Nguyên tắc không sử dụng điện thoại khi đang sạc pin đúng trong mọi trường hợp

Theo anh Bùi Đình Tiệp, chuyên viên kỹ thuật của Trung tâm Sửa chữa điện thoại 24h vừa sạc vừa dùng điện thoại (trong đó có việc học online) khiến dòng điện không ổn định, bị chập chờn. Nếu dây sạc bị đứt gập trước đó mà người sử dụng không chú ý có thể dẫn đến cháy nổ ĐT. Các dòng điện thoại thông minh hiện nay đều là dòng pin lithium - pin nén, khi phát nổ rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến người sử dụng điện thoại trực tiếp và người bên cạnh. Do vậy, khi màn hình điện thoại báo pin đã ở ngưỡng yếu, dưới 20% hoặc dưới 10%, lúc đó điện thoại bắt buộc phải dừng hoạt động để sạc cho đủ dung lượng.

Lưu ý những dấu hiệu thiếu an toàn

Điện thoại sử dụng quá lâu không bảo dưỡng, không thay pin là một trong những nguyên nhân quan trọng gây cháy nổ. Cũng như mọi thiết bị khác, điện thoại có độ bền nhất định. Theo anh Tiệp, trong quá trình sử dụng nếu thấy hao pin nhanh, nóng máy, phải đi kiểm tra ngay, không được cố dùng. Bên cạnh đó, trong quá trình sử dụng, cần để ý hai đầu dây của cáp sạc có bị toét ra không, có sắp bị đứt không? Gặp trường hợp như vậy phải thay dây ngay. Ngoài ra, củ sạc điện thoại cắm vào ổ điện phải thật sự chắc chắn và cố định, không được chập chờn.

Làm rơi điện thoại thường xuyên, điện thoại bị cong vênh: cẩn thận cháy nổ

Khi điện thoại bị rơi nhiều lần, các linh kiện bên trong sẽ bị xáo trộn, đặc biệt là pin. Cục pin được gắn trên khung máy, do vậy khi bị rơi có thể khiến các cáp chân pin bị hở, rò điện ra. Trong quá trình sạc điện thoại, nếu các chân pin đó chạm vào thành máy sẽ có cảm giác tê tê ở tay khi chạm vào. Đây là một trong những dấu hiệu máy đang bị rò điện, rất nguy hiểm. Ngoài ra, nếu điện thoại bị biến dạng, cong vênh cần đi kiểm tra ngay.

Học online, lưu ý bảo vệ mắt

- Nghỉ giải lao sau mỗi 30-45 phút giúp mắt thư giãn.

- Nếu không gian làm việc quá sáng do có ánh sáng từ bên ngoài, áp lực lên mắt có thể đạt mức tối đa, gây đau mắt và các vấn đề thị lực khác. Bạn nên điều chỉnh ánh sáng phù hợp.

- Bạn nên đặt thiết bị điện tử ngang bằng hoặc thấp hơn tầm mắt một chút. Điều này giúp giảm áp lực lên mắt. Luôn giữ thiết bị cách mắt 50 -100cm.

- Nên chớp mắt thường xuyên hơn để giúp giữ ẩm cho mắt và ngăn các triệu chứng khô mắt. Hãy tạo thói quen chớp mắt 10 - 20 lần/phút để giảm áp lực cho mắt.