Nếu các bạn cùng lớp hôm đó ứng xử khác đi thay vì quay clip tung lên mạng mọi chuyện đã khác? Các bạn trẻ đã biết cách ứng xử đúng trong tình huống xảy ra chuyện bất bình? Tại sao các bạn không lên tiếng?

Vì sao bạn trẻ chọn im lặng?

Trong một tình huống xảy ra gần đây tại một trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội, một phụ huynh cho rằng con mình bị nhóm bạn cùng lớp bắt nạt đã đến trường. Trong cơn giận dữ, vị phụ huynh này “dằn mặt” những bạn học của con bằng những lời nói khó nghe, thậm chí mạt sát, mắng mỏ và hầu như không một bạn học nào của con chị có cơ hội lên tiếng. Nhưng, lớp học đã ở cấp THPT, trong tay mỗi học sinh đều sẵn một chiếc smartphone và tất cả những lời nói thể hiện sự tức giận, hung dữ, đe dọa kia đều đã bị ghi âm lại.

Ngay sau đó, đoạn ghi âm nhanh chóng được chuyển lên nhóm thông tin lớp. Phụ huynh khác bức xúc khi thấy chuyện của các con lại bị người lớn can thiệp một cách thô lỗ. Giáo viên phải rất vất vả để giải quyết vấn đề phát sinh, tránh nguy cơ đoạn băng ghi âm lọt ra ngoài.

Theo các học sinh có mặt lúc đó, việc lên tiếng để giải thích hay chặn bớt những nóng nảy, bức xúc từ mẹ bạn nữ kia là điều không thể khi “bác ấy quá hung dữ và luôn yêu cầu đem vấn đề lên hội đồng kỉ luật nhà trường hoặc ra công an”.

Lựa chọn ghi âm trong trường hợp này theo lý giải từ các bạn giống như một cách để bảo vệ bản thân trong trường hợp bố mẹ hoặc thầy cô, cao hơn là ban giám hiệu nhà trường không đủ tin tưởng vào thông tin các em cung cấp.

“Bọn em cũng sợ khi mình nói có điều gì đó bị hiểu lầm hoặc gây căng thẳng thêm sẽ khiến mẹ bạn ấy có những cư xử tệ hơn nữa. Nên đành kệ bác ấy nói gì thì nói, mắng chửi sao cũng chịu”. Một bạn trẻ phân tích thêm một nguyên nhân khi cả nhóm chọn giải pháp im lặng.

Nguyễn Trúc Linh, học sinh lớp 12 trường Vinschool - Times City, Trưởng Ban tổ chức, tổ chức phi lợi nhuận Blosshine Vietnam - chuyên hướng về các vấn đề xã hội liên quan đến trẻ em, đặc biệt là bạo hành của học sinh THPT ở Hà Nội cho rằng đây là một hiện tượng tâm lý thường gặp ở độ tuổi học sinh phổ thông. Hầu hết các bạn sẽ cho rằng mình không có tiếng nói trong môi trường trường học khi xung quanh là giáo viên, những người có quyền quyết định đến kết quả học tập cùng hạnh kiểm trong học bạ và cũng lại lớn tuổi hơn. Đó cũng là lý do tại sao ví trường học như một xã hội thu nhỏ, nơi mà người lớn hoàn toàn có quyền quyết định mọi thứ và áp đặt lứa học sinh vốn yếu thế hơn.

“Em nghĩ rằng những người bạn xung quanh của nạn nhân cũng sẽ cảm thấy lo sợ khi lên tiếng cho bạn của mình, họ sợ việc “rước họa vào thân” sau khi nghe những lời dọa nạt từ người lớn, cụ thể là thầy cô giáo”, Trúc Linh chia sẻ.

Bên cạnh đó, các bạn trẻ im lặng trước những tình huống phản cảm, đáng bất bình còn bắt nguồn từ việc các bạn ngại bày tỏ quan điểm của bản thân, xấu hổ khi mình là người đầu tiên lên tiếng. Hiệu ứng đám đông khiến cho người trẻ cũng im lặng khi mọi người xung quanh lựa chọn việc không lên tiếng.

Hay cũng có thể xuất phát từ những tổn thương trong quá khứ khi các bạn đã từng lên tiếng, đã từng phản ánh nhưng lại chưa nhận được tín hiệu hồi đáp, lắng nghe từ phía gia đình, người thân, thầy cô. Thêm vào đó, từ khi mới bắt đầu nhận thức, trẻ con đã được dạy việc vâng lời người lớn, cãi lại thường bị quy kết hỗn láo, hư hỏng. Điều này khiến cho việc mở lòng trở nên khá khó khăn đối với lứa tuổi học sinh.

“Như em hiểu thì đây giống như nỗi sợ. Sợ hãi phải đi đầu, sợ hãi đi ngược lại với đám đông hay thậm chí sợ hãi việc phải lên tiếng và các bạn mang một tâm lý rằng “không phải mình cũng sẽ có người khác” hay “việc này là quá tầm so với mình, hãy đợi người lớn giải quyết”. Chính những điều này vô hình chung đã tạo ra một thói quen xấu ở giới trẻ, thói quen sợ lên tiếng, thói quen dựa dẫm, ỷ lại. Người trẻ có thể không vô tâm hay thậm chí là rất giàu lòng thương cảm nhưng những thói quen này khiến cho chúng ta trở thành người bàng quan, vô cảm trước những tình huống phản cảm bất ngờ xảy đến”, Trúc Linh phân tích thêm.

