Sáng 1/3, Trường Đại học Mở Hà Nội khởi động cuộc thi “Học sinh sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp HOU.SV.STARTUP” năm 2023. Đồng thời, tổ chức diễn đàn "Học sinh sinh viên khởi nghiệp" và khánh thành "Không gian đổi mới sáng tạo".
Tới dự có Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh.
Hưởng ứng Đề án 1665, từ năm 2018, Trường Đại học Mở Hà Nội đã ban hành Kế hoạch triển khai Đề án hỗ trợ SV Khởi nghiệp đến năm 2025 đồng thời thành lập Ban chỉ đạo triển khai Đề án.
Sau gần 5 năm triển khai, các hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp của Trường Đại học Mở Hà Nội đã tạo ra sân chơi khoa học bổ ích cho học viên – sinh viên, gắn khởi nghiệp với quá trình học tập, nghiên cứu nhằm tạo động lực và hình thành ý tưởng, tư duy đối mới sáng tạo cho người học ngay trên ghế nhà trường nhằm thích ứng dần với môi trường lập thân, lập nghiệp. Nhà trường cũng ký hợp tác với gần 50 đơn vị trong và ngoài nước triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và hỗ trợ sinh viên thực tập, hướng nghiệp và khởi nghiệp.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh ghi nhận những kết quả hoạt động của Trường Đại học Mở Hà Nội trong công tác hỗ trợ sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hoạt động hướng nghiệp, kết nối doanh nghiệp trong những năm vừa qua.
Thứ trưởng hy vọng Trường Đại học Mở Hà Nội sẽ phát huy hơn nữa thế và lực của mình, tiếp tục đẩy mạnh triển khai tự chủ đại học đi vào chiều sâu, tăng cường phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; tiếp tục quan tâm đến người học, thúc đẩy phong trào học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học và phong trào sinh viên, đặc biệt chú trọng tới các hoạt động giáo dục chính trị tư tưởng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, tình nguyện chung sức vì cộng đồng để thực hiện tốt sứ mạng “Mở cơ hội học tập cho mọi người” trở thành một trong những Trường Đại học hàng đầu về giáo dục mở và đào tạo từ xa trong cả nước và khu vực.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung, hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội ghi nhận những nỗ lực của các học viên, sinh viên khi tham gia vào các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, đánh giá cao hiệu quả và tính lan tỏa của chuỗi hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp trong 3 năm gần đây.
Đặc biệt, cuộc thi "Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp" năm nay của Trường đã thu hút được các đội thi đến từ các trường ĐH, Học viện trên địa bàn Hà Nội cùng tham gia. "Điều đó khẳng định tinh thần khởi nghiệp đã được cộng hưởng và lan tỏa. Từ đó, tạo đà nâng cao chất lượng của hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học, góp phần phát triển nhà trường theo hướng bền vững, tạo cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh của sinh viên trong thị trường nhân lực chất lượng cao", PGS.TS Nguyễn Thị Nhung khẳng định.
Những ý tưởng, dự án khởi nghiệp có tiềm năng của sinh viên sẽ tiếp tục được nhà trường hỗ trợ để có thể tiếp cận gần hơn với các đơn vị, doanh nghiệp và tham gia vào sân chơi khởi nghiệp lớn hơn.
PGS.TS Nguyễn Thị Nhung kỳ vọng các thầy cô giáo sẽ luôn đổi mới từ cách nghĩ, cách làm đến nội dung, chương trình, phương pháp dẫn dắt định hướng, truyền đạt kiến thức, truyền cảm hứng, đổi mới mạnh mẽ tư duy từ trang bị kiến thức sang trang bị năng lực, phẩm chất toàn diện, tăng cường các hoạt động hướng nghiệp, tạo môi trường khơi gợi khả năng sáng tạo cho học sinh, sinh viên.
Theo Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội, cần tiếp tục tạo môi trường, thu hút nguồn nhân lực thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. "Các thầy cô cần nghiên cứu, tham vấn, góp phần hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, chương trình đặc thù hỗ trợ, tạo điều kiện để học viên, sinh viên, giảng viên, tích cực tham gia các hoạt động khởi nghiệp. Đồng thời, cần quan tâm, thúc đẩy hoạt động thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của nhà trường trong thời gian tới".
Hiệu trưởng Trường ĐH Mở Hà Nội cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp sẽ đầu tư cho các dự án khả thi để các ý tưởng được ứng dụng vào thực tiễn.
Ngay sau khi nhấn nút chính thức khởi động Cuộc thi “Học viên sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp HOU.SV.STARTUP” năm 2023, tọa đàm “Hành trình học sinh, sinh viên khởi nghiệp SV.STARTUP đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia, giám đốc doanh nghiệp trong lĩnh vực khởi nghiệp giúp khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên.
Cũng trong khuôn khổ chương trình, Trường ĐH Mở Hà Nội đã chính thức khai trương "Không gian đổi mới sáng tạo" nhằm tạo điều kiện cho các CLB, các nhóm ý tưởng khởi nghiệp sinh hoạt chuyên môn, gặp gỡ các chuyên gia, các nhà đầu tư và cùng nhau trao đổi những kinh nghiệm trong hoạt động khởi nghiệp.
Từ năm 2019 đến nay, Trường Đại học Mở Hà Nội tổ chức Cuộc thi Học viên - Sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp thu hút hàng trăm ý tưởng của người học ở tất cả các hệ và hình thức đào tạo từ chính quy đến từ xa và vừa làm vừa học đăng ký tham gia. Năm 2020 Dự án Ứng dụng kết nối và hỗ trợ người già - App CASO của sinh viên Nhà trường đạt giải Nhì Toàn quốc. Năm 2021: Dự án Bộ trò chơi Thách đố Tài chính - Finance Challenge vào TOP 10 Toàn quốc. Năm 2022: Dự án Bộ sách Chinh phục Ngôn ngữ dành cho trẻ rối loạn phát triển - Đạt giải Nhất - Cuộc thi "Nữ sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2022" toàn quốc do Học viện Phụ nữ Việt Nam tổ chức; Năm 2023, dự án Ghế dành cho người khuyết tật “Smart Wheel Chair” lọt vào Vòng chung kết toàn quốc./.
Đề án “Hỗ trợ học sinh sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”, gọi tắt là Đề án 1665 được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định ban hành ngày 30/10/2017 giao cho Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì thực hiện. Sau 5 năm triển khai, Đề án đã thực sự khơi dậy, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trang bị các kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên trong thời gian học tập tại các trường đại học, học viện, trường cao đẳng, trung cấp và một số trường trung học phổ thông trên toàn quốc. Bộ GD&ĐT cùng các đơn vị hữu quan đã tạo môi trường thuận lợi để hỗ trợ học sinh, sinh viên hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, góp phần tạo việc làm cho học sinh, sinh viên sau khi tốt nghiệp.