Cấu trúc bài thi đánh giá năng lực học sinh THPT của ĐHQG Hà Nội gồm 3 nhóm năng lực chính: Sáng tạo và giải quyết vấn đề ; năng lực toán; tiếng Việt, tư duy ngôn ngữ, lập luận, tính toán và xử lý số liệu; Tự khám phá khoa học (Tự nhiên - xã hội ) và ứng dụng công nghệ theo hướng cá thể hóa. Cụ thể, đề thi gồm 3 phần với 150 câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có 18 câu hỏi dạng điền đáp án, thời gian thực hiện bài thi là 195 phút .

Ngay sau khi đề thi tham khảo được công bố, nhiều chuyên gia giáo dục đã có những nhận xét đánh giá về đề thi:

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, Trung tâm Học mãi nhận xét :

"Đề chỉ có 10 câu thôi nhưng có tới 1/2 là ở mức vận dụng, vận dụng cao như vậy có thể nói là khó hơn đáng kể so với đề thi tốt nghiệp nhưng phù hợp với mục tiêu chính của bài thi là làm căn cứ xét tuyển Đại học. Cách đặt vấn đề, nội dung, hình thức câu hỏi có nhiều điểm hay, mới, khác biệt với đề thi truyền thống của Bộ (Ví dụ câu 132 dùng đồ thị để mô tả mức độ giảm khối lượng của đá xanh khi nung nóng ), phạm vi kiến thức ít thi trong đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Ví dụ câu 133 có phản ứng của Na2so3 với dung dịch Br2, câu 139 về chuyển dịch cân bằng...). Do đó học sinh phải học thật, có kiến thức thật, năng lực thật để thi thật, chứ không thể học vẹt, học tủ, một số dạng bài khó, giới hạn một số phần kiến thức và ôn theo kiểu "nhép" cấu trúc đề minh họa của Bộ GD&ĐT như hiện nay.

Câu hỏi trong đề không sắp xếp từ dễ đến khó, bài thi dàn trải qua nhiều phân môn. Do đó học sinh phải khá "lỳ" về tâm lý và có kỹ năng, kinh nghiệm làm bài thì mới phát được khả khả năng.

Tóm lại đề hay và khó không dành cho những học sinh lười, học vẹt, học tủ, xứng đáng là đề thi Đại học. Tiếc là số lượng câu hỏi cho từng môn KHTN, KHXH hơi ít. Nếu để tuyển sinh cho từng ngành đặc thù thì nên có thêm bài thi riêng của môn thành phần với số lượng câu hỏi nhiều hơn để chọn được thí sinh có năng lực chuyên biệt với môn học tốt hơn nữa.

Tiến sĩ sử học Lê Thu Hương - Trưởng khoa Văn hóa Du lịch, Đại học Thủ Đô có những nhận xét vừa tổng quát vừa chuyên sâu về đề thi tham khảo mà Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố: "Đề thi với các câu hỏi hay, gồm nhiều lĩnh vực, đánh giá được năng lực tổng hợp của thí sinh. Một số câu hỏi lồng ghép được cả kiến thức lịch sử, toán học. Phần lịch sử Hà Nội cũng được khéo léo lồng ghép vào nội dung câu hỏi và các đáp án trả lời. Một số câu hỏi gắn liền với thực tế cuộc sống, những vấn đề có tính thời sự cần sự quan tâm của thế hệ trẻ. Nhìn chung, với cách thi thuận lợi cho thí sinh, đề thi tổng hợp các kiến thức phổ thông và thời sự sẽ chọn được các thí sinh xứng đáng cho trường đào tạo. Việc thi đánh giá năng lực cũng tác động lại các trường THPT trong việc dạy và học."

Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho rằng: Đề thi của Đại học quốc gia Hà Nội đã tiệm cận được tới 60-70% các dạng đề thi quốc tế như SAT, IELTS:

"Về fomat và cấu trúc đề chúng tôi thấy rất ổn định và học sinh cũng đã làm quen được với cái fomat đề rồi, hàm lượng kiến thức năm nay hơi khác một chút tức là ngoài hàm lượng kiến thức các em đã học trong chương trình phổ thông thì các em còn phải biết một số kiến thức bên ngoài xã hội, nhận biết được các sự việc đang xảy ra ngoài xã hội đều được đưa vào trong đề này. Đây là điểm khác so với các đề lần trước."

Là giáo viên tiếng Anh, Tiến sĩ Nguyễn Bội Quỳnh nhận xét khá chi tiết về nội dung đề thi ở phần Ngôn ngữ:

"Về phần Ngôn ngữ trong bộ đề này tôi thấy khá phù hợp và đòi hỏi các con không được chủ quan với những kiến thức mà mình đã học. Tuy nhiên, có những câu, một số cấu trúc và một số bài đọc đòi hỏi các em phải có khả năng tư duy và phải có tính sáng tạo để khi các em nhìn nhận một số vấn đề bằng cái cảm quan của mình và bằng phần kiến thức nền của mình khá chắc chắn các em có thể chọn được phần câu hỏi và có được đáp án chính xác.

Đối với bài thi đánh giá năng lực của ĐH quốc Gia Hà Nội tôi nghĩ tiệm cận 60-7-% các bài của quốc tế bởi vì ngoài các em có trình độ IELTS thì bây giờ nhiều em đã học SAT, tôi thấy bài thi này có sự kết hợp kiến thức của IELTS và SAT cộng thêm kiến thức lớp 12 đã học của các em thành bài thi đánh giá năng lực khá hoàn chỉnh".

Cô giáo Nguyễn Hoài Anh - nguyên giáo viên dạy bộ môn Văn, trường THPT Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng đánh giá rất cao đề thi tham khảo của Đại học quốc gia Hà Nội:

"Các câu hỏi có độ phủ sóng rộng, không chỉ kiến thức văn học - tiếng Việt mà còn là văn hóa xã hội. Điều này đòi hỏi thí sinh quan tâm, hiểu biết nhiều lĩnh vực đời sống. Các đáp án không quá đơn giản (nhiều đáp án với 2-3 câu trả lời gần đúng ) tăng độ phân hóa cho đề thi.Các câu hỏi xác định từ /cụm từ sai( câu 71-75 ) hoặc hỏi về nghĩa của từ ( câu 76-78) hỏi trúng vào điểm yếu của học sinh vài năm gần đây. Phần kiến thức văn- tiếng Việt có nhiều câu hỏi đề cập những kiến thức sử dụng nhiều trong đời sống, trong công việc ...nên đề thi sẽ góp phần rèn kỹ năng đọc - hiểu, phát hiện - giải quyết - trình bày vấn đề tốt".

Hồi hộp, lo lắng cho kỳ thi quan trọng quyết định bước ngoặt lớn của cuộc đời mình sau 12 năm đèn sách, những thí sinh sắp bước vào ngưỡng cửa Đại học rất mong chờ ngày Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức công bố đề thi tham khảo. Em Ngô Nam Quyền, học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, Hà Nội nhận xét: "Em thấy kiến thức trong đề thi khá rộng, trải dài cả chương trình học chứ không chỉ co cụm vào chương trình lớp 12 . Đề thi có nhiều câu khó mà em chưa thể trả lời ngay được nhưng cũng là cơ sở để em khắc phục bổ sung kiến thức trong thời gian tới ".

Nhận xét về đề thi tham khảo của Đại học quốc gia Hà Nội, Nguyễn Hà My, học sinh lớp 12 trường THPT Yên Hòa cho rằng: "Đề thi có tính phân loại cao, kiến thức các môn trải đều từ lớp 10 đến lớp 12, tuy nhiên với học sinh khoa học xã hội như em thì em cảm thấy mình gặp khó khăn với phần thi Toán, Lý, Hóa, Sinh ... nhưng em sẽ cố gắng hoàn thành tốt ".