Trải nghiệm thực tế đã giúp bạn trẻ tìm ra nghề “chân ái”
Ông ngoại và mẹ đều làm bác sĩ, nên ngay từ nhỏ, Ngọc Trâm, hiện là SV Trường ĐH Sư phạm HN cũng từng nghĩ rằng lớn lên mình sẽ làm bác sĩ. Nhưng học giỏi khối B, có truyền thống gia đình làm bác sĩ không chắc chắn bạn phù hợp với công việc này. Ngọc Trâm khám phá ra thực tế này từ những chuyến trải nghiệm của bản thân: “Em đã được theo mẹ vào viện nhiều lần, thực sự nhìn thấy máu me rồi ngửi mùi sát khuẩn em cảm thấy rất sợ, tay chân cứ bị bủn rủn. Những cái tối thiểu như thế mình còn không thấy phù hợp thì làm sao có thể làm được bác sĩ.”
Và cũng chính từ nhiều hoạt động trải nghiệm khác nhau, Trâm phát hiện ra rằng, mình chỉ thực sự hứng thú với những công việc gần gũi các em nhỏ, sáng tạo trò chơi và rất có năng khiếu trong việc giải quyết những mâu thuẫn nho nhỏ của các bé. Lựa chọn trường ĐH Sư phạm em tin rằng là một quyết định đúng đắn. “Vì chọn đúng những gì mà mình yêu thích nên khi học đại học em thấy rất vui, rất hứng khởi. Em mơ ước ra trường sẽ được làm cô giáo mầm non hay lớn hơn nữa là có thể mở được trường mầm non tư thục của riêng mình”, Trâm chia sẻ.
Vượt qua sự phản đối, cuối cùng Trâm cũng đã thuyết phục thành công bố mẹ và nhận được lời gửi gắm đầy yêu thương từ bậc sinh thành: Bất kỳ ngành nghề nào cũng vậy, nếu ở môi trường mình yêu thích, cố gắng, nỗ lực thì chắc chắn con sẽ thành công.
Hoạt động trải nghiệm: cơ hội rất quý báu để bạn khám phá ra chính bản thân mình
Tô Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội luôn trân quý khoảng thời gian ba năm cấp III và ba năm sinh viên đại học khi em được tham gia nhiều hoạt động trải nghiệm của địa phương và của của trường.
Khi học cấp III, Thu Hà tích cực tham gia các buổi hoạt động ngoài trời, những cuộc thi như cuộc thi văn nghệ, thi nấu ăn, Vua đầu bếp, cuộc thi thuyết trình…Mỗi hoạt động sẽ có đặc trưng riêng, qua đó mình biết được mình có thể mạnh ở đâu. “Hoạt động trải nghiệm không chỉ giúp em học hỏi được nhiều, có thêm kỹ năng sống, cảm thấy trưởng thành hơn mà còn giúp em khám phá bản thân và lựa chon nghề nghiệp bây giờ - ngành Tham vấn học đường”, Thu Hà chia sẻ.
Theo chuyên gia giáo dục Nguyễn Hoàng Thanh Hương, các bạn trẻ nên lựa chọn những hoạt động trải nghiệm có sự giao thoa giữa 3 yếu tố: Sở trường, sở thích và nhu cầu xã hội hiện tại. Quan trọng nhất là phải “thực chiến” với nó vì như vậy bạn mới thực sự khám phá ra khả năng của mình, mình cần cái gì, mình thực sự muốn gì và mình yếu ở đâu để tìm những bài học, những kỹ năng đúng mục đích bạn cần.
Hoạt động trải nghiệm: có thể tìm ngay trong chính ngôi nhà của bạn
Theo nhà quản trị nhân sự Phạm Hà, hoạt động trải nghiệm nhiều khi rất đơn giản. Nếu một bạn muốn trở thành marketing content hay 1 youtuber thì bạn hãy làm những cái youtube xem khả năng mình làm thế nào và hãy chia sẻ với bố mẹ và bạn bè xem được đón nhận như thế nào. Bởi đó là những khách hàng chân thực nhất, có thể đưa ra những ý kiến phản ánh cho các bạn. Khi làm ra sản phẩm và các em khoe cho mọi người thấy thì các em sẽ nhận được phản hồi và đó là những cái trải nghiệm mà các em có.
Cũng đồng quan điểm với nhà quản trị nhân sự Phạm Hà, chị Thanh Hương cho rằng: Trước khi làm những việc phi thường thì bạn hãy làm những điều bình thường một cách xuất sắc. Nếu muốn trở thành Youtuber, bạn hay thử sản xuất một vài video mà anh em bạn bè yêu thích hay những video về mẹ hay hoạt động của gia đình để xem sức lan tỏa của chúng như thế nào. Hoặc muốn trở thành đầu bếp, hàng ngày bạn có thể nấu những món ăn ngon cho cả gia đình hay sáng tạo nhiều món ăn khác nhau.
Mỗi cá nhân đều mang trong mình những nét đặc trưng và ưu, khuyết điểm riêng. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp trước tiên phải xuất phát từ tài năng, sở thích và thiên hướng của bản thân bạn. Khi dựa trên chính bản thân để định hướng nghề nghiệp, bạn sẽ tìm thấy sự cân bằng trong cuộc sống và thỏa mãn được khát khao của chính mình.
Cùng nghe thêm những chia sẻ của Chuyên gia giáo dục Nguyễn Hoàng Thanh Hương và bạn Tô Thu Hà, sinh viên Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội ở đây: