Khi được hỏi, đa số học sinh khối PTTH cho rằng việc nghiên cứu khoa học ở bậc học phổ thông là một hoạt động khó. Trước tiên và quan trọng nhất cần nắm vững tri thức môn học cụ thể trên lớp rồi từ đó mới thực nghiệm và sáng tạo. Đào Minh Tuấn, học sinh trường PTTH Chuyên Khoa học Tự nhiên cho biết sự hỗ trợ từ thầy cô giáo, phụ huynh là cần thiết trong việc cung cấp kiến thức lý thuyết, đánh giá khả năng thành công, sự hấp dẫn của dự án các em sẽ triển khai và cùng gỡ những vướng mắc cho quá trình thử sai các kiến thức khoa học trên thực tế.

Theo Minh Tuấn, tổ chức "Tuyên truyền và Phát triển khoa học" của Đoàn trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên chính là không gian chắp cánh cho những dự án khoa học của học sinh. Thành lập từ năm 2017, các thế hệ học sinh tiếp nối nhau tổ chức những hoạt động với kì vọng xóa đi quan niệm "khoa học khô khan", đưa khoa học gần gũi cuộc sống hơn thông qua những thí nghiệm, trò chơi lý thú.

Năm nay, Hội chợ khoa học mang tên Pharos Fair lấy cảm hứng từ hình tượng "Ngọn hải đăng" do chính các thành viên của tổ chức "Tuyên truyền và Phát triển Khoa học" thực hiện góp phần hiện thực hóa các môn khoa học nhà trường dưới hình thức trải nghiệm trò chơi. Không gian này giúp học sinh trên địa bàn Hà Nội cùng những bạn trẻ tìm được niềm yêu thích và có sân chơi khoa học thú vị.

Nguyễn Thành Nam, thành viên phụ trách chuyên môn của Pharos Fair cùng các thành viên ban tổ chức rất bất ngờ khi trò chơi "Khám phá khoa học" được các bạn thiết kế theo mô hình vượt chướng ngại vật gồm những câu hỏi tạo nên sự háo hức, đợi chờ tới lượt tham gia của đông đảo các bạn học sinh. Cũng tại không gian này, các bạn đã có những thực nghiệm như kết hợp C sủi với dầu ăn để có một chiếc đèn mang tên Lava có thể chiếu sáng bằng thứ ánh sáng kì ảo.

Phụ trách công việc truyền thông cho Hội chợ khoa học lần này, bạn Đặng Hoàng Diệp, học sinh Chuyên Sư Phạm Hà Nội cho rằng: "Khoa học gắn liền với đời sống, hiểu về khoa học chính là để hiểu về những hiện tượng, sự việc xảy ra xung quanh". Theo Hoàng Diệp, khi cùng các thành viên khác song hành việc học với tổ chức sự kiện này, chính em cũng được trải nghiệm những hiện tượng khoa học đầy lý thú.

Năng động hơn, sáng tạo hơn cùng sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, học sinh hôm nay đã hơn hẳn thế hệ đi trước trên hành trình từ học đến hành. Nghiên cứu khoa học sẽ không có gì là "cao siêu" nếu các em được truyền cảm hứng và yêu mến các môn khoa học ở nhà trường. Một sân chơi vừa sức, trung thực sẽ là đòn bẩy để những tài năng khoa học nở hoa trong tương lai không xa.

Mời các bạn nhấn nút để nghe những chia sẻ, quan điểm từ chính người trong cuộc về chủ đề: " Học sinh nghĩ gì về việc nghiên cứu khoa học ở bậc học phổ thông?"