Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam và Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế - kỹ thuật vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc giảng dạy văn hóa trung học phổ thông (THPT) cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục năm 2019, người học tốt nghiệp bậc THCS đi học trình độ trung cấp, có thể học thêm văn hóa THPT để liên thông lên trình độ cao hơn; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông người học phải tích lũy. Tuy nhiên, đến nay, Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành thông tư này.

Trong khi đó tại văn bản số 2672 ngày 20/6/2019 của Bộ GD&ĐT về việc tăng cường quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghệp - giáo dục thường xuyên cũng như các văn bản hướng dẫn, trả lời các địa phương, Bộ GD&ĐT quy định việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT để tham dự kỳ thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông phải do các trung tâm giáo dục thường xuyên chủ trì thực hiện. Không cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Thực tế ở nhiều địa phương, số học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục nghề nghiệp ngày càng đông. Trong đó có trên 80% có nhu cầu học văn hóa THPT để tham dự kỳ thi quốc gia và lấy bằng tốt nghiệp THPT. Nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp ở các địa phương đã không được tiếp tục thực hiện giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Nhiều địa phương như Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên đã có đã có văn bản kiến nghị về việc này, đều được Bộ GD-ĐT trả lời việc giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông phải do các trung tâm giáo dục thường xuyên thực hiện. Các trường trung cấp, cao đẳng phải liên kết với trung tâm giáo dục thường xuyên, không được quyền tự tổ chức giảng dạy, dù trước đây đã được Sở GD&ĐT cho phép.

Trước đề nghị của Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tháng 11/2020, Bộ GD&ĐT đã đồng ý để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được thực hiện giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THTP cho học sinh theo học trình độ trung cấp để liên thông lên trình độ cao đẳng, chứ không đồng ý để các trường này giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT cho người học.

Điều này khiến cho hàng trăm trường trung cấp, cao đẳng có đủ điều kiện, đã được Sở GD&ĐT ở các địa phương cho phép giảng dạy văn hóa THPT (bao gồm cả chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông) trước đây vẫn không được giảng dạy chương trình này.

Theo Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam và Hiệp hội các trường Cao đẳng, Trung cấp kinh tế - kỹ thuật, quan điểm này chưa đúng với quy định của Luật Giáo dục năm 2019 và chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại hội nghị trực tuyến toàn quốc ngành giáo dục năm 2020 tổ chức ngày 31/10/2020, gây khó khăn cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp và nhất là cho người học.

Các hiệp hội kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GD&ĐT cho phép các trường trung cấp, cao đẳng đã được Sở GD-ĐT cho các địa phương đồng ý cho giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT được tiếp tục giảng dạy chương trình này cho người học đến khi có quy định mới.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT cần sớm ban hành thông tư quy định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và việc giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; điều kiện để các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tham gia giảng dạy khối lượng kiến thức văn hóa THPT và chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT được giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, khối lượng kiến thức văn hóa THPT và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông cho người học theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019.