Giáo viên làm công tác xã hội: Muôn kiểu kiêm nhiệm
Cô Phí Thị Tình là nhân viên y tế tại Trường Tiểu học Khương Thượng, Hà Nội. Nhiệm vụ của cô là chăm sóc sức khỏe cho học sinh; tuyên truyền để trẻ có hành vi chăm sóc sức khỏe phù hợp; dinh dưỡng hợp lý, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, triển khai bảo hiểm y tế, kết nối với bệnh viện nếu học sinh có vấn đề về sức khỏe...vv.
“Thật ra ở đây còn “đa khoa” hơn bệnh viện. Chúng tôi phải làm tốt công tác tuyên truyền cho cả lớp điều cơ bản, sơ đẳng bảo vệ sức khỏe. Đầu năm thì triển khai bảo hiểm, sai sót về hồ sơ, giải quyết tình trạng học sinh, phụ huynh làm mất thẻ bảo hiểm. Ngoài ra, đầu năm thì thu thập thông tin và lấy danh sách học sinh đóng tiền chuyển lên quận...”, cô Tình chia sẻ.
Nhưng chưa dừng ở đó, cô còn làm nhiệm vụ tư vấn những kỹ năng sống cho học sinh, kỹ năng cho cha mẹ, trợ giúp kết nối học sinh yếu thế với những cơ sở chăm sóc khi cần thiết... tương tự như một nhân viên công tác xã hội.
Còn cô Nguyễn Thị Hồng Hạnh, giáo viên tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Khương Thượng cũng kiêm luôn nhiệm vụ của của một giáo viên làm công tác xã hội với những nhiệm vụ như phát triển các câu lạc bộ trong trường học, tuyên truyền phổ biến về pháp luật, tham gia trợ giúp những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống và học tập...
Thiếu nhân lực và thiếu cả những hướng dẫn chuyên sâu về công tác xã hội là thách thức cho công tác xã hội trường học. Tại Hội nghị tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên thực hiện công tác xã hội trường học tại các cơ sở giáo dục, đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ đánh giá, công tác xã hội ở trường học hiện nay chưa thực sự hiệu quả.
“Có trường thì giao cho bí thư đoàn, trường giao cho tổng phụ trách đội, trường giao cho giáo viên tâm lý... Tập huấn chuyên sâu chưa có, riêng Cần Thơ thì tập huấn có 2 ngày”.
Cần tập huấn chuyên sâu cho giáo viên làm công tác xã hội trường học
Theo đại diện Sở GD-ĐT Cần Thơ, trước khi có Thông tư số 33 năm 2018 về hướng dẫn Công tác xã hội trong trường học thì các trường đã triển khai những công việc như: hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn, đầu năm cấp học bổng, quan tâm đến những học sinh có nguy cơ bỏ học... Tuy vậy, hiệu quả chưa như mong đợi. Minh chứng là ở Cần Thơ và một số tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long số học sinh bỏ học còn cao.
“Hỗ trợ học sinh về mặt tâm lý chúng tôi có thể giải quyết được nhưng về mặt kinh tế chúng tôi có làm nhưng hiệu quả chưa cao. Đơn cử, với những học sinh khó khăn, chúng tôi vận động dạy giúp các em 1-2 năm rồi cũng không chịu nổi đành buông. Bởi vì ở Cần Thơ các em bỏ học dễ tìm việc làm, học sinh nữ lớp 7-8 bán quán bán cafe, nam thì đi phụ hồ”.
Nêu ra những khó khăn, Cần Thơ mong muốn được tập huấn chuyên sâu cho những giáo viên làm công tác xã hội. Đồng thời phân công giáo viên làm công tác này ổn định, lâu dài, có sơ kết, nhân rộng.
Nhiều năm nay, TP.HCM triển khai, phối hợp với trường CĐ Kinh tế TP.HCM tổ chức tập huấn cho thầy cô phụ trách công tác xã hội trong trường học. Các trường, đặc biệt trường THPT đều thành lập các CLB trong đó có CLB công tác xã hội trong trường học.
Tuy nhiên khó khăn là các trường không có giáo viên kiêm nhiệm về công tác xã hội, phần lớn các trường chỉ phân công giáo viên phụ trách và thực hiện lồng ghép vào các CLB. Điều kiện xã hội hóa mỗi đơn vị khác nhau nên công tác hỗ trợ học sinh không đồng đều. Phần lớn tổ chức theo đợt phong trào chứ chưa thường xuyên.
Theo quy định hiện nay, trong các trường học không có vị trí việc làm dành cho công tác xã hội, cán bộ, nhân viên công tác xã hội cán bộ kiêm nhiệm được giao đầu mối làm công tác xã hội. Họ có thể là giáo viên tổng phụ trách đoàn- đội, nhân viên y tế học đường, thậm chí là giáo viên chủ nhiệm.
Giáo viên không có chuyên môn làm công tác xã hội; hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức nghiệp vụ chuyên môn còn nhiều hạn chế, chưa thường xuyên được tập huấn; quy trình triển khai thực hiện công tác xã hội trong trường học nhiều nơi chưa được thực hiện đúng quy trình. Ông Doãn Hồng Hà, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục chính trị học sinh sinh viên cho rằng, đây là hạn chế, đòi hỏi giáo viên cần phải được bồi dưỡng liên tục.
Thạc sỹ Đỗ Nghiêm Thanh Phương, Trưởng bộ môn CTXH gia đình trẻ em, Khoa Công tác xã hội, ĐHSP Hà Nội cho rằng, triển khai công tác xã hội trong trường học đã có Thông tư, hướng dẫn từ Bộ GD-ĐT nhưng tùy đặc điểm của từng trường học, địa phương cần có biện pháp triển khai sao cho phù hợp. Để triển khai công tác xã hội trường học thuận lợi, cần làm tốt công tác phòng ngừa như bồi dưỡng kỹ năng làm cha mẹ cho phụ huynh, truyền thông, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nâng cao kỹ năng của giáo viên và phổ biến pháp luật./.
Nghe chương trình tại đây: