Nhà giáo Trần Văn Khải (1954 - 2020), là một nhà giáo xuất sắc, có nhiều cống hiến cho giáo dục Việt Nam, nổi trội trong lĩnh vực đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.

Những "quả ngọt" thầy Khải đem về cho Toán học Việt Nam (bắt đầu từ năm 1978 khi dạy ở Quốc Học Huế đến 2014 tại trường Amsterdam- Hà Nội) có thể kể đến như Hồ Đình Duẩn, Nguyễn Phú Thanh, Nguyễn Đình Lượng, Lê Tự Quốc Thắng, Lê Bá Khánh Trình... Trong số học trò của thầy, Lê Bá Khánh Trình đặc biệt nhất với huy chương vàng điểm tuyệt đối Olympic Toán học quốc tế IMO và giải đặc biệt duy nhất đến hiện nay…

Không chỉ ghi dấu ở những tấm huy chương của học trò, thầy Khải còn gắn với hình ảnh người thầy “thần tượng”, “người bạn lớn” trong lòng bao thế hệ học sinh bởi phong cách sư phạm độc đáo, tài hoa cùng nhân cách sống đẹp.

“Học ít, chơi nhiều để có thành tích cao ngất ngưởng

Tháng 11 nhắc nhớ tuổi thơ, năm tháng học trò và những người thầy. Nhiều thế hệ phụ huynh và học sinh sẽ luôn nhớ đến thầy Trần Văn Khải. Cái tên “Khải đen” không xa lạ trong giới toán học phổ thông với danh xưng “thầy dạy toán giỏi nhất nước”, thực chứng bằng những giải vàng Olympic toán quốc tế lừng danh… Nhưng ấn tượng hơn cả là chính cái người dạy nên giải vàng giải bạc, thành tích ngất trời ấy lại luôn bảo học trò và cả phụ huynh: “Cho chúng nó học ít thôi, chơi nhiều vào” kèm theo nụ cười và ánh mắt đầy đồng ý, đồng tình, và …“đồng lõa”.

Thoạt đầu, nhiều người ngỡ thầy hài hước. Nhưng học thầy rồi mới hiểu phương pháp giáo dục hiện đại "Học mà chơi, chơi mà học", làm cho không khí học tập bớt căng, thẳng. Chơi không chỉ là động lực của sáng tạo mà còn là phương thức học tập cơ bản (David Elkin)- Trẻ học qua chơi. “Học ít, chơi nhiều" để học sinh yếu cũng không còn sợ toán.

Triết lý chơi là phương thức học tập phù hợp tốt nhất với trẻ được thầy Khải lặng lẽ thực hiện trong suốt quá trình dạy học của mình. Lớp toán của thầy bao giờ cũng vui, không chỉ vì lối pha trò hóm hỉnh, mà còn vì thầy trò như đang chơi trò khám phá những điều kì diệu từ những con số, góc hình… với đầy đủ tính chất của “cuộc chơi”: tò mò, hứng thú và khoái cảm nghệ thuật. Chả thế mà cô con gái sợ toán của tôi sau khi qua đủ các “lò” luyện với các thầy nổi tiếng đã rút ra kết luận: “Con chỉ học được bác Khải thôi. Mà bác dạy toán nhưng toàn lấy ví dụ văn, dễ hiểu và thật vui. Học toán như chơi, mà như được học cả văn, học làm người”. Nhờ thế mà nó hết nỗi “sợ” toán và thi đỗ chuyên ngữ với điểm toán ngoạn mục khiến nhiều bạn “không tin được, dù đó là sự thật”!

Dạy chơi để để dạy làm người

Thầy Khải nhiều năm liền làm chủ nhiệm các lớp toán chuyên của trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam. Thầy Phạm Lê Hùng, một đồng nghiệp cũ kể: “Tôi cảm nhận rất rõ những tình cảm của học trò lớp Toán giành cho thầy chủ nhiệm của chúng".

Những lần 2 lớp Văn, Toán đi cắm trại. Thầy đi cùng lớp chủ nhiệm nhưng đến nơi là tìm chỗ nằm đọc báo, đọc sách để lũ học trò muốn làm gì thì làm. Nhớ nhất là lần đi Cúc Phương ô tô bị sa lầy phải ở thêm một đêm trong rừng lạnh ngoài dự kiến; một lần khác, ô tô cũng trục trặc… Những lúc như thế cũng không thấy thầy làm gì, cứ để học sinh tự xoay sở”. Đó là cách thầy trao quyền tự chủ cho học sinh được tự do “chơi”, phát triển kĩ năng tương tác, làm việc nhóm, kiểm soát bản thân và giải quyết vấn đề .

