Ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 đối với giáo dục Tiểu học. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với 1 điểm cầu tại Bộ GD&ĐT, 63 điểm cầu tại 63 Sở GD&ĐT và hơn 700 điểm cầu đến các Phòng GD&ĐT cấp quận, huyện. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị.
Dịch COVID-19 phức tạp, học sinh Tiểu học học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đúng tiến độ
Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1. Tuy nhiên đây cũng là năm học mà ngành giáo dục tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 khiến học sinh chỉ có thể trở lại trường học chính thức sau ngày khai giảng 5/9. Học sinh lớp 1 không có 2 tuần làm quen nền nếp, môi trường học tập như các năm học trước.
Đặc biệt, học kỳ 2, học sinh lớp 1 tại nhiều tỉnh, thành phố phải nghỉ học chuyển sang hình thức học tập trực tuyến. Việc đánh giá cuối năm và tổ chức tổng kết năm học gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cho biết, qua tổng hợp kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 của các địa phương cho thấy, khi học chương trình giáo dục phổ thông mới (Chương trình 2018) học sinh lớp 1 có một số mặt nổi trội hơn các lứa học sinh đã học chương trình năm 2006.
Cụ thể, học sinh lớp 1 có sự mạnh dạn, tự tin hơn, biết nêu quan điểm cá nhân và cơ bản là đọc thông, viết thạo ngay trong học kỳ 1, sau đó được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ 2.
Liên quan tới những sai sót trong việc trích dẫn một số ngữ liệu trong sách giáo khoa mới, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, giáo viên thông qua sinh hoạt chuyên môn đã chủ động trao đổi để lựa chọn ngữ liệu tương đương, quen thuộc, gần gũi với đời sống và giảng dạy cho học sinh.
Đồng thời, Bộ GD&ĐT cũng kịp thời chỉ đạo các nhà xuất bản, tác giả sách giáo khoa thực hiện các giải pháp linh hoạt, đa dạng để hỗ trợ giáo viên khắc phục khó khăn trong quá trình sử dụng. Theo đó, sách giáo khoa lớp 1 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và bộ sách Cánh Diều đã có một số chỉnh sửa, được hiệu đính để chất lượng được tốt hơn.
Đối với các lớp đang thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2006, Bộ GD&ĐT tiếp tục chỉ đạo nhà trường thực hiện đổi mới hình thức tổ chức, phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh. Chuyển từ truyền thụ kiến thức sang tổ chức hoạt động học nhằm phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học trò.
Nội dung chương trình, sách giáo khoa, đặc biệt là đối với các môn học bắt buộc được rà soát theo hướng tinh giản những nội dung vượt quá yêu cầu cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của từng lớp; tinh giản nội dung trùng lặp và tích hợp một số nội dung trong cùng môn học và giữa các môn học thành các chủ đề học tập trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.
Bên cạnh đó, năm học 2020-2021, các cơ sở giáo dục Tiểu học cũng tích cực đổi mới, đa dạng hoá hình thức dạy học như dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình… nhằm khắc phục tác động của dịch Covid-19 và tạo điều kiện cho học sinh học tập mọi lúc, mọi nơi, hoàn thành chương trình đảm bảo tiến độ, chất lượng.
Bộ GD&ĐT cũng đã kịp thời ban hành Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT quy định về Quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Qua đó, giúp việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và bồi dưỡng giáo viên phục vụ dạy học trực tuyến ở các nhà trường được hiệu quả, chất lượng.
Xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến
Năm học 2021-2022 tiếp tục là năm học quan trọng khi Bộ GD&ĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1, lớp 2. Tiếp tục xây dựng kế hoạch, phương án tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng để có đủ giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học các môn học bắt buộc theo chương trình, đặc biệt là môn Tin học, môn Ngoại ngữ; đảm bảo 100% giáo viên dạy học lớp 3 được bồi dưỡng theo quy định của Bộ GD&ĐT và được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3 từ năm học 2022-2023.
Việc rà soát, dự báo quy mô phát triển giáo dục và bố trí quỹ đất để xây dựng trường, điểm trường, lớp học phù hợp, thuận lợi và đáp ứng nhu cầu người học, vẫn là nhiệm vụ vẫn được chú trọng thực hiện trong năm học này. Song song với đó là tăng cường cơ sở vật chất đáp ứng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học, khắc phục tình trạng trường lớp có quy mô lớp học và sĩ số học sinh vượt quá quy định.
Năm học 2021-2022, Bộ GD&ĐT đặt ra 2 nhiệm vụ quan trọng đối với Giáo dục Tiểu học. Trước hết là chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên.
Khai thác, sử dụng sách giáo khoa, các nguồn học liệu, thiết bị dạy học hiệu quả, phù hợp thực tiễn; vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học nhằm phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường với cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.
Thứ hai, đa dạng hóa các hình thức tổ chức dạy học để khắc phục, ứng phó với tác động của dịch Covid-19 đối với cấp tiểu học. Chủ động có các phương án, kịch bản cụ thể để tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh và khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học.
Tổ chức xây dựng kho học liệu điện tử phù hợp để sẵn sàng cho việc tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp học sinh phải tạm dừng đến trường nhưng việc học vẫn không gián đoạn./.
-Năm học 2020-2021 toàn quốc có 14.786 cơ sở giáo dục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông cấp tiểu học với 16.323 điểm trường, giữ ổng định so với năm học trước.
-Tỷ lệ phòng học/lớp đạt trung bình cả nước là 0,98; trong đó phòng học kiên cố đạt 79,5%; phòng học bán kiên cố đạt 18,5%; phòng học tạm, mượn chiếm 2%; số phòng học còn thiếu và đang học nhờ, mượn là 2.081 (0,75%) phòng.
-Cả nước có tổng số 8.736.033 học sinh tiểu học, tăng 152.301 em so với năm học trước. Tổng số lớp là 280.274 (tăng 4.325 lớp so với năm học trước); tỷ lệ trung bình học sinh/lớp là 31,27. Riêng một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn như: Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Nai… do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến sĩ số học sinh/lớp cao hơn mức quy định trong Điều lệ trường Tiểu học.
-Toàn quốc có 406.636 giáo viên cấp tiểu học tăng 6.140 so với năm học trước. Tỷ lệ trung bình giáo viên/lớp là 1,41, cơ bản đảm bảo thực hiện dạy học 2 buổi/ngày.