Luật sư Trần Xuân Tiền – Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội mở văn phòng luật đã 20 năm. Từ đó đến giờ, luật sư Trần Xuân Tiền đã tham gia rất nhiều vụ án lớn, nhỏ, cả hình sự lẫn dân sự và đã có những kỉ niệm đáng nhớ. Một trong số đó là khi ông tham gia bảo vệ cho thân chủ ở thành phố Huế. Đến giai đoạn phúc thẩm, do hoàn cảnh khó khăn nên thân chủ này không thể nhờ sự trợ giúp của luật sư nữa. Tuy nhiên, luật sư Trần Xuân Tiền vẫn theo sát vụ án và cung cấp cho thân chủ của mình những kiến thức, kinh nghiệm để tự bảo vệ trước Tòa. Một phần nhờ vào sự giúp đỡ ấy, Tòa án phúc thẩm đã tuyên hủy bản án của Tòa sơ thẩm như một sự minh oan cho vị thân chủ này. Điều này cho thấy ngoài việc bảo vệ thân chủ, luật sư còn có thể truyền cảm hứng, kiến thức, trợ giúp pháp lý để họ tự bảo vệ mình.

Văn phòng của luật sư Trần Xuân Tiền hiện đang có 10 người, mỗi người lại đến với ngành luật vì lý do khác nhau: Để theo đuổi công lý; đam mê bảo vệ lẽ phải; để giúp đỡ những người yếu thế, không hiểu luật. Hay có trường hợp học văn bằng 2 ngành luật để bổ trợ cho văn bằng thứ nhất nhưng rồi lại được truyền cảm hứng và thấy đam mê với ngành luật.

Tuy nhiên, muốn theo nghề luật sư, sau khi tốt nghiệp cử nhân ngành luật, phải mất 1 năm học lớp đào tạo nghề luật sư của Học viện Tư pháp và 1 năm để tập sự tại tổ chức hành nghề luật sư. Kiến thức luật thì mênh mông, vô vàn. Vì thế không phải ai cũng có thể theo đuổi con đường này đến cùng.

"Người theo đuổi nghề luật sư cần có đầy đủ các tiêu chuẩn được quy định trong Luật Luật sư. Bên cạnh đó, luật sư cần có đạo đức, tư duy logic và chuyên môn sâu, luôn luôn nâng cao kỹ năng hành nghề." - Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Văn Hướng – Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội, đồng thời là giảng viên thỉnh giảng Khoa Đào tạo luật sư, Học viện Tư pháp nhấn mạnh.

Không chỉ vậy, luật sư còn phải có trách nhiệm và cống hiến cho xã hội bằng cách tham gia hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí, tuyên truyền pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các phiên tòa giả định... để người dân tìm hiểu thêm về pháp luật.

Hơn nữa, theo luật sư Trần Xuân Tiền, đó chưa phải là khó khăn cuối cùng: "Luật sư phải tự tìm kiếm khách hàng, tự lo kinh tế, không có bất kì khoản bảo trợ nào nên phải đi lên bằng chính trí tuệ của mình. Nghề luật sư đang bị cạnh tranh khốc liệt, nhất là AI có thể tư vấn nhanh như 1 nhân viên ảo. Điều đó không hề dễ."

Nhắc đến luật sư, nhiều người nghĩ ngay đến hình ảnh luật sư mặc những bộ vest chỉn chu tham gia các phiên tòa, tranh tụng để bảo vệ quyền lợi cho thân chủ. Tuy nhiên, luật sư còn có nhiều việc hơn thế.

"Nghề luật sư hoạt động không hạn chế về không gian, thời gian, có thể hành nghề trong nước, thậm chí ra nước ngoài. Luật sư không hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, lĩnh vực. Trước kia người ta nói luật sư đồng nghĩa với thầy cãi nhưng khi xã hội phát triển luật sư có rất nhiều việc: tham gia tư vấn pháp luật; đại diện ngoài tố tụng; tham gia tranh tụng và các dịch vụ pháp lý khác như thu hồi nợ, tư vấn, đại diện cho doanh nghiệp, đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp… Tất cả những hoạt động xã hội cần luật sư, luật sư đều có quyền tham gia." - Luật sư Trần Xuân Tiền cho biết.

