Gia tăng tình trạng học sinh sử dụng thuốc lá điện tử
Khi được hỏi về lý do tìm đến sử dụng thuốc lá điện tử, em Nguyễn Bảo Nam, học sinh lớp 12, trường THPT Quang Trung, Hà Nội cho biết: Em thấy giờ ngoài xã hội tràn lan thuốc lá điện tử, lướt mạng xã hội cũng thấy nhiều người bán và sử dụng, nó thành xu hướng luôn rồi. Em hút thử thì thấy có mùi thơm và khá hấp dẫn, nhìn cũng bắt mắt”.
Còn N.V, học sinh lớp 8 đang theo học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, Ba Đình, Hà Nội cho biết, một lần nhìn thấy trong balo của người anh mà em quen có một cây gì đó nhìn khá đặc biệt, sau khi hỏi thì mới biết là thuốc lá điện tử. Vì tò mò và muốn thể hiện mình cũng sành điệu giống anh nên em cũng hút theo. Sau đó càng ngày em càng sử dụng nhiều hơn, và bây giờ thuốc lá điện tử là thứ không thể thiếu đối với em. N.V kể, em bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử từ năm lớp 5. Đến nay, em sử dụng thuốc lá điện tử đã được 3 năm.
Thuốc lá điện tử hay thuốc lá mới đang ngày càng “xâm nhập” vào trường học không chỉ ở các thành phố lớn. Em Hà Gia Bảo, học sinh lớp 12, trường THPT Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh chia sẻ: “Ban đầu thì em chỉ định hút thử xem cảm giác thế nào, sau đó thấy thích và muốn hút thêm, bây giờ thì thành thói quen rồi, một ngày không có nó là bứt rứt không chịu được. Các bạn xung quanh em hút rất nhiều, đi đâu cũng thấy, cả nam lẫn nữ. Ít thì hút tầm 20 - 30 lần một ngày, có những bạn hút nhiều thì 100 - 200 lần một ngày cũng là chuyện bình thường, thậm chí còn hút cả vào ban đêm”.
Khi được hỏi về cách thức mua cũng như nguồn gốc xuất xứ của thuốc lá điện tử, em Hà Gia Bảo cho biết: “Em và các bạn thường mua qua mạng hoặc ở cửa hàng cũng có rất là nhiều. Về nguồn gốc xuất xứ thì em không để ý lắm. Giá cả từ vài trăm đến một triệu đồng cho một cây và phải mua tinh dầu hàng tháng để sử dụng tiếp. Trung bình một tháng em mất tầm năm trăm nghìn cho thuốc lá điện tử”.
Theo nghiên cứu khảo sát của Viện Đào tạo y tế dự phòng và y tế công cộng năm 2022, 3.5% học sinh trong độ tuổi từ 13 - 15 tuổi sử dụng thuốc lá điện tử, tỷ lệ học sinh từng dùng thử thuốc lá điện tử là 7.8%. Cũng theo báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên cả nước của Bộ Y tế, tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, trong đó trẻ dưới 18 tuổi ghi nhận 71 ca. Cụ thể, nhóm dưới 16 tuổi là 27 người; nhóm từ 16 - 18 tuổi là 44 người. Tất cả bệnh nhân đều bao gồm cả nam lẫn nữ.
Điều này cho thấy, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở học sinh đã gia tăng đáng kể và đang gây ảnh hưởng xấu tới hành vi, lối sống, sức khỏe của các em học sinh.
Vì sao giới trẻ bị hấp dẫn bởi thuốc lá điện tử?
Hiện nay, thuốc lá điện tử xuất hiện dưới nhiều kiểu dáng bắt mắt, “thời thượng”, với vô vàn hương vị “hấp dẫn”. Chúng trở nên phổ biến trong giới học đường bởi những quảng cáo đánh trúng vào tâm lý của học sinh, lôi kéo các em vào vòng xoáy của xu hướng phản cảm, độc hại.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, có mối liên quan rõ ràng giữa việc gia tăng tỷ lệ sử dụng các sản phẩm thuốc lá trong giới trẻ với việc tiếp cận giới trẻ thông qua quảng cáo, khuyến mại, tiếp thị thuốc lá, đặc biệt trên các nền tảng kỹ thuật số.
Những học sinh cấp 2, cấp 3 với đặc điểm tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, dễ bị thu hút bởi những điều mới lạ, kích thích, tò mò và muốn thử nghiệm. “Các bạn coi việc hút thuốc lá điện tử như một cách để khẳng định bản thân, theo kịp bạn bè, thể hiện mình trưởng thành, hoặc cũng có thể bị lôi kéo, ép buộc sử dụng”, một học sinh lớp 11, trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội chia sẻ.
Bên cạnh đặc điểm về tâm lý tuổi mới lớn, Cô Lê Minh Huệ, Tổ trưởng phòng tâm lý học đường Trường THCS Phan Đình Giót, Hà Tĩnh còn nêu thực tế: “Đối với những học sinh thiếu thốn tình cảm, sự quan tâm từ gia đình hay phải chịu những căng thẳng, bất ổn trong các mối quan hệ bạn bè, thầy cô, học tập hay cuộc sống, thì các em rất dễ tìm đến những thói quen xấu như sử dụng thuốc lá điện tử. Các em tìm đến thuốc lá điện tử hay chất gây nghiện khác như một cách để xả stress, giảm căng thẳng”.
Ngoài những vấn đề trên, một nguyên nhân đáng chú ý đó là xuất phát từ những người có sức ảnh hưởng, người nổi tiếng. Việc thường xuyên thấy người nổi tiếng sử dụng thuốc lá điện tử cũng khiến các em thấy đó là việc bình thường và được chấp nhận.
Thuốc lá điện tử và những hiểm họa khôn lường
Trái với những lời quảng cáo như không gây hại cho sức khỏe, tạo mùi thơm miệng, sành điệu,...Thuốc lá điện tử ẩn chứa nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tinh thần và lối sống của người sử dụng, đặc biệt ở lứa tuổi học sinh.
Bác sĩ Lê Tú Linh công tác tại Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, trong thuốc lá điện tử có chứa nhiều thành phần có thể gây ra các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe như Nicotine, thành phần tạo khói, tạo mùi. Đây đều là những chất được khuyến cáo không nên sử dụng.
Thuốc lá điện tử có thể gây ra các bệnh lý về hô hấp về tim mạch, xơ vữa động mạch hoặc những bệnh lý khác rất rõ ràng. Bên cạnh đó, thuốc lá điện tử còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người xung quanh.
Qua quá trình công tác tại Bệnh viện phổi Trung ương, bác sĩ Lê Tú Linh đã tiếp nhận nhiều ca bệnh có liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử, trong đó rất nhiều bệnh nhân trẻ tuổi: “Tôi đã tiếp nhận những trường hợp bệnh nhân trẻ tuổi với tình trạng ho, tức ngực, khó thở. Khi khai thác thông tin tiền sử của bệnh nhân thì biết được bệnh nhân đã sử dụng thuốc lá điện tử, hay loại thuốc lá sử dụng chất đốt nung nóng. Những bệnh nhân có thể gặp các bệnh lý như là viêm phổi, hoặc có các bệnh lý khác về đường hô hấp”.
Bác sĩ Lê Tú Linh cũng cảnh báo về những nguy cơ tiềm ẩn khi sử dụng thuốc lá điện tử: “Trong các chất tạo mùi tạo khói, người ta có thể thêm vào đó các vị khác nhau, các chất, dung dịch khác nhau. Nếu như không được kiểm soát thì trong các chất dung dịch ấy có thể kích thích gây ảo giác, gây nghiện, thậm chí có những chất có thể ảnh hưởng đến thần kinh và tri giác của bệnh nhân như chất ma túy tổng hợp.
Trong một lần ngồi trà đá, mình được một người quen mời hút thử. Lúc đầu thì cảm giác khá thích nhưng tầm 30 phút sau, cả người mình bắt đầu tê cứng lại, mất hết cảm giác và không kiểm soát được hành vi. Mình nằm bất tỉnh hơn 1 tiếng sau mới tỉnh lại. Và mình nghĩ bản thân mắc bệnh viêm phổi và viêm phế quản mạn tính là do sau một thời gian sử dụng thuốc lá điện tử. Thấy được những ảnh hưởng tiêu cực cho sức khỏe ấy, mình quyết tâm ngưng sử dụng.
- Tuấn Anh, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Hà Nội.
Đánh giá về độ nghiêm trọng và hậu quả khôn lường của việc sử dụng thuốc lá điện tử, theo bác sĩ Lê Tú Linh, ở độ tuổi thanh thiếu niên, do thể chất các em đang phát triển nên khả năng gây tác hại nhiều hơn so với người trưởng thành. Nếu sử dụng trong thời gian dài, thuốc lá điện tử không những có thể gây nghiện, ảnh hưởng đến sức khỏe của các em mà còn dẫn đến những hậu quả lâu dài như rối loạn nhận thức, rối loạn cảm xúc, rối loạn tâm thần, trong đó ảnh hưởng nhiều nhất chính là suy giảm khả năng học tập.
Tình trạng sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ gia tăng dẫn đến những hậu quả khôn lường về các vấn đề sức khỏe và xã hội. Những thành tựu Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá thông thường trong 10 năm qua có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng sử dụng thuốc lá điện tử ở giới trẻ.