Khảo thí là lĩnh vực vô cùng quan trọng trong giáo dục. Một vài cơ sở giáo dục lớn đã mạnh dạn tiên phong mở đường cho những phương thức kiểm tra, đánh giá mới với mong muốn đạt mục tiêu đúng và trúng. Đây cũng là nội dung được bàn luận trong Hội nghị thường nên về Khảo thí diễn ra sáng 9/11 tại Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sau diễn đàn về Khảo thí năm 2021 được đánh giá là thành công, ngày 9 tháng 11 năm 2022, Hội thảo Khảo thí thường niên lần 2 được Đại học quốc gia Hà Nội tổ chức với quy mô lớn hơn. Năm 2022 với 4 bài thi phục vụ 195.547 lượt thí sinh trong cả nước, 2 Trung tâm Khảo thí ĐHQG HN và ĐHQGTPHCM cùng ĐH Bách Khoa Hà Nội và Bộ công an là 4 đơn vị tiên phong trong việc triển khai phương thức kiểm tra đánh giá mới thông qua bài thi đánh giá năng lực và kiểm tra tư duy.

PGS.TS Nguyễn Hoàng Hải – Phó Gíam đốc ĐHQG Hà Nội cho rằng: Hội thảo là dịp để 4 đơn vị có kỳ thi riêng nhìn lại tổng kết hoạt động của mình qua đó công bố với xã hội tính công khai minh bạch của kỳ thi đồng thời cũng cơ sở, là công cụ trách nhiệm giải trình của các Trung tâm Khảo thí với xã hội. Theo PGS Nguyễn Hoàng Hải: dù các cơ sở giáo dục đại học có quyền tự chủ rất cao trong tuyển sinh nhưng nếu trường nào cũng tổ chức thi riêng thì sẽ rất lãng phí nguồn lực của xã hội, công sức của thí sinh và gia đình các em. Vì vậy các Trung tâm khảo thí cần có trao đổi, học tập rút kinh nghiệm, có sự hợp tác để tìm ra những giải pháp tốt nhất, trên cơ sở đấy có thể chuyển đổi điểm cho nhau. Như vậy có thể giúp cho thí sinh không phải trải qua quá nhiều kỳ thi. Các trường đại học cần có kỳ thi ĐGNL riêng lựa chọn được những thí sinh xuất sắc vào đại học vì dù cho bất cứ quy chế tuyển sinh nào cũng phải làm được điều đó. PGĐ Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng: “Hiện nay chúng ta có rất nhiều hình thức tuyển sinh, hình thức nào là tốt, là hiệu quả, cái đó cần có thời gian để chúng ta nghiên cứu. Theo ông Hải, 1 kỳ thi khó có thể đánh giá được năng lực của thí sinh, năng lực ấy chưa chắc đã phù hợp với các ngành nghề đào tạo, ví dụ một em học ngành kinh tế đòi hỏi có năng lực tổng hợp cao nhưng em học ngành kỹ thuật lại đòi hỏi năng lực chuyên sâu, bây giờ đánh giá thế nào để sao cho thí sinh vào trường học tốt lĩnh vực của mình.”

Để giải quyết bài toán này, ĐHQG Hà Nội đã có kế hoạch tổ chức những kỳ kiểm tra, đánh giá năng lực chuyên biệt, thích hợp để có thể lựa chọn thí sinh xuất sắc theo học những chuyên ngành học phù hợp với năng lực của mình.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG TP.HCM cho biết: Sau khi khảo sát, còn gọi là theo vết thí sinh, ĐHQG TP.HCM có thể đánh giá được sự tương quan giữa kết quả thi đánh giá năng lực với kết quả học tập của sinh viên ở bậc đại học. Khi so sánh sự tương quan kết quả học tập ở bậc THPT với kết quả học tập đại học của các sinh viên trong ĐHQG TP.HCM thì nhận thấy rằng các nhóm thí sinh được tuyển bằng kết quả thi đánh giá năng lực có mức học tập có phần trội hơn so với nhóm thí sinh tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT. Điều đó thể hiện bài thi đánh giá năng lực giúp tuyển được thí sinh có năng lực học tập tốt hơn, phù hợp cho việc học tập ở đại học. Ông Chính cũng cho biết, trong năm 2023 ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục giữ ổn định kỳ thi đánh giá năng lực và tiếp tục hoàn thiện thêm những khâu từ xây dựng ngân hàng câu hỏi đến tổ chức thi đến sử dụng những cách kiểm soát ổn định. Bên cạnh đó sẽ phối hợp với TT khảo thí của ĐHQG Hà Nội và các trung tâm khảo thí của các trường đại học khác để chia sẻ kinh nghiệm, và từ đó, sẽ đưa ra những phân tích, định hướng xây dựng những bài thi góp phần đánh giá năng lực một cách chuyên nghiệp.

