Cao 1m58, nặng gần 70 kg nên ngày thường, chị Hoàng Yến ở Hà Nội thực hiện chế độ ăn uống kiêng khem để hạn chế tăng cân. Tuy nhiên, với tâm lý đi du lịch là để thư giãn cộng với cảm giác thoải mái, vui vẻ khi cả gia đình cùng nhau tụ họp, chị thường tự cho phép bản thân thả lỏng, bỏ qua nếp ăn uống thường ngày
“Ngày thường thì không ăn bữa sáng, trưa ăn ít, tối ăn rau là chính. Đi nghỉ mát thì tặc lưỡi, tâm lý thoải mái hơn không nghĩ đến cân nặng nữa, mọi người ăn chả lẽ mình không ăn, thì thôi lại ăn cho vui vẻ. Hải sản thì quá tươi ngon. Bữa sáng ở khách sạn thì rất nhiều món, các món Âu – Á, mình thì thích khám phá, muốn thử… Cả 3 bữa, sáng trưa, tối đều ăn nhiều”- chị Yến nói.
Sau chuyến đi, không chỉ chị Yến mà cả các thành viên khác trong gia đình đều có xu hướng tăng cân. Tuy nhiên, chuyện ăn uống khá thoải mái còn mang lại một số phiền toái khác cho người trong cuộc. Anh Lê Văn Long, sống tại phường Hoàng Mai- Hà Nội chia sẻ:
“Ra biển thường ăn nhiều hải sản, chủ yếu ăn tôm, cua, ghẹ, hàu, ngao, vì khách đông nên mình cũng dự phòng gọi trước, nhiều hôm gọi hơi nhiều, ăn cố có hôm cũng thừa nhiều, may không ai bị ngộ độc nhưng vì ăn nhiều nên bụng cứ ấm ách khó chịu, chắc do ăn nhiều hải sản nên bị lạnh bụng” – anh Long cho hay.

Chỉ ăn thoải mái trong vài ngày đi du lịch rồi về nhà lại tiếp tục siết chế độ ăn là suy nghĩ của nhiều người. Thế nhưng, PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng- Bộ Y tế cho biết, không chỉ là chuyện tăng cân, việc ăn quá nhiều chất trong một thời gian ngắn còn khiến cơ thể bị “quá tải” và ảnh hưởng đến sức khỏe.
“Đi du lịch thì thường có tâm lý thả lỏng, nhưng chẳng hạn như với chất đạm, chúng ta chỉ có thể nới lỏng thêm 10-20% so với ngày thường sẽ hạn chế bớt nguy cơ đối với sức khỏe. Vì nếu chúng ta ăn quá nhiều chất đạm, chúng ta sẽ bị khó tiêu. Thậm chí nếu chúng ta đang có nguy cơ bị các bệnh tiềm ẩn thì việc tim, gan, thận làm việc quá tải có thể khiến các bệnh này bùng phát. Do đó, chúng ta cần phải kiểm soát về số lượng”- BS Nguyễn Trọng Hưng khuyến cáo.
Với những người có bệnh lý nền hoặc có nguy cơ mắc các bệnh lý về chuyển hóa, chế độ ăn chế độ ăn không kiểm soát trong chuyến đi có thể khiến chúng ta phải đối mặt với hậu quả đối với sức khỏe.
“Nếu có bệnh lý nền, chúng ta cần chuẩn bị thuốc và bữa ăn từ trước khi đi. Chúng ta phải có định lượng nhất định bởi đi du lịch chúng ta khó có thể chuẩn bị được các bữa ăn như ở nhà. Do vậy, phải có những loại thức ăn thay thế cho phù hợp. Tuân thủ chặt chẽ chế độ ăn, thuốc và đặc biệt cần tuân thủ và duy trì chế độ tập luyện vận động. Vì du lịch mùa hè, đôi khi trời nóng khiến cho chúng ta không muốn đi tập thể dục, chỉ loanh quanh trong phòng khách sạn. Đi du lịch xa mà chúng ta không giữ gìn nhỡ xảy ra các biến cố bất ngờ sẽ khó có thể đáp ứng được hỗ trợ về y tế” – BS Hưng nhấn mạnh.