Không dám bày tỏ quan điểm từ việc nhỏ, việc lớn cũng sẽ chọn im lặng

Trở lại tình huống giáo viên cắt tóc học sinh vì em vi phạm quy định không được nhuộm màu, Trúc Linh cho rằng lỗi ở cả hai phía. Tuy nhiên, trong tình huống này, nếu cả tập thể lớp cùng đứng ra bảo vệ nhau cũng sẽ tác động không nhỏ đến hành động của giáo viên. Việc các bạn chỉ ngồi im lặng, ghi hình cũng đồng nghĩa đồng thuận để người lớn, cụ thể là giáo viên thực hiện hành vi sai trái ngay tại môi trường giáo dục. Trong trường hợp người giáo viên đó không nguôi đi cảm xúc nóng giận, những bạn học sinh cùng lớp hoàn toàn có thể báo cáo ban giám hiệu nhà trường về sự việc đang xảy ra. Một tập thể lớp hoàn toàn đủ khả năng để ngăn chặn sự việc bị đẩy lên mạng xã hội, câu chuyện sẽ đi sang hướng khác.

Việc học sinh bày tỏ tiếng nói của bản thân đã và đang được rất nhiều trường khuyến khích. Có không ít nhà trường còn cho phép học sinh bày tỏ quan điểm thông qua hòm thư riêng hay thậm chí xây dựng cả một bộ phận tư vấn tâm lý học đường, giúp các em giải quyết những khúc mắc trong cuộc sống, học tập. Phía nhà trường kết hợp cùng gia đình sẽ giúp hình thành nên tư duy phản biện, dám bày tỏ quan điểm của các bạn trẻ.

Nhưng cũng từ trải nghiệm cá nhân cũng như quan sát, lắng nghe từ bạn bè, Trúc Linh cho rằng nhiều phụ huynh chưa thật sự thấu hiểu con cái. Nguyên nhân có thể do khoảng cách thế hệ, dẫn đến nhiều bất đồng quan điểm hoặc cũng có khi từ sự áp đặt một chiều của phụ huynh. Bản thân Linh cũng nhiều lần rơi vào tình trạng này.

“Chính vì thế, mỗi lần xảy ra bất đồng với mẹ, em đều không nói gì và thầm lặng thực hiện những điều bản thân cho là đúng và chứng minh bằng kết quả”, Trúc Linh phân tích.

Việc im lặng khi xảy ra tình huống mâu thuẫn giữa các bạn trẻ với người có tuổi đôi khi là điều cần thiết. Bởi lẽ trong những khoảnh khắc mất bình tĩnh, người trẻ rất có thể vô tình buông những lời lẽ không hay, hay thậm chí thiếu tôn trọng dẫn tới trạng thái mất kiểm soát cảm xúc, để rồi cả hai bên đều chịu tổn thương hoặc đẩy xung đột lên cao trào. Việc các bạn trẻ dừng lại, suy nghĩ kỹ trước khi nói bất cứ điều gì sẽ tạo thiện cảm hơn với người lớn. Thời điểm cảm xúc của cả hai đều ở trong trạng thái bình tĩnh giúp việc sẵn sàng lắng nghe ý kiến của nhau thuận lợi hơn.

Để nói năng khúc triết, gãy gọn, mạch lạc cũng như có sức thuyết phục, theo Trúc Linh các bạn trẻ cần có sự rèn luyện thêm kỹ năng bày tỏ quan điểm cũng như kỹ năng tranh biện. Tư duy phản biện là một kỹ năng, không xuất phát từ bản năng nên học sinh hoàn toàn có thể luyện tập và trau dồi được. Có được tư duy phản biện không chỉ giúp ích về mặt học tập mà khi đối diện với các vấn đề khác nhau trong cuộc sống. Một số trường học đã và đang khuyến khích học sinh tham gia những hoạt động hùng biện và thuyết trình thông qua mô hình các câu lạc bộ hay các cuộc thi. Từ đó nâng cao tư duy phản biện, biết cách đối diện với cuộc đời bằng cái nhìn đa chiều.

Việc luyện tập cách phản ứng, cách cất tiếng nói, đứng lên trước những tình huống nhỏ nhặt tạo tiền đề quan trọng để thêm động lực, niềm tin vào bản thân khi người trẻ đối diện với những tình huống đối phương lớn hơn, mạnh hơn, áp đảo hơn.

“Nếu ngay từ những điều nhỏ bé đã không dám phản ứng, không biết cách lập luận chặt chẽ thì khi đối mặt với những thứ lớn lao hơn, khó nhọc hơn, các bạn trẻ càng dễ nhụt chí, chùn bước, thậm chí luôn chọn việc im lặng chấp nhận trong sự ấm ức và chờ đợi sự bảo vệ”, Trúc Linh khẳng định.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung chia sẻ của khách mời: