Học nhóm phiên bản “tám chuyện”
Trong một quán cà phê nhỏ trên đường Xuân Thủy, Hà Nội, ba nữ sinh viên của Học viện Báo chí và Tuyên truyền đang bắt đầu một buổi học nhóm. Thúy Bình, một trong ba bạn, chia sẻ đầy quyết tâm: “Em thấy học nhóm là một cách rất hiệu quả, vì chia việc ra thì lượng kiến thức mỗi người cần học sẽ ít hơn, lại được trao đổi qua lại nên tiếp thu nhanh hơn”.
Nhưng chỉ khoảng 20 phút sau, không khí đã hoàn toàn khác. Câu chuyện học nhanh chóng nhường chỗ cho đề tài điểm thi, idol, “crush” và những tràng cười không dứt. Linh Đan ban đầu cũng rất quyết tâm nhưng lại chính là người khơi mào loạt chuyện bên lề. Còn Anh Trúc, người duy nhất giữ được nhịp học, cũng không thoát khỏi “vòng xoáy tám chuyện”.

Hai tiếng trôi qua, chỉ một phần nhỏ mục tiêu được hoàn thành. Cuộc trò chuyện thì mỗi lúc một sôi nổi. Buổi học nhóm ấy kết thúc không phải bằng một bảng tổng hợp kiến thức, mà là một album đầy ảnh selfie và tràng cười bất tận. Đây không phải là câu chuyện hiếm gặp mà là tình huống điển hình trong nhiều buổi học nhóm của các bạn trẻ hiện nay.
Theo Thạc sĩ Phùng Năm, chuyên viên tâm lý tại Hệ thống Giáo dục chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm-Cầu Giấy, tình trạng này bắt nguồn từ việc thiếu mục tiêu rõ ràng và thiếu tổ chức trong buổi học. “Ban đầu ai cũng hứng khởi, kỳ vọng nhiều, nhưng nếu không có người dẫn dắt, không có mục tiêu thì học nhóm sẽ rất dễ bị chệch hướng”.
Học nhóm: Cần chiến lược và cả kỷ luật
Một trong những giải pháp mà chị Phùng Năm đề xuất là cần có người giữ vai trò “nhóm trưởng” được bầu chọn trước buổi học. Nhóm trưởng có nhiệm vụ thống nhất mục tiêu, điều phối thời gian đưa nhóm về đúng hướng nếu thấy dấu hiệu “lệch pha”. Ngoài ra, nhóm trưởng có thể chuẩn bị một số trò chơi, câu hỏi liên quan đến nội dung học, giúp không khí khởi động sôi nổi nhưng vẫn bám sát mục tiêu.
Thêm một chức danh thú vị nữa mà chị Năm gợi ý là “máy giám sát”. Đây là người có tính kỷ luật cao, sẽ nhắc nhở nhóm quay lại quỹ đạo khi thời gian học bị chiếm dụng quá nhiều bởi những cuộc trò chuyện ngoài lề. Các câu nhắc như: “Đến giờ máy giám sát làm việc rồi!” hay “Mình còn 2 mục tiêu chưa xong nhé!” là những tín hiệu vui vẻ nhưng hiệu quả để khơi lại tinh thần học tập.
Không dừng lại ở tổ chức, việc phân bổ thời gian giữa học và nghỉ cũng rất quan trọng. Sau 45-60 phút học tập nghiêm túc, nhóm nên dành 5-10 phút nghỉ giải lao để chuyện trò, thư giãn. Nhưng cần đặt báo giờ hoặc có người nhắc thời gian để tránh “nghỉ” quá đà.

Học nhóm - Trưởng thành cùng nhau
Một nhóm học tốt không chỉ giúp bạn học hỏi được kiến thức mà còn rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng. Giao tiếp, chia sẻ, hỗ trợ, động viên nhau trong học tập sẽ giúp các bạn trẻ cảm thấy không đơn độc. Hơn thế, khi hoàn thành được mục tiêu chung, cả nhóm sẽ có cảm giác thành công, tăng cường sự tự tin và tinh thần tích cực.
Tuy nhiên, không phải lúc nào học nhóm cũng là giải pháp tốt nhất. Nếu nhóm thường xuyên mất tập trung, không hiệu quả, hoặc có xung đột kéo dài, mỗi người nên cân nhắc dừng lại. “Học nhóm chỉ hiệu quả khi có mục tiêu chung, cam kết rõ ràng và sự đồng thuận từ tất cả thành viên”, chị Phùng Năm nhấn mạnh.
Giống như chơi thể thao đồng đội, học nhóm đòi hỏi chiến lược, kỷ luật và tinh thần tập thể. Khi mọi người cùng “chạy chung một đường”, chắc chắn bạn không chỉ học tốt hơn mà còn có thêm những trải nghiệm đáng nhớ.