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, việc can thiệp của người lớn khi không cần thiết làm gián đoạn và thui chột tư duy độc lập sáng tạo cùng niềm vui khám phá của trẻ. “Thầy Khải được nhiều học sinh coi như "một người bạn lớn". Và đấy là điều đáng tự hào nhất của một người thầy mà rất ít thầy cô giáo có được. Nó đáng quý hơn tất cả mọi danh hiệu mà xã hội có thể ban tặng cho một người thầy”.

Chơi để học và “vui chơi giữa đời”

Vợ thầy và những người bạn cùng học kể thầy nổi tiếng “chơi” từ thuở sinh viên. Lên lớp với mỗi cuốn vở nháp và chẳng mấy khi ghi chép. Ấy vậy mà bài thi toán của anh sinh viên Trần Văn Khải bao giờ cũng đạt điểm cao với những cách giải hay, độc đáo khiến thầy, bạn phải trầm trồ, thán phục.

Thầy dành nhiều thời gian và đam mê cho bóng đá và luôn ở vị trí của một cầu thủ cừ khôi khoa Toán đại học Vinh thời ấy. Cũng nhờ tài “chơi” ấy mà thầy làm xiêu lòng cô sinh viên Lê Khắc Chân Như, người đẹp nhất khoa văn và sau này nên vợ chông. Cách sống “như chơi” giúp cuộc sống của họ vượt qua mọi thời đoạn khó khăn của đất nước nhẹ nhàng hơn. Có lần thầy vượt hàng trăm cây số từ nơi công tác qua phà Bến Thủy, chỉ được ở bên vợ mới sinh con đầu lòng mấy tiếng đồng hồ rồi lại trở về ngay...

Có những chuyện mà đến giờ học sinh thầy Khải không thể quên. Khi Hồ Đình Duẩn đoạt giải Quốc tế, nhưng không thể vào đại học ngay mà lên đường làm nghĩa vụ quân sự, thầy đạp xe theo tiễn mà mắt đỏ hoe. Cái mà người đời quan tâm như lương thưởng, danh hiệu, tiếng tăm… thì thầy lại chẳng màng. Chưa bao giờ người ta thấy thầy Khải đòi hỏi quyền lợi, cũng không chịu làm hồ sơ cho các danh hiệu chiến sĩ thi đua hay giáo viên dạy giỏi …Lẽ vô thường tự nhiên trong từng ứng xử cuộc đời của người thầy.

Học trò đã không nhầm khi nhận ra “trái tim hoàng tử” sau bộ “da” xù xì của thầy. Bề ngoài anh chẳng có vẻ thư sinh "thanh niên Hà nội", cũng chẳng giống thầy giáo "khuôn vàng thước ngọc". Ghét và yêu với thầy cũng rất rõ ràng như ông Ngư, ông Tiều của cụ Đồ đất Ba Tri, khí khái như Lý Bạch từng "an đắc tồi mi chiết yêu sự quyền quý".

"Chảnh" thế và “phớt” thế, mà cũng cực kì "văn hiến", "thanh lịch", đích thực “Tràng An” khi thầy Khải luôn nhất mực giữ lễ với thầy, với bạn. Trao đổi công việc với thầy giáo cũ Văn Như Cương, có thể dùng điện thoại, nhưng thầy Khải bảo: "Thầy đã già rồi. Mình là học trò, phải đến tận nhà, không thể nói qua điện thoại như thế đươc...".

Ở thầy, học sinh, phụ huynh, bạn bè, đồng nghiệp luôn bắt gặp một con người bình dị, gần gũi, tận tụy. Nhớ một ngày tháng 2 lạnh giá còn hương vị Tết, thầy cô chở nhau bằng chiếc xe phân khối lớn, vượt cầu Long Biên sang chỉ để "mang cho nó cái bánh ăn cho đỡ nhớ"... Vậy mà, tôi đã không thể về, để tiễn đưa người anh, người thầy trong chuyến đi xa nhất đời, chuyến đi vào miền mây trắng...

Nhớ người thầy đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng các thế hệ học trò, trong các con tôi. Nhớ một người đã “vui chơi giữa đời” bằng lối chơi rất đẹp - “fair play”. Trong cuộc viễn du nhẹ tựa mây, thầy không còn gì ân hận khi đã sống tốt lành như thế. Học trò, để tiếp nối, phải học cách “chơi” và “chơi đẹp” của thầy, như cách nói của Mã Tồn về Tư Mã Thiên hai ngàn năm trước.

1