Quyết định của trưởng thôn
Sau 2 ngày mưa liên tục, sáng 9/9 anh Ma Seo Chứ (33 tuổi) - Trưởng thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai cùng một số người dân đã đi kiểm tra khu vực đồi bầu. Tại đây, họ phát hiện vết nứt 30-40m.
Vết nứt trên đỉnh đồi sau nhà lúc này đã sụt xuống khoảng 20 phân. Từ trước đến giờ anh Ma Seo Chứ chưa từng gặp trường hợp này. Thôn Kho Vàng nằm dưới đồi. Những gì nhìn thấy mách bảo trưởng thôn Ma Seo Chứ phải di dời bà con ngay lập tức.
Quyết định được đưa ra nhanh chóng nhưng một số bà con “chưa biết sợ” nên vận động mãi mới chịu di dời. “Trên này, nhiều bà con hộ nghèo và cận nghèo. Khi rời khỏi nơi ở, họ lo lắng nhà cửa không biết thế nào nhưng tính mạng con người là quan trọng nên cứ vận động bà con cứ di dời trước đã, còn nhà cửa tính sau. Nếu sạt lở thì phải chịu thôi”, trưởng thôn Kho Vàng nói.
Ngay trong buổi sáng, người dân đã được vận động đi chặt tre nứa để dựng lán trên một ngọn đồi, cách thôn khoảng 1km. Đầu giờ chiều, các hộ dân đã tổ chức đóng cọc, dựng lán, phủ bạt. “Lán làm nhanh, chỉ 2 giờ đồng hồ đã làm xong một cái. Hộ nào tự làm cho hộ đó rồi giúp nhau làm”.
Trong cơn mưa tầm tã, 16 hộ dân (có một hộ ở vùng an toàn nên không di chuyển) với 115 người dắt díu nhau di chuyển lên vị trí dựng lán. Họ mang theo gạo, xoong, nồi, chăn màn, nước sinh hoạt...
Vất vả nhất là trẻ em và người già phải di chuyển bằng chân trần trong bùn đất. Mất 15-20 phút nhiều người mới lên được tới nơi. Khoảng 3-4 giờ chiều công tác di dời đã thực hiện xong.
Anh Ma Seo Chứ chia sẻ, trước cơn bão số 3 xã đã nhiều lần thông tin về tình hình mưa lũ và nguy cơ sạt lở trên nhóm thôn. Nhưng thời điểm quyết định di tản người dân, tại thôn Kho Vàng mất điện, mất sóng điện thoại nên không thể nào tìm cách liên hệ với xã.
Trên ngọn đồi bằng phẳng và an toàn, 14 lán đã được dựng liền kề nhau. Đêm đầu tiên di chuyển lên đồi, bà con thiếu thốn đủ thứ: thiếu củi khô, thiếu nước sinh hoạt. Đêm, họ chặt ống tre, đổ dầu vào để thắp sáng.
“Đêm đầu tiên trên núi, trời mưa liên tục, cảm thấy khổ vì chưa bao giờ phải ngủ trên đỉnh đồi, trong lán”, anh Ma Seo Chứ chia sẻ.
Mưa không ngớt, nhiều lán bị dột. Người lớn cố gắng dành những chỗ khô ráo nhất cho trẻ con. Nhiều em bé lạ nhà khó ngủ cứ khóc thút thít.
Nhưng trong sự bất an vì mất kết nối với chính quyền xã trưởng thôn Ma Seo Chứ vẫn có sự yên tâm nhất định vì không phải ngay ngáy nỗi lo sạt lở. “Ở dưới kia thì không ngủ được, không dám ngủ. Lên đây thì ngủ ngon hơn”.
Ngay trong đêm đó, tại thôn Kho Vàng, mưa như trút nước, đất đá bắt đầu đổ xuống vùi lấp 7 ngôi nhà. Trong đó có ba người mất tích và hai người bị thương. May mắn là 115 người dân đã được di chuyển đến nơi an toàn.
Do không thể liên lạc với trưởng thôn và người dân ở Kho Vàng nên chính quyền bước đầu xác định họ thuộc diện "mất tích do sạt lở".
Tính toán phương án chuyển người dân đến khu dân cư mới
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, huyện Bắc Hà cho biết, thời điểm mưa lũ, xã Cốc Lầu mất điện mất sóng nên không thể liên lạc được với trưởng thôn Kho Vàng. Sau một ngày mất liên lạc, sáng 11/9, công an, dân quân đã băng rừng lên núi thì phát hiện tất cả 115 người dân vẫn an toàn. Đến trưa cùng ngày, chính quyền xã đã huy động lực lượng mang đồ ăn lên núi tiếp tế cho người dân.
Theo Chủ tịch UBND xã Cốc Lầu, dự kiến tuần sau mới có thể đưa người dân xuống núi. Hiện tại các gia đình vẫn ở lán tạm, lương thực thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt cho bà con đã được tập kết tại một điểm, trưởng thôn sẽ cử bà con xuống vác về.
Hiện nay, đường giao thông cũ đã bị lũ cuốn trôi hết, không còn đường đi, buộc phải đi đường mòn. Địa bàn thôn Kho Vàng vẫn còn nguy cơ sạt lở. Địa phương đang tính toán phương án chuyển người dân đến khu dân cư mới. Đồng thời thống kê các hộ cần di chuyển, sắp xếp dân cư ổn định, an toàn về sau này.
Trong đợt lũ vừa qua, xã Cốc Lầu có 3 người mất tích. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy một người và đã tổ chức an táng. 6 hộ gia đình nước cuốn trôi hoàn toàn, hơn 100 hộ gia đình có nguy cơ sạt lở phải di tản. Nhiều tuyến đường giao thông, nhiều tuyến mương bị sạt lở nghiêm trọng../.