Chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương, chuyên gia giáo dục của Công ty cổ phần Giáo dục toàn cầu EEG chia sẻ cách ứng xử khi team bất đồng quan điểm và cách làm việc nhóm hiệu quả:

Xung đột khi làm việc nhóm - chuyện không của riêng ai

Với phương pháp dạy và học ngày càng hướng tới sự chủ động, việc làm bài, hoàn thành nhiệm vụ học tập theo team là hoạt động quá quen thuộc đối với các bạn sinh viên, trong đó có Mai Chi, trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi lúc Chi cũng rơi vào những team tranh cãi “nảy lửa”.

“Em từng làm việc với một số nhóm bất đồng quan điểm xảy ra khá căng. Ai cũng muốn cãi, cái “tôi” của ai lúc đấy cũng rất cao nên không khí cả nhóm rất là căng thẳng. Em nghĩ khi làm việc nhóm rất cần một người trưởng nhóm lý trí và các bạn phải thật sự bình tĩnh để có thể đưa ra được cái phương án cuối cùng tốt nhất. Cái “tôi” của ai cũng cao sẽ khiến không khí trở nên căng thẳng và kết quả của bài làm việc nhóm cũng không hiệu quả”, Mai Chi chia sẻ.

Theo chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương, mỗi chúng ta sinh ra trong một gia đình khác nhau, một nền văn hóa gia đình khác nhau và đặc biệt khí chất của mỗi người sẽ khác nhau. Hơn nữa, nguyên tắc của việc tạo nhóm là “tôi có cái bạn cần và bạn có cái mà tôi cần”… Chính vì sự khác nhau nên dễ xảy ra những xung đột.

Khi chúng ta chơi, kết bạn với nhau, chúng ta vui vẻ thì mọi thứ đều rất hợp. Nhưng khi đã bắt đầu vào công việc, bắt đầu vào những quyết định và ra quyết định thì chắc chắn chúng ta phải chấp nhận cả những xung đột của nhau.

Lắng nghe và thấu hiểu – nguyên tắc quan trọng của trưởng nhóm khi team bất đồng quan điểm

Khi Team trở nên căng thẳng, lúc đó vai trò của bạn trưởng nhóm rất quan trọng. Đầu tiên, bạn leader phải biết được điểm dừng cảm xúc của mỗi người bởi khi cảm xúc “leo thang” thì lý trí sẽ bị giảm bớt.

Tiếp theo, trưởng nhóm phải thể hiện được thái độ lắng nghe và thấu hiểu vì ai cũng muốn được lắng nghe, ai muốn thấu hiểu. Các bạn có thể phá tan bầu không khí căng thẳng bằng một câu nói nhẹ nhàng và sau đó thể hiện sự đồng cảm đối với những người đang xung đột trong đội nhóm. Thấu hiểu đối phương tức là giúp cho họ được cân bằng và bình tĩnh lại để giải quyết vấn đề.

“Xung đột, căng thẳng với nhau thì không giải quyết vấn đề gì, mà quan trọng là chúng ta tìm ra được những vấn đề thực sự trong xung đột ấy để tìm ra phương án. Đây là điều mấu chốt quan trọng nhất”

Mục tiêu khi làm việc nhóm là phải xác định được thành công của cá nhân giúp ích gì cho tập thể và thành công của tập thể mang lại lợi ích gì cho tất cả các thành viên trong đội nhóm. Khi đó sẽ ít xảy ra mâu thuẫn nhất và khi có mâu thuẫn, mọi người sẽ tìm ra hướng để cùng nhau giải quyết.

3 nguyên tắc làm việc nhóm của các thành viên để hạn chế xung đột

Theo chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương, đối với các thành viên của nhóm cần tuân thủ 3 nguyên tắc để làm việc nhóm hiệu quả.

Thứ nhất, hãy giữ được cảm xúc của mình và thể hiện sự thấu hiểu đối với mọi người trong team. Khi bạn đã thấu hiểu đối phương thì bạn cũng sẽ được thấu hiểu.

Thứ hai, hãy luôn có tư duy “tất cả cùng thắng”. Nếu như chỉ nghĩ “mình phải thắng” sẽ xảy ra trường hợp là thắng thua, tôi thắng anh thua, bạn sẽ chỉ luôn xung đột với người khác. Ngược lại, nếu mình nhún nhường quá, tôi thua anh thắng, đương nhiên bạn sẽ thấy không thoải mái. Khi đã có quan điểm là “tất cả cùng thắng”, bạn sẽ tư duy về việc giải quyết được vấn đề và sẽ không xảy ra xung đột.

Thứ ba, luôn tìm ra phương án mới khi bất đồng xảy ra. Đặc biệt khi đã làm việc nhóm, các bạn cần phải xây dựng được một nguyên tắc chung của đội, những tiêu chí mà các bạn sẽ làm việc cùng nhau khi xảy ra xung đột là gì và các bạn đồng ý với những tiêu chí đấy, khi đó tất cả mọi người đều sẽ thoải mái và cam kết thực hiện đến cùng.

Khi làm việc nhóm, bạn không thể trông chờ vào việc một tập thể lúc nào cũng có sự gắn kết, những mâu thuẫn phát sinh, những bất đồng quan điểm là điều luôn xảy ra. Điều quan trọng nhất là sau những xung đột ấy, hãy cùng vực dậy tinh thần của cả nhóm, đoàn kết, nghĩ ra phương án giải quyết vì mục tiêu chung.

Nghe tư vấn của chị Nguyễn Hoàng Thanh Hương: