Tại Hội thảo về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp chip bán dẫn trong hệ thống các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam vừa được Bộ GD-ĐT tổ chức, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đây là thời điểm, thời cơ quan trọng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn Việt Nam.

Trong bối cảnh đầu tư FDI đang có sự dịch chuyển trên phạm vi toàn cầu, quan hệ quốc tế thay đổi, vị thế của Việt Nam ngày càng được khẳng định, sự chia sẻ trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật… Tất cả điều hội tụ để Việt Nam tạo sự bứt phá trong phát triển trong ngành công nghiệp chip bán dẫn.

Cơ hội này cũng đặt trách nhiệm lên vai toàn bộ hệ thống giáo dục đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đáp ứng nhu cầu của xã hội.

"Để khẳng định giáo dục đại học có thể cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực phát triển công nghệ, kỹ thuật thì đây là cơ hội - nếu chúng ta làm tốt đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực này, sẽ thấy rằng, sự thay đổi lớn của toàn xã hội về hệ thống giáo dục đại học nước ta", ông Sơn nói.

Bên cạnh đó theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, nếu phát triển đào tạo, nghiên cứu trong ngành công nghiệp chip bán dẫn, các chỉ số công bố khoa học, phát minh sáng chế sẽ gia tăng, tiềm lực về khoa học và tiềm lực về đào tạo của hệ thống các trường cũng sẽ tăng. Đây là cơ hội hiện đại hoá hệ thống đại học, đặc biệt là các trường kỹ thuật - công nghệ.

"Vì vậy lãnh đạo Bộ GD-ĐT ý thức sâu sắc trách nhiệm và sứ mệnh của ngành và xác định, đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên số một trong các chỉ đạo chuyên môn của giáo dục đại học, trước hết trong năm 2024 và các năm tiếp sau", ông Sơn khẳng định.

Tuy nhiên Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cũng lưu ý, dù ngành công nghiệp bán dẫn đang hứa hẹn nhu cầu cao, thu nhập cao, yêu cầu cao... nhưng phải đào tạo với tinh thần chất lượng cao. Đặc biệt không nên xem việc đào tạo nhân lực lĩnh vực này như "phong trào", ồ ạt tuyển sinh, đào tạo mà phải có kế hoạch, có lộ trình, bài bản, chắc chắn.

Đây là ngành mới, chúng ta không thể phát triển bằng kinh nghiệm cũ, thói quen cũ, cách làm cũ; phải có cách làm, tầm nhìn thực sự mới mẻ.

Về phía Bộ GD-ĐT, ông Sơn khẳng định sẵn sàng ban hành Thông tư, quy chế đặc biệt để thu hút chuyên gia, liên kết đào tạo, sử dụng chung chương trình, hợp tác, chuyển giao chương trình của nước ngoài…

"Bộ GD-ĐT, sẽ chuẩn bị về thể chế, luật chơi, cái gì làm được sẽ làm ngay. Trong đó, chủ trì xây dựng một kế hoạch để phát triển, có một bộ phận điều phối về cả nhân lực chung, cơ sở vật chất chung, thậm chí cần chia sẻ chương trình đào tạo với nhau để giảm bớt thời gian biên soạn chương trình. Bộ sẽ chỉ đạo để trong thời gian sớm nhất hoàn thành chuẩn chương trình đào tạo cho các nhóm ngành đào tạo này. Các đơn vị tổ chức xây dựng chương trình, phê duyệt chương trình theo cơ chế đặc biệt. Nhưng phải đảm bảo niềm tin về chất lượng, không thể bỏ quan yêu cầu về chất lượng", Bộ trưởng nói.

Ông Sơn cũng mong các doanh nghiệp truyền cảm hứng cho học sinh và phụ huynh, mùa tuyển sinh sắp tới các trường cũng tích cực quan tâm trong tư vấn tuyển sinh.

Trong dịp này, 5 cơ sở Giáo dục Đại học gồm ĐHQG Hà Nội, ĐHQG Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Đà Nẵng, Đại học Bách khoa Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cùng ký kết biên bản hợp tác liên minh nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh, thống nhất kế hoạch hành động cùng các cơ sở Giáo dục Đại học Việt Nam để sẵn sàng đảm bảo, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ nhu cầu phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Biên bản cũng nhằm thúc đẩy nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo để hợp tác hiệu quả với doanh nghiệp bán dẫn trong chuỗi giá trị chip bán dẫn toàn cầu từ nay đến 2030, tầm nhìn đến 2045; thống nhất đề xuất cơ chế, chính sách với Chính phủ để phát triển số lượng người học, tạo dựng đội ngũ chuyên gia về bán dẫn trong các cơ sở Giáo dục Đại học.

Theo báo cáo của Đại học Đà Nẵng, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử, bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao.

Hiện, có khoảng 5.000 người thiết kế vi mạch đến từ các trường đại học kỹ thuật; nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó sinh viên tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30% (bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sỹ, tiến sỹ).

Theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này trong 5 năm tới khoảng 20.000 người; 10 năm tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên./.