Tại Hội thảo, PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách Khoa Hà Nội cũng chia sẻ kinh nghiệm về việc tổ chức làm đề, tổ chức kỳ thi kiểm tra tư duy, đưa ra những ưu điểm và 1 số hạn chế của bài thi cũng như dự kiến của ĐH BKHN trong việc nâng cao chất lượng kỳ thi để có thể tuyển được những thí sinh xuất sắc nhất phù hợp với những chuyên ngành đào tạo của trường.

Đại tá Đặng Việt Xô, Phó Cục trưởng Cục đào tạo Bộ Công An cho biết: ngành công an có những yếu tố đặc thù, việc thi tuyển có thêm hoạt động sơ tuyển vì ngoài học lực các thí sinh phải được kiểm tra thái độ chính trị, sức khỏe, năng lực vận động cá nhân để đáp ứng yêu cầu phục vụ của ngành.Cũng theo đại tá Đặng Việt Xô quy trình xây dựng ngân hàng đề thi, thử nghiệm và phản biện … rồi quá trình tổ chức kỳ thi năm 2022 của ngành đã được thực hiện bài bản nghiêm túc công khai, minh bạch đã giúp ngành tuyển được những thí sinh thực sự có năng lực .

GSTSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo ĐHQGHN cho rằng: các trường lớn vì sự tồn tại và phát triển của chính mình, phải có những bài thi để tuyển sinh những thí sinh đầu vào tốt, bởi vì một trường đại học chỉ có thể tồn tại và phát triển được khi có đội ngũ thầy tốt và cả trò tốt nữa. Chúng ta thấy được rằng các kỳ thi của ĐHQG HN, của ĐHQG TP.HCM, của Bộ Công An... có sự khác nhau, nhưng đều có giá trị cốt lõi là về toán, về ngữ văn và về phần tự luận. Đây là những giá trị cốt lõi để có thể tuyển sinh vào đại học. Trong quá trình chuyển đổi thì việc nảy sinh ra rất nhiều các bài thi đánh giá năng lực nhưng rồi về lâu dài phải xây dựng một ma trận về khung năng lực trình độ và đánh giá trong các bài thi tuyển sinh chung phải có một sự chuyển đổi giữa các bài thi đánh giá về mặt bằng chung tương đối phù hợp để các trường xét tuyển sinh. Cần có một mặt bằng chung về bài thi chuyển hoá phải đáp ứng chuẩn đầu vào và làm sao phải tạo sự chủ động cho thí sinh để thí sinh có thể thi nhiều thời điểm trong năm.

Khảo thí là một mắt xích quan trọng trong chuỗi các hoạt động đào tạo, phát triển năng lực con người của giáo dục hiện đại vì vậy nó cũng phải thay đổi và phát triển đáp ứng những yêu cầu mới của mỗi thời điểm xã hội. Năm 2025, nhóm thí sinh là những học sinh học chương trình THPT mới 2018 bắt đầu vào đại học, vì vậy các bài thi đánh giá năng lực hay kiểm tra tư duy cũng cần được đổi mới.Theo TS Chu Cẩm Thơ chuyên gia Khảo thí, Viện KHGD Bộ GD-ĐT: “Chúng ta ghi nhận rằng là các bài thi này đã tuân thủ các kỹ thuật để chuẩn hoá kỳ thi và các trung tâm này cũng đã đang tìm các mối tương quan để tư vấn lại cho quá trình tuyển sinh và quá trình đào tạo. Trong khoảng 2 năm nữa thì thí sinh của chúng ta sẽ học chương trình giáo dục phổ thông 2018 với định hướng hoàn toàn khác biệt, ở đây hai vấn đề này không có nhiều mâu thuẫn nếu như mà các đề thi đánh giá năng lực này đã bám sát tiêu chí đánh giá năng lực. Và tương quan giữa cái năng lực đầu ra của các trường đại học, đầu vào của các quá trình tuyển sinh và quá trình học tập ở trường phổ thông để tìm thấy được mối liên hệ nó mang tính biện chứng với. Nếu như chúng ta có thể công bố cái khung kỹ thuật càng chi tiết của các đề thi này để tìm thấy được mối quan hệ giữa câu hỏi đề thi vài hình thức biểu hiện ra bên ngoài, với các tiêu chí thành phần của các năng lực mà họ đo và đặc biệt là những tuyên bố về các năng lực đấy khớp được với tuyên bố về năng lực mà chương trình phổ thông 2018 theo đuổi thì chắc chắn là sẽ về mặt tâm lý, về mặt khách quan cho thấy sự chúng ta có chuẩn bị tốt hơn cho các thí sinh đang học tập và cũng như là các đối tượng mà sau này họ sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá năng lực.”

Sau báo cáo của 4 đơn vị có kỳ thi riêng, nhiều đại biểu đại diện cho các trường sử dụng kết quả của bài thi đánh giá năng lực cũng chia sẻ sự ghi nhận về chất lượng của phương thức thi này cũng như bày tỏ những mong muốn về sự chuẩn hóa các bài thi giúp cho các trường có thể tuyển đúng và trúng.

Một số hình ảnh tại hội thảo: