Chi vài chục đến hàng trăm triệu đồng để học chứng chỉ tiếng Anh
“Học đến khi nào đạt 7.0 thì thôi”, đó là cam kết của một trung tâm tiếng Anh tại Hà Nội khi đưa ra mức phí gần 40 triệu sau khi trừ các ưu đãi theo nhiều hình thức như tiền mặt, chuyển khoản... thậm chí cả trả góp.
Nhưng học sinh, phụ huynh muốn sớm có chứng chỉ xét tuyển vào các trường "top" thường không đủ kiên nhẫn chỉ theo 1 trung tâm duy nhất "cho tới khi đạt".
Nguyễn Minh H., học sinh lớp 11 của một trường THPT công lập tự chủ tại Hà Nội. Em chọn trường này với lý do chương trình đào tạo của nhà trường có học luyện thi chứng chỉ IELTS. Tuy nhiên, khi vào học thực tế, em và gia đình nhận thấy nếu chỉ học bằng hình thức đại trà, kết quả thi chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thường chỉ ở mức 5 đến 5.5. Đồng nghĩa không thể đạt được mức mong muốn khi xét đầu vào những trường đại học top đầu.
Tham khảo rất nhiều nơi, nhiều mô hình, gia đình H. chọn mô hình đóng một lúc 30 triệu, em có thể đến lớp bất kỳ khung giờ nào trong ngày để học. H. kể, nhiều bạn bè em tham gia kiểu lớp trực tuyến 1:1 với mức học phí đóng cả gói 80 đến 100 triệu đồng để học đến khi đạt mục tiêu. "Chứng chỉ này dù ở mức nào thì vẫn là tấm vé bước vào trường đại học thay vì chỉ trông chờ vào điểm thi tốt nghiệp THPT", H. bày tỏ.
Chị Quỳnh Lan, một phụ huynh Hà Nội có con đang đang xét tuyển đại học cho biết, gia đình chị đã tốn khoảng gần 70 triệu gồm cả lệ phí thi 3 lần để con có được chứng chỉ IELTS.
“Con mình là con trai, lại học trong dịch nên đạt mức 5.5 là trong ngưỡng cố gắng của con”, chị Lan chia sẻ. Với IELTS 5.5, khả năng vào trường đại học như mong muốn vẫn rất mong manh, tuy nhiên người mẹ này khẳng định không hối tiếc việc đầu tư cho con học.
Tuy nhiên, chứng kiến nhiều gia đình cùng đầu tư cho con học IELTS, chị Lan lo ngại đến một thời điểm chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS sẽ trở nên bão hòa. "Lúc đó, các nhà trường sẽ buộc phải đưa ra những yêu cầu cao hơn như chứng chỉ SAT chẳng hạn. Và rồi sẽ lại xảy ra một cuộc chạy đua khác, khó khăn, vất vả và tốn kém hơn", người mẹ này nhìn nhận.
Làm "khách hàng thông thái" khi chinh phục chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế
Theo TS. Nguyễn Thị Nhân Hòa, T.S Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Melbourne- Úc, người nhiều năm giảng dạy tiếng Anh tại khoa Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, để học và thi đạt chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không phải điều đơn giản khi học viên buộc phải trải qua đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết. Tuy nhiên, trong điều kiện công nghệ và mạng xã hội bùng nổ như hiện nay, tài liệu học tập ở tất cả các dạng bài thi hầu như có sẵn, học viên nếu đủ quyết tâm cũng như sự kiên trì hoàn toàn có thể tải về tự học, tự rèn luyện mà không cần theo học mất quá nhiều tiền.
Th.s Lê Thị Thúy Hồng, giảng viên tiếng Anh trường Đại học Giao thông vận tải cũng cho rằng việc đầu tư tiền bạc là một chuyện hiệu quả lại là một chuyện khác.
"Nhiều khi, các bạn trẻ tham gia luyện thi là hoàn toàn theo định hướng của gia đình hay trào lưu từ bạn bè, không xác định được mình đang ở đâu và không có quyết tâm suốt quá trình học tập nên khi bước vào mới nhận ra khó khăn dẫn tới sự lãng phí cả thời gian cũng như là tiền bạc của gia đình", Th.s Lê Thị Thúy Hồng nêu thực tế.
Lời khuyên từ cô Thúy Hồng đầu tiên là phải xác định được mục tiêu thi chứng chỉ để lựa chọn và đăng ký nội dung thi. Riêng IELTS hiện có hai dạng bài thi. Một dạng học thuật thì dành cho việc xét tuyển vào đại học cũng như đi du học. Nhưng nếu để sử dụng cho mục đích khác như đi nước ngoài làm việc lại chỉ cần chứng chỉ phù hợp.
Thứ hai, hiểu rõ trình độ bản thân. Ví dụ như lực học của một học viên đang ở mức vừa phải sẽ cần có có thời gian đầu tư dài hơn. Còn nếu như trong một thời gian ngắn thì mình cũng phải xây dựng mục tiêu vừa tầm, trong khả năng mình có thể.
Nhưng điều quan trọng là học viên phải có quyết tâm để đạt được mục tiêu, thể hiện bằng việc xây dựng thời gian biểu học tập mang tính thường xuyên. Thực tế đã xảy ra tình trạng nhiều học viên đang học thì nghỉ bởi những lí do riêng, một thời gian sau lại tiếp tục. Trong khi học ngoại ngữ nói chung, ôn thi chứng chỉ ngoại ngữ lại cần sự liên tục và mức độ tập trung cao mới hi vọng có hiệu quả.
Ngoài việc học tại trung tâm, các lớp luyện thi, học viên cần phát huy khả năng tự học, đặc biệt việc chủ động nghe luyện hằng ngày thông qua các nguồn tài liệu khác nhau.
“Căn bản là các bạn vẫn phải xây dựng nền tảng kiến thức vững chắc, còn việc học hay thi các chứng chỉ quốc tế chỉ là một dạng bài thi để đánh giá năng lực ngoại ngữ. Khi có nền tảng vững chắc rồi thì chỉ mất một giai đoạn rất ngắn để mình bám sát theo dạng đề thi thông qua việc luyện. Nền kiến thức này hoàn toàn có được khi học tốt chính chương trình ở trường phổ thông”. Th.s Thúy Hồng khẳng định.
Về thời điểm bắt đầu, theo Th.s Thúy Hồng, nếu một học sinh vững kiến thức trường phổ thông thì thời điểm cuối lớp 7,8, các em đã có thể luyện và thi chứng chỉ quốc tế. Lúc này, các em đã tích lũy được lượng khá lớn về từ vựng, ngữ pháp cũng như có quãng thời gian dài để tiếp tục chinh phục những kỹ năng khó hơn với những chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Tuy nhiên, nếu có dự định dùng chứng chỉ để xét tuyển đại học, học viên cần và nên hoàn thành việc thi vào cuối lớp 11 hoặc đầu lớp 12. Trường hợp để thời gian quá ngắn sẽ xảy ra tình trạng rối khi vừa phải ôn thi chứng chỉ quốc tế, vừa ôn thi tốt nghiệp THPT. Hiệu quả theo đó sẽ khó cao cho cùng lúc hai mục tiêu, ngoài ra còn tốn kém thêm chi phí.