Từ năm học 2022 - 2023, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã chính thức áp dụng đối với cấp THPT. Về lý thuyết, học sinh được chọn các môn học cho tổ hợp. Nhưng trên thực tế, việc xây dựng tổ hợp phụ thuộc vào cơ sở vật chất cũng như nhân sự hiện có của các trường THPT nên hầu như các nhà trường đều xây dựng sẵn các tổ hợp để học sinh lựa chọn.

Thời điểm này, các địa phương trên cả nước đang gấp rút chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Cùng với việc ôn tập, điều khiến nhiều phụ huynh, HS quan tâm là lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp.

Lãnh đạo một trường THCS ở Hà Nội cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có tính chất liên thông. Tuy nhiên với lứa học sinh lớp 9 năm học này vẫn đang học theo chương trình THCS hiện hành (chương trình 2006). Do đó, nhà trường vẫn tổ chức dạy đều các môn và dạy kiến thức bổ sung liên quan đến những môn học ở lớp 10 để tạo bước đệm cho học sinh khi bước sang chương trình mới ở cấp THPT.

Thời điểm này, mục tiêu của nhà trường là ôn tập để học sinh đỗ vào cấp 3. Còn việc tư vấn, định hướng lựa chọn tổ hợp môn học khi vào lớp 10 nằm trong định hướng chung, việc chọn tổ hợp còn có “mục đích kép”, tầm nhìn đến lớp 12 theo định hướng ngành nghề, liệu các trường ĐH - CĐ có tổ hợp xét tuyển phù hợp với học sinh THPT hay không.

“Chúng tôi luôn khuyên học trò chọn theo môn sở trường, môn mà các em yêu thích phù hợp mục tiêu sau này”.

Việc lựa chọn tổ hợp môn ở lớp 10 rất quan trọng vì sẽ gắn bó với học sinh suốt 3 THPT. Lựa chọn những môn học phù hợp sẽ giúp học sinh phát huy được thế mạnh. Ngược lại, nếu lựa chọn chưa hợp lý, buộc phải chuyển tổ hợp thì sẽ rất phức tạp.

Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong trường hợp đặc biệt, học sinh có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập thì việc chuyển đổi chỉ được thực hiện vào cuối năm học. Hơn nữa, học sinh, phụ huynh muốn chuyển đổi tổ hợp không phải nhà trường nào cũng có thể đáp ứng được.

Cho học sinh “học thử” tổ hợp môn tự chọn

Với chương trình Giáo dục phổ thông mới, sau một thời gian học tổ hợp môn đã lựa chọn ở lớp 10, nếu có nguyện vọng chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập, hiệu trưởng sẽ xem xét quyết định và báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo. Các trường sẽ tổ chức cho các em chuyển đổi môn ở học kỳ hè. Tuy nhiên, việc chuyển đổi đồng nghĩa học sinh phải tự bổ sung kiến thức của chương trình môn học mới. Đây là điều khiến nhiều phụ huynh lo lắng nếu đưa ra lựa chọn chưa phù hợp.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội gần hết năm học đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, một tỷ lệ nhỏ học sinh lớp 10 có nguyện vọng đổi tổ hợp môn bởi với HS lớp 9 việc đưa ra quyết định tổ hợp môn gắn bó suốt 3 năm THPT không phải là điều dễ dàng.

Với lợi thế của trường liên cấp, nhà trường tổ chức những buổi giới thiệu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho cha mẹ và HS lớp 9, trường tư vấn giúp HS nhận diện được năng lực của mình, chia sẻ mong muốn, sở thích. Từ đó, thầy cô, HS và cha mẹ cùng thảo luận để lựa chọn môn học phù hợp ở cấp THPT.

Bên cạnh các buổi tư vấn, Trường Lương Thế Vinh còn tổ chức cho HS "học thử" 1 tháng trước khi chính thức đăng ký lại, chốt môn học tự chọn.

Tương tự, tại Trường THCS&THPT Đoàn Thị Điểm, Hà Nội ngay từ cấp 2, học sinh đã được giáo dục định hướng nghề nghiệp. Từ đó, giúp học sinh nhìn nhận về năng lực, sở trường của mình phù hợp với nhóm môn học nào.

Cô Vũ Thị Phương Anh, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hệ thống dân lập được học trước 1 tháng. Đây là khoảng thời gian "co giãn" để HS lớp 10 làm quen với các tổ hợp môn, chuyên đề học tập trước khi chính thức quyết định chốt môn học lựa chọn.

Theo cô Phương Anh, năm học 2022-2023, nhà trường tuyển 500 HS lớp 10 nhưng sau 1 tháng “học thử”, có 40-50 em quyết định điều chỉnh tổ hợp môn học.

Do đó, gần hết năm học này, chỉ vài học sinh có nguyện vọng đổi môn học tự chọn, chủ yếu ở ban A (Lý-Hóa-Sinh) có nhu cầu chuyển sang ban D (Địa-Giáo dục công dân). Theo Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Thị Điểm, khi chuyển đổi tổ hợp môn, dù các em không học Địa – Giáo dục công dân suốt một năm học nhưng gia đình khẳng định sẽ nhờ thầy cô hỗ trợ để vẫn theo được khi lên lớp 11.

Căn cứ nào để chọn môn học?

Tư vấn chọn tổ hợp môn học theo cô Phương Anh là một bài toán khó. Bởi, với hệ thống liên cấp thì khối THCS&THPT có thể phối hợp để tư vấn cho học sinh. Tuy nhiên, với những trường mà khối THCS và THPT tách riêng thì cần sự vào cuộc của cấp quản lý, ngay từ cấp 2 đã có hoạt động hướng nghiệp.

Nhiều trường cấp 2 vẫn “căng thẳng” để các con thi tuyển vào trường nào mà chưa có định hướng rõ ràng trong lựa chọn tổ hợp. Nếu trường cấp 3 làm tốt công tác tư vấn thì phụ huynh và học sinh thuận lợi, còn nếu “ào ào xếp lớp thì sẽ xảy ra chuyện “bước chân đi cấm kỳ trở lại” hoặc thay đổi tổ hợp môn sau một năm học”, cô Phương Anh cho biết.

Mặc dù tư vấn là nhiệm vụ của các trường nhưng lựa chọn cuối cùng là do phụ huynh và học sinh. Cô Phương Anh khuyên cha mẹ và học sinh nên căn cứ vào năng lực, ý thích của con, căn cứ vào nhu cầu của xã hội, truyền thống của gia đình... để chọn môn học phù hợp.

Trong chuyện chọn tổ hợp môn học, có những trường hợp cha mẹ và học sinh không thống nhất được với nhau. Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, cha mẹ cần lắng nghe ý kiến chính con mình vì các em là người biết rõ về mình nhất. Nếu cha mẹ áp đặt những điều kiện vượt quá năng lực của con thì không những không giúp các con chọn môn phù hợp mà còn khiến con khó hoàn thành tốt nhiệm vụ học tập”.

Hiệu trưởng trường Lương Thế Vinh cũng đề xuất, các trường THCS kết hợp với trường THPT tổ chức những buổi trải nghiệm “một ngày là học sinh THPT”, để học sinh lớp 9 được “học thử” các tổ hợp môn tự chọn. Đây cũng là cách để nhận biết được năng lực và sự hấp dẫn của môn học ở cấp THPT.