Bộ GD-ĐT vừa ra công văn hướng dẫn việc thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2024-2025. Trong đó, lưu ý một số vấn đề cụ thể đối với việc kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn. Các trường THCS và THPT cần tránh sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu kiểm tra đánh giá năng lực đọc hiểu và viết trong các đề kiểm tra định kỳ.
Loại bỏ tình trạng học vẹt, học tủ
Theo cô Trần Thị Quỳnh Hoa, Phó hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, yêu cầu này được đưa ra nhằm khắc phục tình trạng học sinh chỉ học thuộc bài hoặc sao chép nội dung tài liệu có sẵn, tránh hiện tượng văn mẫu, tránh giới hạn phát triển năng lực của học sinh. Đây cũng là thước đo để phân hóa học sinh.
Thầy Trần Văn Toản, tổ trưởng Tổ Ngữ Văn Trường THPT Chuyên Quốc học Huế cho rằng, những năm trước, ngữ liệu ngoài SGK đã được đưa vào phần Đọc hiểu trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và đề kiểm tra định kỳ của nhiều trường. Với hướng dẫn mới đây của Bộ GD-ĐT có thể hiểu, các tác phẩm đã học trong SGK cũng sẽ không được đưa vào câu Làm văn.
“Trước đây các em có thể đoán tác phẩm trong câu 2 của phần Làm văn nhưng hiện nay cả giáo viên và người học sẽ không đoán được. Việc chọn ngữ liệu hoàn toàn mới từ phần Đọc hiểu, Nghị luận văn học, Làm văn sẽ tạo ra sự hấp dẫn cho những học sinh có năng khiếu văn, tránh tình trạng học sinh ỷ lại, chỉ chọn tác phẩm để học”.
Cũng theo thầy Toản, nếu đưa ngữ liệu hoàn toàn ngoài SGK vào đề thi, cả thầy và trò phải luyện tập, rèn giũa kỹ năng để gặp bất cứ tác phẩm nào, ngữ liệu nào thì các em cũng có thể làm được.
Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, giáo viên môn Ngữ Văn Trường THPT Nguyễn Huệ, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, quy định này không mới và đã được nhà trường áp dụng 2 năm nay.
Trước đây, khi dạy chương trình cũ, để học trò hiểu nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, giáo viên lấy ngay văn bản đã học để kiểm tra. Nhưng, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 cách dạy phải thay đổi để học trò nắm đặc trưng thể loại, kỹ năng đọc, viết, nói, nghe. Giáo viên không lấy văn bản đã học để ra đề mà chỉ lấy văn bản tương đương mà các em chưa học”, cô Hiền chia sẻ.
Khi bắt đầu thay đổi phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo chương trình mới, cô Hiền không khỏi lo lắng vì lâu nay dạy nội dung nào thì kiểm tra nội dung đó. “Tuy nhiên, sau học kỳ đầu tiên giáo viên bắt đầu quen và cảm thấy thích thú với cách dạy này”.
Không chỉ giáo viên mà ngay học sinh cũng có sự thay đổi. Với học sinh học chương trình mới, các em tích cực, chủ động hơn, phát huy tính sáng tạo, không còn tình trạng học vẹt, học tủ. Trước đây các em học theo kiểu ghi nhớ, nghe văn hay nhưng không phải là văn của cháu mà do đọc sách, đọc bài của giáo viên. Với cách kiểm tra mới, các em hiểu thế nào về đặc trưng thể loại, giọng văn của các em được thể hiện rõ. “Năm học vừa rồi vẫn còn cả học sinh học chương trình cũ và HS theo chương trình mới nên có thể nhìn thấy sự thay đổi rệt”, cô Hiền so sánh.
Tương tự, Trường THCS Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng sớm thay đổi cách dạy học và kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn từ nhiều năm nay. Cô Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng nhà trường đánh giá, sự thay đổi này đã khơi gợi được tình yêu môn Văn trong mỗi học sinh.
“Trước kia học sinh học thuộc lòng chứ không phải làm văn. Bây giờ những tác phẩm trong SGK được các thầy cô khai thác, truyền cảm hứng, khơi gợi cảm xúc. Từ đó, hướng dẫn các con phương khai thác tác phẩm khác. Đó là sự đổi mới lớn và Ngữ văn trở thành môn học mà học sinh phát huy được sự sáng tạo”, cô Hồng nói.
Sự đổi mới này đòi hỏi giáo viên phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua lối mòn. Giờ đây, giáo viên cần phải áp dụng kiến thức của lý luận văn học vào giảng dạy, từ việc khai thác một văn bản trong SGK có thể giúp học sinh khai thác một văn bản khác. “Cách dạy, cách kiểm tra đánh giá này giúp giáo viên, nhất là giáo viên trẻ tìm tòi, sáng tạo nhưng cũng đồng thời tránh được hiện tượng dạy thêm, học thêm vô tổ chức”.