Đối với những người mắc các bệnh mạn tính việc điều chỉnh chế độ dinh dương cần được thực hiện cụ thể và cẩn thận.
“Ví dụ như hằng ngày chúng ta có thể ăn thịt (các loại thịt) còn thủy hải sản thì tần suất hơi ít, việc định lượng sẽ dễ dàng hơn. Nhưng khi đi du lịch, đặc biệt là đi biển, tần suất của thủy hải sản sẽ nhiều lên, đây là cơ hội để đa dạng thực phẩm. Vậy chúng ta sẽ phải điều chỉnh một cách cụ thể, chẳng hạn nếu như ở nhà, chúng ta ăn khoảng 100gr thịt thì đi du lịch chúng ta có thể ăn từ 100gr- 120gr thủy hải sản, với mức như vậy không sợ lố quá về số lượng”- BS Nguyễn Trọng Hưng tư vấn.

Việc quá khắt khe trong chế độ ăn khi đi du lịch là điều không thể, bởi du lịch cũng là trải nghiệm mới trong thưởng thức ẩm thực. Tuy nhiên, sự linh hoạt trong tầm kiểm soát là điều nên làm.Vậy làm thế nào để có thể thực hiện được điều này? PGS.TS.BS Nguyễn Trọng Hưng đưa ra những nguyên tắc cần ghi nhớ trong chế độ ăn uống khi đi du lịch:
“Chúng ta đi trải nghiệm, khám phá các món ăn mới, nhưng chúng ta cũng cần được hướng dẫn về chế độ ăn. Chúng ta có 4 nhóm thực phẩm chính thì chúng ta nên điều chỉnh các thức ăn trong cùng nhóm, ví dụ trong nhóm chất bột đường thì chúng ta có thể thay thế lẫn nhau, tượng tự như vậy với chất đạm, chúng ta tuyệt đối không thể thay thế chất bột đường bằng chất đạm (tức là nếu không ăn cơm thì sẽ thay hoàn toàn bằng thịt, thủy hải sản…) cùng với đó là vitamin và chất khoáng chúng ta cũng thực hiện tương tự và ăn với số lượng tương đối- dao động từ 10-20%”- BS Hưng cho hay.
Theo BS Hưng, nếu thực đơn hằng ngày đã có bữa phụ thì khi đi du lịch không nhất thiết phải duy trì nếu cảm thấy bất tiện. Thêm nữa, nếu bữa trước ăn nhiều đạm thì bữa sau chúng ta nên điều chỉnh lại. Phải có sự điều chỉnh phù hợp để không bị dư thừa về năng lượng. Những người có bệnh lý nền thì cần mang những thực phẩm chế biến sẵn chuyên biệt cho bệnh của mình thì sẽ dễ dàng tuân thủ, dễ dàng thực hiện và đỡ gặp phải các nguy cơ không tốt cho sức khỏe khi di chuyển trên đường và tại điểm du lịch
Không nên để mình bị rơi vào tình trạng không kiểm soát được là điều BS Nguyễn Trọng Hưng nhấn mạnh. Tuy nhiên, nếu mọi thứ không diễn ra như mong đợi trong suốt chuyến đi, chúng ta cần nghiêm túc thực hiện một số việc sau khi chuyến du lịch kết thúc như siết lại chế độ ăn, tập thể dục đều đặn và kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện.
“Nếu chuyến đi kéo dài và ăn quá nhiều, trường diễn thì ngay sau chuyến du lịch, chúng ta cần phải đi khám sức khỏe để kịp thời điều chỉnh. Không chỉ chế độ ăn mà việc sử dụng rượu bia cũng cần được kiểm soát. Không nên lạm dụng rượu bia trong các chuyến du lịch. Một nguyên tắc sau chuyến đi đó là chúng ta cần thực hiện chế độ tập luyện, trước đây chưa từng tập luyện thì nên thực hiện ngay, còn nếu đã tập thì cần duy trì hoặc tăng khối lượng tập lên một chút”- BS Hưng nhấn mạnh.