Làng Chàng Sơn, xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, TP Hà Nội là làng nghề nổi tiếng từ hàng nghìn năm nay. Tên làng nghề ngày xưa là Nủa Chàng, chữ "chàng" ở đây chỉ tên một dụng cụ để làm nghề mộc. Đến năm 1956, làng Nủa Chàng được gọi là Chàng Sơn. Cho đến nay, người dân Chàng Sơn không ai biết nghề Mộc có từ khi nào, chỉ biết rằng theo truyền thuyết nghề có từ thời vua Hùng dựng nước.
Chàng Sơn là một trong những làng nghề lâu đời nhất nước ta, trải qua hàng nghìn năm, người dân Chàng Sơn vẫn giữ nghề và đưa nghề ngày càng phát triển. Sản phẩm của làng nghề đã chiếm lĩnh các thị trường lớn trên toàn quốc, đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm mộc của hàng chục làng nghề khác. Nơi đây chính là cái lò đã cho ra đời những bộ tràng kỷ, tràng niên hay nhiều công trình kiến trúc đình, chùa, miếu mạo. Sự tài hoa, khéo léo của người thợ Chàng Sơn đã mang đậm dấu ấn ở nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng của nước ta. Từ cổ xưa, các cụ đã làm đền thờ, thờ thánh Tản Viên và sau nữa là làm chùa Tây Phương là di tích quốc gia đặc biệt, với hơn 70 pho tượng, trong đó có 18 pho tượng La Hán. Sau đó, thợ Chàng Sơn cùng với thợ Trung Quốc sang Bắc Kinh làm Thiên An Môn. Cách đây khoảng 20 năm, thợ Chàng Sơn đã phục chế một số công trình văn hóa cơ bản của thành phố Hà Nội như Khuê Văn Các của Văn Miếu Quốc Tử Giám, chùa Hà, chùa Bạch Mã và rất nhiều ngôi chùa cổ đã được thợ Chàng Sơn sửa chữa, tôn tạo.
Làng nghề Chàng Sơn khác biệt với các làng nghề mộc khác về tài ghép mộng. Các mối ghép mộng của làng rất kín, sắc nét, đặc biệt là về đồ trường kỷ, bàn ghế gỗ cao cấp và các loại nhà gỗ được khách hàng đánh giá rất cao. Để tạo ra một tác phẩm, người thợ mộc làng Chàng Sơn trải qua rất nhiều công đoạn, chủ yếu làm thủ công. Từ vẽ ý tưởng trên giấy rồi đưa lên khung, hình, kích thước chuẩn và công đoạn đục đẽo tỉ mỉ sao cho từng đường nét sống động. Mỗi tác phẩm thường được làm qua nhiều ngày, nhiều tháng, thậm chí công phu cả năm mới hoàn thành.
Theo KTS Nguyễn Giang ở làng Chàng Sơn, các nghệ nhân không chỉ phải rất kiên trì bền bỉ mà còn phải có sự sáng tạo: Tôi quan niệm, những vốn cổ của các cụ như một kiến thức nền. Là một người thợ chạm khắc hoa văn, tôi quan niệm những đường nét từ họa tiết mây hay những cái lá, những bông hoa... là những vốn cổ mà các cụ để lại, giống như các nốt nhạc. Tôi dùng những nốt nhạc đó để tạo ra hoa văn riêng cho mình.
Các sản phẩm mộc Chàng Sơn luôn được đánh giá cao bởi sự vượt trội về độ tinh xảo, tỉ mỉ đối với chạm khắc hoa văn cũng như vẻ độc đáo hoành tráng… Các kỹ thuật làm mộc cổ xưa cũng đang dần được thay bằng các máy móc thiết bị hiện đại hỗ trợ, mang đến độ chính xác cao và thời gian thi công được rút ngắn lại. Dù có lúc, nghề mộc Chàng Sơn từng có nguy cơ mai một, thế nhưng các thế hệ của làng nghề luôn nối tiếp nhau duy trì nghề cha ông để lại, gắn bó và say mê làm nghề. Sự nối tiếp ấy là mạch nguồn để thế hệ sau tiếp nối thế hệ trước, đưa sản phẩm mộc Chàng Sơn luôn luôn chiếm một vị trí trong lòng người Việt.
Những nghệ nhân, thợ đục làng nghề Chàng Sơn vẫn đang bền bỉ bám trụ, nhiệt huyết với nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống. Mỗi một tác phẩm chạm khắc không chỉ tinh xảo mà còn ẩn chứa những câu chuyện, ý nghĩa đẹp khác nhau. Đây cũng chính là điều khiến cho các sản phẩm của làng nghề mộc Chàng Sơn ngày càng phát triển và đáp ứng được thị hiếu của người dân.