Từ họa sĩ tự do, giáo viên mỹ thuật...

Phòng vẽ của họa sĩ Nguyễn Hoàng Oanh (26 tuổi) ở Văn Quán, Hà Đông, Hà Nội treo đầy các bức tranh với đủ các chất liệu từ sơn dầu, vẽ toan, màu nước, chì... Tất cả tranh đều do cô và học sinh của mình tạo ra.

Ngoài làm giáo viên mỹ thuật cho một số trường học ở Hà Nội, Oanh mở các lớp dạy vẽ cho các bạn nhỏ vào buổi tối. Học sinh của Oanh có bạn chỉ mới 3 tuổi nhưng cũng có bạn 15 tuổi, có bạn học vẽ để có niềm vui nhưng cũng có những bạn nghiêm túc với hội họa khi nghĩ đến tương lai xa hơn.

“Lúc đầu mình không thích trẻ con lắm nhưng đi dạy vẽ nhìn các bạn say sưa với nghệ thuật, hào hứng khi có những tác phẩm đẹp mang về, mình cảm thấy vui”, Hoàng Oanh cho biết.

Giáo viên mỹ thuật không giống giáo viên ở những bộ môn khác, đến lớp chỉ cầm giấy bút vẽ là xong. “Theo nghề này, mọi người sẽ phải chuẩn bị đồ rất nhiều, sau mỗi giờ học phải dọn lớp, cọ màu bẩn, khá vất vả nhưng nếu thích thực sự thì đấy là niềm vui”.

Ngoài giờ dạy học, Oanh cũng tập trung vào sáng tác. Vẽ bức tranh mất khá lâu, tìm hiểu, lên phác thảo, mỗi ngày vẽ một tí, sửa một tí, ưng thì thôi. Có những bức tranh vẽ xong thấy chưa ổn lại lôi ra sửa. Đó là những bức tranh mình sáng tác. Nếu như tranh đặt hàng thì phải hoàn thành đúng thời gian cố định của khách.

Hoàng Anh cho biết, tranh của cô đang ảnh hưởng phong cách châu Âu cổ điển, vẽ các cô gái thơ mộng ở các khổ tranh to với gam màu tươi sáng.

...Cho đến họa sĩ minh họa

Khác với họa sĩ tự do như Hoàng Anh, công việc của họa sĩ minh họa Phan Thanh lại có những giới hạn nhất định. “Đặc thù của họa sĩ minh họa sẽ chịu những khuôn khổ theo nội dung của tác giả và nhà xuất bản, giới hạn hơn về phong cách, nội dung, bố cục trong vẽ, chừa chỗ cho text...”, Phan Thanh cho biết.

Trước khi trở thành họa sĩ minh họa chuyên nghiệp, đầu quân cho công ty phát hành sách thiếu nhi thuần việt Lionbooks, Phan Thanh cũng là một họa sĩ tự do. Cô gái quê Hà Tĩnh từng làm thiết kế đồ họa, chuyên làm xây dựng thương hiệu (branding) và truyền thông xã hội (social media).

“Sau 2 năm làm đồ họa mình có chút chán nghề. Trong quá trình hợp tác với công ty phát hành sách trong vai trò thiết kế bộ nhận diện thương hiệu, mình thử sức với vai trò họa sĩ minh họa và tìm thấy niềm vui với công việc này", Phan Thanh chia sẻ.

2 năm trong nghề, Phan Thanh đã minh họa cho hơn 40 đầu sách. Có bộ chỉ mất 1-2 tháng nhưng cũng có những bộ sách mất đến 5-6 tháng vẽ minh họa. Tuy vậy, không phải bộ truyện nào tâm đắc cũng được độc giả đón nhận cuồng nhiệt. Trái lại, nhiều bộ truyện không mất nhiều thời gian đầu tư lại thu được kết quả bất ngờ. Một phần là do thị hiếu của công chúng.

“Bộ sách Tây Nguyên mình và tác giả đều tâm huyết. Bộ sách này gồm 3 cuốn lấy bối cảnh Tây Nguyên. Chúng mình phải đi thực tế và mất 4-5 tháng mới ra mắt nhưng sự đón nhận của độc giả còn hạn chế. 1 -2 tháng sau, công ty ra sách chúc mừng sinh nhật dạy số và chữ cho bé, mặc dù ít đầu tư lại được độc giả đón nhận”.

Phan Thanh tự nhận mình là “cú đêm”, công việc của cô thường bắt đầu từ 21h00 ngày hôm trước đến 7-8h sáng hôm sau. Thói quen này hình thành từ khi cô còn là sinh viên của Trường ĐH Mỹ Thuật Công nghiệp.

“Dân vẽ rất cực, ban ngày học, ban đêm cày deadline, rất nhiều loại bài tập. Nếu muốn vừa đi học vừa đi làm thì ban đêm bắt buộc ngồi cày bài tập. Hơn nữa, làm việc về đêm giúp mình có khả năng tập trung hơn bình thường”, Phan Thanh cho biết, cô có đôi mắt thâm xì cũng vì thói quen làm việc của mình.

Nói đến nghề vẽ minh họa thường mọi người hay nghĩ đó là một công việc hào nhoáng và thu nhập tốt nhưng theo họa sĩ Phan Thanh, nếu không nghiêm túc thì không duy trì được.

“Nghề khác thường có thời gian làm việc 8-9 tiếng nhưng họa sĩ minh họa nhận sách có thể làm việc liên tục trong 24h, sự bào sức có phần nhiều hơn”.

4.0 là cơ hội cho họa sĩ trẻ

Ngoài công việc giáo viên Mỹ thuật, họa sĩ Nguyễn Hoàng Oanh còn sở hữu một kênh youtube Oanh Bò Color để chia sẻ về nghề vẽ, nhận PR các sản phẩm.

“Mình hơi tham, làm gì cũng muốn làm, mình đang cố phát triển mạng xã hội để có thu nhập thụ động. Mục tiêu của mình là nghỉ bớt đi dạy, tập trung sáng tạo các nội dung trên mạng chủ yếu về vẽ”.

Tranh của những họa sĩ như Hoàng Oanh, Phan Thanh và các họa sĩ trẻ ngày nay đến với đông đảo công chúng một cách dễ dàng nhờ công nghệ. “Nếu trước đây, công chúng sành nghệ thuật mới có thể chiêm ngưỡng những bức tranh thông qua các buổi triễn làm thì giờ đây họa sĩ trẻ có nhiều phương thức để quảng bá tranh của mình đến với công chúng, đặc biệt qua mạng xã hội”.

Không chỉ hoạt động theo cách truyền thống, nhiều họa sĩ trẻ đang lấn sân sản xuất nội dung trên các nền tảng Tiktok, Youtube.

Theo họa sĩ Phan Thanh đây là tín hiệu tích cực vì “nếu có những tác phẩm tốt, kiểm soát tốt nội dung thì tác phẩm của họa sĩ đến được với đông đảo công chúng. Từ đó lan tỏa cái đẹp, gu thẩm mỹ đến nhiều người”./.

Nghe chia sẻ của các họa sĩ trẻ tại đây: