Lộ trình mở cửa trường học diễn ra quá chậm?

Sau hơn 1 tuần thí điểm cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường, hiện thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn 24 trường THCS và 6 trường THPT chưa tổ chức cho học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học lại theo chủ trương thí điểm của UBND TP. Hồ Chí Minh.

Theo đánh giá của Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, tuần đầu tiên trôi qua khá ổn, một số trường có phát hiện F0 nhưng đều được xử lý theo đúng quy trình hướng dẫn của ngành y tế.

Đa số các học sinh đều rất phấn khởi khi được đi học trực tiếp, nhất là việc các em được giải tỏa tâm lý sau nhiều tháng ở yên trong nhà cũng như giải tỏa nỗi lo học online không hiệu quả trong khi cuối năm các em phải trải qua một kỳ thi quan trọng (tuyển sinh lớp 10 đối với học sinh lớp 9, thi tốt nghiệp THPT đối với học sinh lớp 12).

Trong khi đó tại Hà Nội, từ ngày 06/12, thành phố cho học sinh khối lớp 12 đi học trở lại nhưng theo quy định 50% số lớp học trực tiếp vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu; các ngày còn lại học trực tuyến; 50% số lớp học trực tiếp vào thứ Ba, thứ Năm, thứ Bảy, các ngày còn lại học trực tuyến.

Tuy nhiên khi dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, một số quận/huyện (Đống Đa, Hai Bà Trưng) đã nâng cấp độ dịch từ “Vàng” sang “Cam” và dừng nhiều hoạt động không thiết yếu như văn hóa, thể thao, giải trí, các nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát chỉ được phép bán mang về, đóng cửa trước 21h. Học sinh lớp 12 cũng dừng đến trường và chuyển sang hình thức học tập online.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến ngày 29/11 chỉ có 9 địa phương tổ chức dạy học trực tiếp; 34 tỉnh, thành phố kết hợp dạy học trực tiếp, trực tuyến và dạy qua truyền hình. Đặc biệt, hiện 20 tỉnh, thành phố hoàn toàn tổ chức cho học sinh học trực tuyến, học qua truyền hình.

(Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hiện nhiều tỉnh, thành phố vẫn cho học tập trực tuyến)

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia dịch tễ học (nguyên trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1, TP. Hồ Chí Minh) cho rằng lộ trình mở cửa trường học cho học sinh học tập trực tiếp diễn ra quá chậm. Ông cho rằng, hiện nay việc học tập trực tuyến kéo dài quá lâu gây ra trạng thái mệt mỏi cho cả học sinh và phụ huynh. Đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển nhân cách, giao tiếp, hòa nhập, giao lưu của trẻ.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cho việc mở cửa trường học diễn ra chậm là do chúng ta đưa ra quy trình xử lý F0 ở trường học quá phức tạp khiến cho nhiều trường học khó có thể đáp ứng được.

“Chúng ta đừng bao giờ hy vọng tiêm đầy đủ vaccine mà không có một học sinh nào khi đi học trở lại không bị nhiễm Covid-19. Điều quan trọng là cần phải có một kịch bản cụ thể, rõ ràng, khả thi khi cho học sinh trở lại trường”, Bác sĩ Trương Hữu Khanh nhấn mạnh.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho rằng, TP. Hà Nội và cả TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh thành phố khác cần mạnh dạn hơn cho học sinh các cấp đi học trực tiếp tại trường. Việc bảo đảm trẻ từ nhà đến trường, từ trường về nhà không đi lung tung thì việc trẻ ở trường an toàn hơn là khi trẻ ở nhà mà vẫn đi ra ngoài đường.

“Khi có học sinh ở trong trường hoặc người nhà của học sinh là F0 thì cần bình tĩnh. Chỉ khoanh vùng những học sinh tiếp xúc rất gần học sinh đó và cho theo dõi tại nhà, đừng làm náo loạn lên. Đừng đưa ra quy trình quá hỗn loạn ảnh hưởng tâm lý học sinh”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

TS. Hoàng Trung Học, trưởng khoa Tâm lý giáo dục (Học viện Quản lý giáo dục) cũng cho rằng, một số địa phương khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, học sinh đã được tiêm vaccine mà chưa mở cửa trường học trở lại là một sự thận trọng quá mức cần thiết.

“Khi học sinh ở một số bậc học đã được tiêm vaccine thì việc cho các em trở lại trường học có một ý nghĩa rất lớn, không chỉ là vấn đề chuyên môn, mục tiêu chương trình giáo dục mà còn tác động rất lớn đến sự phát triển nhân cách, sự phát triển tâm lý và đặc biệt là sự phát triển bình thường của học sinh trong giai đoạn này. Việc để cho học sinh học ở nhà quá lâu để lại rất nhiều hệ lụy”, TS. Hoàng Trung Học nêu quan điểm.

TS. Hoàng Trung Học cũng cho rằng, việc phụ huynh lo lắng cho sức khỏe con em mình khi chưa được tiêm phủ vaccine là điều dễ hiểu. Tuy nhiên các bậc cha mẹ cũng cần phải nhận thức sâu sắc, đầy đủ về hậu quả khi con học tập trực tuyến quá lâu, ảnh hưởng nghiêm trọng về tâm lý, nhận thức, có thể dẫn đến rối nhiễu cảm xúc, rối nhiễu hành vi. Thậm chí, tác động do Covid-19 đến sức khỏe thì ít nhưng ảnh hưởng của việc phải học ở nhà lâu ngày có thể đến vài chục năm sau.

Các nước Châu Âu mở cửa trường học như thế nào?

Phóng viên Quang Dũng (Phóng viên thường trú của VOV tại Paris, Pháp) cho biết, hiện biến thể Omicron đã lan ra hầu hết các nước Châu Âu. Tại một số nước như Đan Mạch, Na Uy, Anh số ca nhiễm biến thể Omicron tương đối lớn khi có ngày lên đến 500-600 ca, thậm chí là 1.000 ca/ngày. Tại Pháp số ca nhiễm biến thể Omicron ít hơn khi hiện tại chỉ khoảng 130 ca/ngày. Tuy nhiên vào thời điểm này lo ngại lớn nhất của các nước Châu Âu vẫn là biến thể Delta.

Cũng theo phóng viên Quang Dũng, dù diễn biến dịch Covid-19 có phức tạp thì việc mở cửa trường học tại Châu Âu và tại Pháp vẫn được duy trì từ cuối năm 2020 đến nay.

“Các nước Châu Âu vẫn đặt ưu tiên tối đa cho việc duy trì trường học ở tất cả các cấp vì cho rằng để cho học sinh học trực tuyến quá lâu không chỉ tác động không tốt đến năng lực học tập của học sinh mà quan trọng hơn còn ảnh hưởng đến tâm lý của học sinh. Đồng thời tạo ra gánh nặng cho học sinh. Do đó, các nước đều cho rằng, các trường học liên tục mở cửa, các học sinh cần phải được đến trường để giữ được môi trường học tập, giữa được sự phát triển tâm lý và các phụ huynh cũng cần phải được giải phóng để đi làm việc”, phóng viên Quang Dũng chia sẻ.

Tùy theo diễn biến của mỗi đợt dịch các trường học ở Châu Âu đưa ra các quy định về y tế khác nhau. Đối với cấp mầm non, do học sinh còn nhỏ tuổi nên hầu như không có một quy định về y tế bắt buộc nào trừ một số quy định dành cho quản lý của nhà trường, ví dụ như là việc thực hiện việc thông thoáng trong lớp học…

Tại Pháp, từ cấp học tiểu học trở lên học sinh bắt buộc phải đeo khẩu trang trong lớp học cũng như trong giờ ra chơi, khu căng tin. Các học sinh từ 12 đến 17 tuổi được khuyến khích tiêm vaccine một cách tối đa. Những học sinh được tiêm vaccine thì ít phải thực hiện các biện pháp ép buộc hơn đối với các học sinh chưa được tiêm vaccine.

Vấn đề quan trọng nhất là khi mở cửa trường học đó là việc quản lý ra sao khi cho các lớp xuất hiện ca nhiễm Covid-19?

Trước đây tại Pháp, cấp tiểu học khi lớp học có 1 ca nhiễm thì cả lớp học đó nghỉ học trong vòng 2 tuần. Còn ở cấp THCS, THPT khi có ca nhiễm thì học sinh nhiễm Covid-19 phải nghỉ học 2 tuần. Còn những trường hợp tiếp xúc gần sẽ phải xét nghiệm. Những ca tiếp xúc gần mà tiêm đủ vaccine thì vẫn được đi học bình thường, còn những ca tiếp xúc gần mà chưa được tiêm vaccine thì phải nghỉ học một tuần để theo dõi.

(Quang Dũng, phóng viên VOV thường trú tại Paris, Pháp thông tin về tình hình mở cửa trường học tại các quốc gia Châu Âu)

Tuy nhiên, theo phóng viên Quang Dũng hiện tại quy định y tế này cũng đã có nhiều thay đổi. Khi có ca nhiễm toàn bộ lớp học sẽ tiếp tục học bình thường nhưng cả lớp sẽ phải xét nghiệm. Những học sinh nhiễm bệnh thì sẽ nghỉ học và theo dõi các tiết học bằng hình thức trực tiếp trong vòng 10 ngày. Gia đình có học sinh dương tính cũng phải xét nghiệm và theo dõi trong vòng 7 ngày. Còn các học sinh xét nghiệm âm tính sẽ tiếp tục học tại lớp.

Đối với học sinh THCS, THPT tiêm đủ vaccine và các ca tiếp xúc gần thì vẫn giữ các quy định như trước kia. Đó là nếu như xét nghiệm âm tính thì sẽ đi học bình thường và học sinh nào chưa tiêm vaccine thì sẽ phải học từ xa trong vòng 7 ngày.

Tùy tình hình dịch bệnh mà mỗi nước Châu Âu có những quy định khác nhau. Ví dụ như ở Đức, học sinh phải xét nghiệm liên tục trong vòng 2-3 lần/tuần, kể cả khi trong lớp không có ca nhiễm để sớm sàng lọc và cho nghỉ học sớm những học sinh dương tính.

“Về tổng thể, các nước Châu Âu đều hướng đến phương châm, duy trì tối đa việc dạy và học trực tiếp tại trường. Hạn chế việc đóng cửa lớp học, duy trì việc dạy hỗn hợp trực tuyến và trực tiếp nhưng coi đây chỉ là phương pháp cuối cùng. Và cuối cùng là khuyến khích học sinh từ 12 tuổi trở lên đi tiêm vaccine bằng cách mở các trung tâm tiêm chủng di động tại các trường học”, phóng viên Quang Dũng nhìn nhận.

Về tâm lý phụ huynh, theo phóng viên Quang Dũng, phụ huynh tại Pháp nói riêng và một số nước Châu Âu nói chung đều ủng hộ rất mạnh mẽ việc mở cửa trường học để học sinh đi học ngay cả thời điểm số ca nhiễm bùng phát. Họ cho rằng lợi ích của học sinh đi học tại trường cao hơn nguy cơ học sinh nhiễm virus.

Hiện tại Pháp và các nước Châu Âu đều đã tiêm vaccine cho phần lớn dân chúng với tỷ lệ tiêm đủ các mũi vaccine lên đến 80% dân số và hiện vẫn đang đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi vaccine tăng cường. Nên tâm lý của các phụ huynh cảm thấy khá yên tâm khi con đến trường.

Ngày 20/12, Bộ GD-ĐT có công văn gửi các Sở GD-ĐT về việc “Bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 khi tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non”.

Nhằm tạo điều kiện cho trẻ em được đến trường an toàn, Bộ GD-ĐT đề nghị các Sở GD-ĐT chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non căn cứ hướng dẫn trước đó của Bộ GD-ĐT về việc tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục và các văn bản hướng dẫn của ngành Y tế, các cơ sở giáo dục mầm non đánh giá mức độ an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

Cụ thể, xác định đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho trẻ em, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên; thực hiện vệ sinh trường, lớp, đồ dùng, đồ chơi, trang thiết bị… phục vụ công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non, bảo đảm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo nguyên tắc khu vực nào kiểm soát được dịch COVID-19 chủ động báo cáo cấp quản lý giáo dục để trẻ em trở lại trường học.

Đồng thời, phối hợp với Y tế địa phương xây dựng phương án phòng, chống dịch COVID-19, xử lý khi có trẻ em, cán bộ, giáo viên, nhân viên, cha mẹ của trẻ em là F0 bảo đảm theo quy định.