Để không có những "hạt sạn" trong đề Văn
Việc không đưa ngữ liệu SGK vào để thi dù là chủ trương hay nhưng cũng có 2 mặt của nó. Theo thầy Trần Văn Toản, lâu nay tâm lý của cả thầy và trò vẫn là “học gì thi nấy”. Nếu biết tác phẩm trong SGK nằm trong nội dung đề thi, đề kiểm tra thì các em sẽ cố gắng tập trung nghe giảng, đọc thêm tài liệu, suy nghĩ trăn trở về tác phẩm. Trong giờ học cả thầy và trò sẽ nỗ lực phân tích, cảm thụ tác phẩm sâu sắc.
Tuy nhiên, khi ngữ liệu trong SGK không được đưa vào đề thi thì rất có thể xảy ra hiện tượng thầy cô chủ quan, nghĩ tác phẩm không thi nên không dạy hết mình, không trải lòng ra để dạy, thời gian đầu tư cho tác phẩm không nhiều. Tương tự, học sinh có thể nảy sinh tâm lý đối phó. Thầy Toản chia sẻ băn khoăn với tư cách là giáo viên đứng lớp.
Tổ trưởng tổ Ngữ văn, Trường THPT Chuyên Quốc học Huế cho rằng điều này buộc giáo viên văn phải quán triệt các em về phương châm, mục tiêu, cách thức ra đề. Đồng thời trang bị cho học sinh kỹ năng, phương pháp làm bài, đặc trưng thể loại để vào phòng thi gặp bất cứ tác phẩm mới nào cũng có thể vận dụng để làm.
Công văn hướng dẫn của Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các trường tăng cường xây dựng ngân hàng câu hỏi, ma trận đề kiểm tra theo yêu cầu cần đạt của chương trình môn học; chuẩn bị cho học sinh lớp 9 làm quen với định hướng đề thi tuyển sinh vào lớp 10, học sinh lớp 12 làm quen với định hướng đề thi tốt nghiệp THPT.
Thực tế, thời gian qua, đề thi môn Văn kiểm tra định kỳ ở một số nơi để xảy ra tình trạng chọn ngữ liệu có nội dung phản cảm, chưa phù hợp với lứa tuổi, thậm chí chọn sai ngữ liệu. Điều này đòi hỏi các địa phương cần tăng cường tập huấn cho giáo viên về kỹ năng lựa chọn ngữ liệu, đặt câu hỏi, kỹ năng ra lệnh hỏi chuẩn xác, phù hợp với form văn hóa, chuẩn mực yêu cầu mà Bộ GD-ĐT đề ra. Thầy Toản cho rằng, đề kiểm tra định kỳ nếu không có sự kiểm duyệt chuẩn mực, mạnh ai nấy làm sẽ dễ tạo ra những “hạt sạn” đáng tiếc.
Để đưa ngữ liệu ngoài SGK vào đề thi đòi hỏi người ra đề và phản biện đề phải có chuyên môn vững vàng. Cô Nguyễn Thị Thu Hiền thừa nhận khó khăn này. “Khi nhận đề của giáo viên trong tổ để phản biện, trước đây mình đọc 1-2 lần, còn bây giờ phải đọc thật kỹ 5-7 lần. Thậm chí, mình không chỉ chú ý tới đặc trưng thể loại, ma trận mà còn tiểu sử của nhà văn..., rất vất vả”.
Tuy vậy, theo cô Hiền nếu nhìn theo hướng tích cực thì đây cơ hội để giáo viên tự trau dồi thêm. Điều này đòi hỏi bản lĩnh của người giáo viên.
Để không có những “hạt sạn” trong đề thi, theo cô Vân Hồng, người ra đề phải có trình độ để thẩm thấu ngữ liệu mình sử dụng. Ban giám hiệu, tổ chuyên môn phải sát sao để việc chọn ngữ liệu chuẩn chỉ.
“Cách hay là khi nhà trường chọn SGK A để dạy thì có thể chọn ngữ liệu ở bộ SGK B để ra đề để đảm bảo tính mô phạm, chuẩn chỉ về mặt câu từ. Ngoài ra, chọn ngữ liệu đa dạng từ những tác phẩm chính thống. Ví dụ dạy tác phẩm “Đất rừng phương Nam” nhưng chúng ta có thể lấy ngữ liệu ở đoạn trích khác (không có trong SGK) của cùng tác phẩm này”. Với cách làm này theo cô Hồng sẽ giúp hạn chế được việc chọn ngữ liệu không chuẩn xác./.