Xã hội càng phát triển, các mối quan hệ càng phức tạp và nhu cầu đòi hỏi phải có luật, tuân thủ luật và có những người trợ giúp về pháp luật là những nhu cầu tất yếu và chính đáng. Vì thế, ngày càng nhiều người tìm đến các văn phòng luật sư, công ty luật khi có nhu cầu và ngành luật trở thành ngành “hot” Tuy nhiên luật sư Trần Xuân Tiền cho rằng: "Ở Việt Nam, luật sư không sung sướng, màu hồng như mọi người nghĩ. Nhưng nếu luật sư giỏi thì chắc chắn không thể nghèo, còn giàu thì chưa biết."

Ngoài nghề luật sư, Thạc sĩ, Luật sư Hoàng Văn Hướng cho biết sau khi tốt nghiệp cử nhân luật, sinh viên có thể làm được nhiều công việc khác như thẩm phán, thư ký tòa, điều tra viên, kiểm sát viên, giảng viên luật, công chứng viên, thừa phát lại, hoặc làm pháp chế trong các doanh nghiệp, cơ quan tổ chức...

Theo luật sư Hoàng Văn Hướng, các bạn trẻ hiện nay rất thông minh, rất giỏi, nhiều cơ hội hơn so với thế hệ trước nhưng các bạn còn hơi chủ quan, hơi lười tư duy, không chọn được đích, không đưa tâm vào giải quyết vấn đề. Vì thế, việc đầu tiên các bạn cần làm nếu muốn theo học ngành luật là chọn một cái đích (làm luật sư tốt hay công chứng viên tốt...). Sau khi hoàn thành chương trình cử nhân luật, nắm chắc cơ sở lý luận về học thuật, các bạn cần cố gắng rèn luyện để mở rộng vốn hiểu biết, đồng thời luôn luôn để tâm vào công việc.

"Nếu các bạn quyết tâm, tôi cho là việc học ngành luật hay theo nghề luật sư sẽ không quá khó với các bạn." - Luật sư Hoàng Văn Hướng khẳng định.

Tính đến ngày 31/12/2024, số lượng thành viên của Liên đoàn Luật sư Việt Nam là gần 19.800 người, tăng hơn 1.700 người so với năm 2023.

Để trở thành Luật sư thì điều kiện tiên quyết là phải có bằng Cử nhân Luật. Với những người theo học hệ đào tạo chính quy, tùy chương trình học của mỗi người sẽ mất khoảng 3,5 - 4 năm học tại trường. Với những người học hệ văn bằng 2 chính quy thì cũng mất từ 2 - 2,5 năm. Hệ đào tạo từ xa, liên thông hay tại chức cũng tương tự.

Sau khi có bằng Cử nhân Luật, phải đăng ký lớp đào tạo nghề Luật sư của Học viện Tư pháp. Thời gian đào tạo là 01 năm. Sau đó, bạn phải mất 01 năm đi tập sự nghề luật sư tại tổ chức hành nghề luật sư theo quy định. Sau khi tập sự, bạn phải thi kết thúc tập sự và chờ cấp chứng chỉ hành nghề. Đề thi kiểm tra thường sẽ bao gồm 2 phần là thi viết và thi thực hành, nội dung xoay quanh các kỹ năng hành nghề như tư vấn pháp luật, kỹ năng tham gia tố tụng. Ngoài ra, người học còn phải học thật kỹ những quy định của pháp luật về luật sư và hành nghề luật sư, những quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp mà một luật sư tại Việt Nam phải nghiêm chỉnh chấp hành.