Được lựa chọn môn học ở cấp THPT tưởng như là lợi thế rất lớn cho học sinh theo học Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018, nhưng những gì diễn ra dường như lại trái ngược với mong muốn đó khi học sinh, phụ huynh đang lạc vào “ma trận” của các tổ hợp môn học.

Sau 3 năm triển khai, chọn tổ hợp môn vẫn chật vật

Chưa rõ con có thế mạnh gì thì chọn môn học như thế nào?; Có nên chọn những môn học dễ đạt điểm cao khi thi tốt nghiệp hay không?; Lựa chọn rồi, sau một thời gian nhận thấy không phù hợp thì có thay đổi được hay không?; Nhà trường có điều kiện tổ chức dạy học theo tất cả các lựa chọn khác nhau của học sinh hay không?... Đây là những câu hỏi mà các giáo viên thường gặp khi tư vấn lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10.

Theo thầy Nguyễn Khánh Chung, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Ban Mai, dù đã triển khai đến năm thứ 3 nhưng việc lựa chọn tổ hợp môn học vẫn còn rất vất vả với cả phụ huynh và học sinh.

Nguyên nhân theo thầy Chung là học sinh chưa được hướng nghiệp cho dù việc lựa chọn tổ hợp là để học sinh được học theo định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân. Đáng chú ý là nhiều gia đình chỉ tập trung ôn luyện vào lớp 10 với 3 môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh mà chưa quan tâm đến những đặc điểm và thế mạnh riêng của học sinh.

Những năm gần đây việc cạnh tranh để có một chỗ học trong trường THPT công lập vô cùng khó khăn. Hàng năm, Hà Nội chỉ đáp ứng được khoảng 60%-70% chỗ học cho HS tốt nghiệp THCS. Chính vì sự khốc liệt này mà HS và cha mẹ tập trung tối đa vào luyện thi các môn thi theo quy định.

Tại các trường THCS, nguồn lực về giáo viên, chương trình cũng tập trung tối đa cho mục tiêu thi vào 10. Do đó, các hoạt động hướng nghiệp ít được quan tâm, học sinh không có những cơ hội trải nghiệm để phát hiện những tiềm năng, đam mê và năng lực nổi trội của mình; không được tư vấn 1-1 để hiểu rõ bản thân và lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp. Trong khi đó, đây lại là dữ liệu đầu vào quan trọng để lựa chọn các môn học”, thầy Chung nói.

Ngoài ra, công tác tham vấn hướng nghiệp ở các trường THCS hiện nay chưa làm tốt. Bởi, không có nhân sự chuyên trách, giáo viên làm công tác này thường không có chuyên môn sâu, nhà trường chưa coi trọng và đầu tư hoạt động tham vấn hướng nghiệp.

Khi chọn tổ hợp để... thi

Thầy Nguyễn Thành Công, giáo viên môn Sinh học, Trường THPT chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội cũng cho rằng, nhiều phụ huynh và học sinh chưa nắm bắt được tinh thần Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nên bỡ ngỡ khi chọn tổ hợp môn.

“Khi đăng ký vào cấp 3, nhiều gia đình chỉ cần nghe cái tên trường nổi là đăng ký còn không quan tâm năm học tới nhà trường sẽ có những tổ hợp môn nào. Khi nhập học mới ngã ngửa trường chỉ có "combo" gồm những môn này dù trên lý thuyết học sinh có thể chọn tự do”.

Theo tinh thần của Chương trình GDPT 2018, ngoài 8 môn bắt buộc, học sinh được tự do lựa chọn 4 môn/9 môn. Nếu HS tự do lựa chọn thì có đến 126 tổ hợp khác nhau. Tuy nhiên, không trường THPT nào hiện nay đáp ứng được số lựa chọn lớn như vậy.

Việc xây dựng các tổ hợp môn phụ thuộc vào cơ sở vật chất, nhân sự của từng trường. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều trường phải xé lẻ các tổ hợp mà không hình thành được các tổ hợp toàn vẹn. Theo thầy Nguyễn Thành Công, đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến phụ huynh khó lòng chọn được một tổ hợp toàn vẹn cho mục tiêu của con mình.

Đồng tình với quan điểm của thầy Nguyễn Thành Công, thầy Nguyễn Khánh Chung cho rằng, chính vì số tổ hợp có giới hạn nên cha mẹ và HS thường phải cân nhắc để lựa chọn tổ hợp nào phù hợp nhất, có triển vọng đỗ đại học nhất.

Việc các trường đại học (mặc dù đã có nhiều phương thức xét tuyển đại học) đưa ra các nhóm bộ môn để tuyển sinh cũng ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn môn.

Tâm lý chỉ cần đỗ ĐH vẫn còn khá phổ biến nên nhiều HS lựa chọn những môn học thi dễ đạt điểm cao mà không chọn những môn học cần thiết để phục vụ mục tiêu phát triển nghề nghiệp bản thân sau này. Minh chứng cho việc này là những năm gần đây, số lượng HS đăng ký thi tổ hợp KHTN luôn ít, trong khi đó đa số (khoảng trên 60%) đăng ký thi các tổ hợp KHXH. Điều này ảnh hưởng đến cơ hội nghề nghiệp sau này của các bạn trẻ, nguồn lao động thiếu sức cạnh tranh, thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, kỹ thuật - công nghệ, khoa học cơ bản,...

Theo thầy Nguyễn Khánh Chung việc chọn tổ hợp môn thiên về thi cử sẽ đi chệch hướng chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nếu đó là việc lựa chọn không có cơ sở, chọn môn dễ mà không xác định gắn với mục tiêu hoặc định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Tuy nhiên, nếu xuất phát từ định hướng nghề nghiệp bài bản, HS đã xác định được mục tiêu học tập, chọn môn để thi cử cũng phù hợp với năng lực, đam mê, định hướng nghề nghiệp của bản thân thì lại đúng với tinh thần của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Ở đây tôi nhấn mạnh quy trình: Xác định được định hướng nghề nghiệp của bản thân -> Chọn trường đại học/trường nghề đào tạo phù hợp -> xác định được mục tiêu học tập -> lựa chọn môn học -> Học để thi cử đồng thời thực hiện mục tiêu”, Hiệu trưởng THCS&THPT Ban Mai chia sẻ.

Cần hướng nghiệp từ sớm

Một trong những điều khiến phụ huynh “đau đầu” không kém đó là nếu lựa chọn sai tổ hợp môn thì cuối năm học mới được chọn lại. Điều đó ảnh hưởng đến việc “khởi động” lại môn học mới cũng như có thể ảnh hưởng đến quá trình xét tuyển ĐH sau này. Tại trường THPT Ban Mai trong 2 năm vừa qua có 2-3 trường hợp học sinh xin đổi môn lựa chọn. Theo thầy Chung, nhà trường đã tổ chức ôn tập, bổ sung kiến thức để HS có thể chuyển đổi.

"Để hạn chế việc đổi môn lựa chọn, chúng tôi coi trọng công tác hướng nghiệp, tham vấn và hướng dẫn để cha mẹ, học sinh phân tích kỹ trước khi lựa chọn. Nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi tư vấn, workshop về nội dung này để cung cấp thông tin cho cha mẹ học sinh".

“Chúng ta thường nghĩ công tác định hướng nghề nghiệp chỉ thực hiện khi học sinh lên cấp THPT, nhưng đó là suy nghĩ sai lầm”, thầy Nguyễn Khánh Chung nói.

Theo thầy Chung, hướng nghiệp cần được thực hiện ở cấp THCS, thậm chí Tiểu học với những hình thức phù hợp. Khi được định hướng nghề nghiệp tốt, việc lựa chọn môn học và học tập của HS ở cấp THPT trở nên có mục tiêu, đường đi rõ ràng và hiệu quả hơn.

“Để làm tốt công tác hướng nghiệp, cần thực hiện trên 3 phương diện: Kiến thức về thế giới nghề nghiệp, trải nghiệm hướng nghiệp và tham vấn hướng nghiệp. Việc này sẽ giúp HS hiểu được bản thân, nhận biết được sự phù hợp của bản thân với lĩnh vực nghề nghiệp nào, có mục tiêu và lộ trình học tập rõ ràng. Khi có mục tiêu, việc học sẽ hiệu quả và nhẹ nhàng hơn”.

Với mục tiêu xét tuyển vào những ngành “hot” ở ĐH, nhiều HS, phụ huynh đã lựa chọn tổ hợp môn có môn xét tuyển ĐH ngay từ lớp 10. Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Ban Mai cho rằng, ngành “hot” chỉ có ý nghĩa tương đối. Hôm nay hot nhưng có thể học xong đại học thì không còn hot nữa. Hơn nữa, ngành hot nhưng HS không có năng lực, không có đam mê thì theo đuổi cũng sẽ không thành công.

Điều quan trọng là hiểu rõ năng lực và thế mạnh của bản thân, có phân tích và thông tin về xu hướng nghề nghiệp tương lai, nhu cầu của xã hội từ đó chọn ngành phù hợp với HS, xác lập mục tiêu và lộ trình học tập rõ ràng sẽ mang đến cơ hội thành công, sự phát triển và hạnh phúc.

Để lựa chọn tổ hợp môn lớp 10 phù hợp, thầy Nguyễn Khánh Chung cho rằng, phụ huynh cần thảo luận thẳng thắn với con. Làm rõ mong muốn và nguyện vọng của con, khả năng hỗ trợ của gia đình. Phân tích và xác định được thế mạnh về năng lực và sở thích của HS trên cơ sở khoa học (có thể dùng một số bài test như Mật mã Holland, trắc nghiệm MBTI). Nếu có điều kiện, có thể tham khảo ý kiến tư vấn của chuyên gia để xác định lĩnh vực nghề nghiệp phù hợp. Tìm hiểu xu hướng nghề nghiệp tương lai (5 năm sau), tìm hiểu ngành đào tạo, trường đào tạo và tiêu chí đầu vào của các trường Đại học cho các ngành học. Đồng thời, lựa chọn môn tổ hợp đáp ứng các tiêu chí đầu vào của ngành đào tạo phù hợp trong các trường đại học, xác lập mục tiêu học tập.

Theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, học sinh lớp 10 sẽ phải học 8 môn bắt buộc bao gồm Ngữ văn; Toán; Ngoại ngữ 1; Lịch sử; Giáo dục thể chất; Giáo dục quốc phòng và an ninh; Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp và Giáo dục địa phương.

Ngoài ra, các em phải lựa chọn 4 môn trong 9 môn học bao gồm: Địa lý; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mỹ thuật. Đồng thời, lựa chọn các chuyên đề học tập khác nhau.

Nghe chương trình tại đây: