Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đang được Bộ GD-ĐT lấy ý kiến, thí sinh phải làm 6 môn thi tốt nghiệp THPT, trong đó 4 môn học bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán học, Ngoại ngữ, Lịch sử và cùng với 2 môn học tự chọn trong số 4 môn học đã chọn học là Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Tin học và Công nghệ. Như vậy, so với phương án thi tốt nghiệp hiện hành, số bài thi học sinh phải làm tăng lên.
Trao đổi với phóng viên VOV2 (Đài TNVN), TS. Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ hỗ trợ Đổi mới Giáo dục Phổ thông Việt Nam (VIGEF), nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, học sinh phải làm 6 bài thi trong một kỳ thi tốt nghiệp THPT là quá nhiều, không cần thiết.
“Tôi cho rằng, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT học sinh chỉ cần làm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một bài thi lựa chọn Khoa học tự nhiên hoặc Khoa học xã hội là đủ. Tất nhiên, các môn học tích hợp của hai nhóm môn này sẽ được quy định lại”, TS. Đặng Tự Ân nêu quan điểm.
Theo TS. Đặng Tự Ân, việc tổ chức thi và xây dựng ngân hàng câu hỏi, đề thi, hiện nay, học sinh chỉ phải lựa chọn 1 trong 2 bài thi tích hợp trong các môn thuộc KHTN hoặc KHXH. Nhưng với phương án dự kiến, học sinh phải lựa chọn 2 môn thi trong 7 môn đã học. Đây là khó khăn không nhỏ cho việc sắp xếp 2 môn tự chọn và cách tổ chức thi tốt nghiệp cho học sinh.
Bên cạnh đó, lần đầu tiên có phương án tổ chức thi tốt nghiệp cho nhiều môn thi mới như: Lịch sử, Giáo dục Kinh tế - Pháp luật, Tin học và Công nghệ. Nhìn chung các môn học này chúng ta chưa có nhiều trải nghiệm tổ chức học và tổ chức thi nên ngân hàng câu hỏi và đề thi cho các môn học này sẽ còn hạn chế. Ngoài ra việc phải chuẩn bị gần 20 bộ đề thi khác nhau, trong khi thời gian chỉ còn 2 năm học là khối lượng công việc rất lớn.
Đánh giá tổng thể, nguyên Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT Đặng Tự Ân cho rằng, phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 không đột phá so với phương án thi hiện hành. Trong đó, điều ông băn khoăn nhất là việc ra đề thi, xây dựng ngân hàng câu hỏi theo hướng chú trọng đánh giá năng lực sẽ được Bộ GD-ĐT triển khai như thế nào?
Một chương trình giáo dục theo ông Ân phải đồng nhất bốn yếu tố: Mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá. Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo quan điểm phát triển phẩm chất, năng lực người học. Vì vậy việc kiểm tra, đánh giá người học phải theo hướng đánh giá năng lực.
“Bộ GD-ĐT có nhấn mạnh đề thi sẽ chú trọng đánh giá năng lực nhưng số lượng các bài thi, môn thi tốt nghiệp được công bố vẫn là những bài thi độc lập, rời rạc, điều này là không phù hợp. Có nhiều hình thức đánh giá năng lực người học nhưng cách thức phù hợp nhất vẫn phải là một bài thi tổng hợp và được tích hợp nhiều môn học chứ không phải là các bài thi rời rạc như Bộ công bố”, ông Ân nói.
Để tránh gây áp lực cho thí sinh, theo TS. Đặng Tự Ân, Bộ GD-ĐT nên nghiên cứu tổ chức một kỳ thi đánh giá năng lực và đề thi được tích hợp để thực hiện cả hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học. Để kỳ thi đánh giá năng lực này hoạt động chất lượng, chuyên nghiệp và hiệu qủa, ông Ân đề nghị cần thành lập một đơn vị khảo thí độc lập có chức năng, nhiệm vụ tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực học sinh và đây phải là tổ chức chuyên môn, học thuật và độc lập với quản lý nhà nước.
Ở một hướng khác, TS. Đặng Tự Ân cũng đề xuất Bộ GD-ĐT nên mạnh dạn phân cấp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT về các địa phương. Điều này không vi phạm Luật Giáo dục, bởi trong Luật chỉ quy định sau khi hoàn thành chương trình phổ thông phải trải qua một kỳ thi mà không quy định kỳ thi do Bộ GD-ĐT hay do địa phương chủ trì.
“Khi giao kỳ thi về các địa phương năng lực làm đề, công tác tổ chức, kiểm tra, giám sát như thế nào thì sẽ cần được bàn kỹ nhưng khi giao về các địa phương thì kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ thực sự nhẹ nhàng và giảm áp lực. Học sinh chỉ tập trung vào kỳ thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học”, ông Ân nói.