bằng 3 phương thức: xét tuyển tài năng (20%), xét điểm thi đánh giá tư duy (30%), xét điểm thi tốt nghiệp THPT (50%).

Đối với phương thức xét tuyển tài năng, năm nay, hơn 5.700 học sinh đăng ký xét tuyển, tăng 1,9 lần so với năm ngoái và cao nhất từ trước đến nay.

Trong số này, 230 em thuộc diện tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, 930 học sinh xét bằng chứng chỉ quốc tế (SAT, ACT, IB, AP). Xét hồ sơ kết hợp phỏng vấn là nhóm thứ ba.

Đây là những học sinh có điểm trung bình môn từng năm từ 8 trở lên, kèm ít nhất một trong các thành tích: được chọn thi học sinh giỏi hoặc khoa học kỹ thuật cấp quốc gia; có giải thưởng cấp tỉnh môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, Tin, Ngoại ngữ; tham gia chương trình Đường lên đỉnh Olympia vòng tháng trở lên; là học sinh hệ chuyên.

Tại chương trình gặp gỡ các thí sinh trúng tuyển sớm theo diện xét tuyển tài năng (XTTN): “Gặp để yêu hơn” (7/7), PGS. Huỳnh Quyết Thắng – Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chúc mừng các thí sinh sớm trúng tuyển vào Đại học Bách khoa.

Ông bày tỏ niềm tự hào khi ngôi nhà chung Bách khoa Hà Nội sẽ được các học sinh tài năng lựa chọn là điểm khởi đầu cho hành trình tương lai.

PGS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh, với 76% đội ngũ giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên, chất lượng cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư, các chương trình đào tạo luôn được cập nhật theo xu thế thời đại, Đại học Bách khoa Hà Nội tự tin có thể giúp các em hiện thực ước mơ của bản thân, trở thành những kỹ sư, cử nhân, chuyên gia ngành kỹ thuật...

Tham dự chương trình "Chào các IDOL xét tuyển tài năng 2024–Gặp để yêu hơn", Vũ Hoàng Tân, học sinh trường THPT Trực Ninh (Nam Định) cho biết, bản thân đã trúng tuyển sớm vào ngành Điện-Điện tử bằng phương thức xét tuyển tài năng. Việc sớm có suất học ngành học yêu thích tại ngôi trường đào tạo kỹ thuật hàng đầu giúp em giải tỏa nhiều áp lực.

Theo tính toán của Vũ Hoàng Tân, điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của em ở ngưỡng 26-27 điểm. Mức điểm này chưa thực sự an toàn nếu như sử dụng để xét tuyển vào các ngành học "hot" của Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Em đã đủ điều kiện trúng tuyển vào ngành học yêu thích nên chắc chắn sẽ không quay xe lựa chọn ngành học khác hoặc ngôi trường học khác", Vũ Hoàng Tân nói.

Trong khi đó, Nguyễn Duy Khuyến, học sinh trường THPT Lê Hồng Phong (Cẩm Phả, Quảng Ninh) cảm thấy bản thân thực sự "nhỏ bé" khi tham gia chương trình "Chào các Idol xét tuyển tài năng-Gặp để yêu hơn" của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Tại chương trình này, Phong được gặp gỡ, giao lưu với nhiều thí sinh tài năng, có thành tích "khủng" đến từ các trường THPT chuyên hoặc không chuyên ở nhiều tỉnh, thành phố.

"Em trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng vào ngành Điện tử viễn thông. Tuy nhiên, ngành học em yêu thích nhất vẫn là Tự động hóa. Em vẫn chờ điểm thi tốt nghiệp THPT để tiếp tục cạnh tranh vào ngành học yêu thích nhất", Nguyễn Duy Khuyến chia sẻ.

Nam sinh đến từ trường THPT Lê Hồng Phong cũng cho biết, bản thân em khá thích thú với phương thức xét tuyển tài năng. Bởi trong cuộc phỏng vấn xét tuyển, Nguyễn Duy Khuyến được trực tiếp trò chuyện, trao đổi với các giảng viên, nhà khoa học hàng đầu của Đại học Bách khoa Hà Nội.

"Không đơn thuần là phỏng vấn xét tuyển mà thực sự các thầy/cô tập trung khai thác thế mạnh, yêu thích của mình từ đó định hướng vào ngành học phù hợp nhất", em Nguyễn Duy Khuyến cho biết.

Lọt "top" 40 thí sinh xét tuyển tài năng xuất sắc nhất, Trương Quang Minh - Học sinh lớp 12 Lý 1, Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam vinh dự được nhận cúp vinh danh của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thông thạo tiếng Anh và tiếng Đức, là thành viên cốt cán của CLB Greenams Robotics Team (CLB Robotics duy nhất của Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam tham dự kỳ thi quốc tế FIRST Robotics Competition), Trương Quang Minh là thí sinh có điểm hồ sơ năng lực cao nhất Trường Cơ khí, xuất sắc trúng tuyển ngành Kỹ thuật Cơ khí Động lực.

“Kết quả xét tuyển tài năng và trúng tuyển vào Đại học Bách khoa Hà Nội là minh chứng cho sự cố gắng trong 3 năm THPT của em.” Quang Minh xúc động chia sẻ.

Đối với phương thức xét tuyển tài năng, xét hồ sơ năng lực kết hợp phỏng vấn có nhiều thí sinh đăng ký nhất với gần 4.600 em. Đại học Bách khoa Hà Nội huy động khoảng 500 giảng viên, chia thành 310 hội đồng, phỏng vấn bằng hình thức online.

Dẫn đầu về điểm chuẩn là ngành Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (IT-E10) với 104,58/110 điểm, tăng 6,16 so với năm ngoái.

Bốn ngành còn lại trong top 5 vẫn là Khoa học máy tính, Công nghệ thông tin Global ICT, An toàn không gian số, Kỹ thuật máy tính. Tất cả đều tăng 13-20,7 điểm chuẩn.

Một số có mức trúng tuyển từ 90 trở lên như nhóm ngành về Vi mạch, bán dẫn; Khoa học và Công nghệ sức khỏe, Logistics và phân tích kinh doanh.