Một trường Đại học công lập với số vốn đầu tư 200 triệu đô la Mỹ, kết quả của sự hợp tác giữa chính phủ Việt Nam và Cộng hòa Liên bang Đức, Đại học Việt Đức là mô hình đạt tiêu chuẩn chất lượng của các đại học tốt nhất của CHLB Đức. Với các chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, được điều chỉnh phù hợp với nhu cầu lao động tại Việt nam và khu vực, được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục Đại học của CHLB Đức, châu Âu và quốc tế, Đại học Việt Đức là mô hình đại học nghiên cứu hàng đầu tại Việt Nam.

Một số hình ảnh Trường Đại học Việt Đức (Địa chỉ : Đường vành đai 4, phường Thới Hòa, Thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương)

Nhân dịp Trường ĐH Việt Đức tổ chức khai giảng năm học 2022-2023, phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn TS Hà Thúc Viên, Phó Hiệu trưởng nhà trường.

PV: Xin ông cho biết, triết lí đào tạo của trường Đại học Việt Đức là gì?

TS Hà Thúc Viên: Trường Đại học Việt Đức là một trường quốc tế công lập đặc biệt của chính phủ Việt Nam, được hình thành trên cơ sở hợp tác với một quốc gia đối tác đó là CHLB Đức để xây dựng và phát triển một trường ĐH nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam theo tiêu chuẩn chất lượng đào tạo và cơ chế quản trị hiện đại theo cách tiếp cận của các trường đại học hàng đầu của Đức hiện nay. Triết lý đào tạo của trường Đại học Việt Đức là dựa trên nền tảng, có nghĩa là thống nhất giữa nghiên cứu và đào tạo. Đây là một triết lý giáo dục mà hiện nay được áp dụng ở nhiều quốc gia khác nhau, đặc biệt là các hệ thống giáo dục đại học hiện đại trên thế giới nhằm tạo ra một môi trường học tập nghiên cứu cởi mở và có sự sáng tạo cao nhất. Sẽ kết hợp giữa lý thuyết đã học được ở trên giảng đường và những tình huống thực tiễn để các em nâng cao được năng lực giải quyết vấn đề.

Trong điều kiện khoa học công nghệ thay đổi một cách nhanh chóng thì năng lực giải quyết vấn đề cá nhân là vô cùng quan trọng để thích ứng với thị trường lao động. Ngoài ra, một điểm nữa là trường Đại học Việt Đức là một dự án hợp tác quốc tế, đây cũng là trường công lập đầu tiên của Việt Nam sử dụng ngôn ngữ Tiếng Anh trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu. Bên cạnh chương trình giảng dạy bằng Tiếng Anh, các em còn học thêm được tiếng Đức. Đây là công cụ rất quan trọng cho các em kết nối với thế giới trong quá trình toàn cầu hoá.

PV: Chúng ta đã có một số trường đại học có sự hợp tác hoặc đưa những mô hình giảng dạy, thậm chí là mời những giáo sư, giảng viên từ nước đối tác sang giảng dạy, ví dụ như Đại học Việt Pháp,và bước đầu đã có những thành công đáng ghi nhận. Vậy Đại học Việt Đức sẽ có con đường đi, có định hướng như thế nào để tạo cơ hội cho những sinh viên lựa chọn vào học ở đây? Đặc biệt, Đức là một đất nước có thế mạnh về các ngành khoa học kỹ thuật, sinh viên sẽ có cơ hội thế nào khi các em lựa chọn vào đây học?

TS Hà Thúc Viên: Đại học Việt Đức là trường được thành lập đầu tiên trong dự án xây dựng đại học xuất sắc của Chính phủ và sau đó thì có các trường như Đại học Việt Pháp và Đại học Việt Nhật. Trong việc hình thành và lựa chọn đối tác, phía Việt Nam chúng ta cũng đã có cân nhắc rất rõ ràng và kĩ lưỡng. Đức là một quốc gia có nền khoa học kỹ thuật phát triển hàng đầu trên thế giới và cũng là quốc gia có hệ thống giáo dục phát triển lâu năm và được thế giới công nhận về mặt chất lượng. Chính vì thế khi chúng ta lựa chọn Đức làm đối tác xây dựng trường Đại học Việt Đức, một trong những điều rất quan trọng là chúng ta muốn hợp tác để đào tạo những ngành nghề thuộc về thế mạnh của Đức và rất cần cho quá trình phát triển của Việt Nam. Khi sinh viên học ở Đại học Việt Đức, một trong những lợi thế lớn nhất là các em được tiếp cận với những tri thức tiên tiến nhất của nền giáo dục Đức do các giáo sư người Đức trực tiếp giảng dạy.

Hàng năm nhà trường được tiếp cận một khoản học bổng rất lớn từ Cơ quan trao đổi Hàn lâm Đức (DAD) cũng như các tổ chức khác để các em năm cuối sang Đức học tập một học kỳ hoặc làm đề tài tốt nghiệp. Ngoài ra, trường cũng kết nối với mạng lưới hơn 40 trường đại học của Đức để thực hiện các chương trình trao đổi sinh viên để nâng cao kiến thức và tìm hiểu một nền văn hoá mới, để sau khi ra trường, các em có thể trở thành những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của mình ở bất cứ nơi nào trên thế giới. Đây cũng là điều kiện rất quan trọng để các em tiếp tục học lên bậc cao hơn. Như tôi đã phát biểu từ đầu, sinh viên Đại học Việt Đức có lợi thế là sau khi ra trường các em sẽ thông thạo cả tiếng Anh và tiếng Đức, mở ra cánh cửa đến với thế giới, đặc biệt là Đức và Châu Âu.

PV: Trong năm 2023 này Đại học Việt Đức dự kiến trường sẽ tuyển bao nhiêu sinh viên và hiện nay đã bắt đầu đào tạo những khoa ngành gì cụ thể?

TS Hà Thúc Viên: Trường Đại học Việt Đức đã bắt đầu triển khai công tác đào tạo từ năm 2008. Đã có nhiều thế hệ sinh viên ra trường. Các đối tác Đức đánh giá đây là dự án hợp tác đào tạo thành công nhất với các quốc gia trên thế giới. Sinh viên tốt nghiệp trường Đại học Việt Đức được hội doanh nghiệp Đức cũng như Viện trao đổi Hàn lâm Đức đánh giá là có chất lượng cao, tương đương với sinh viên được đào tạo tại đại học tại Đức. Trong năm học 2023 - 2024, nhà trường sẽ tập trung đào tạo ở 7 chương trình, bao gồm hai chương trình về lĩnh vực kinh tế là Quản trị Tài chính - Kế Toán và Quản trị Kinh doanh, 5 chương trình kỹ thuật gồm Kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật cơ khí, Khoa học máy tính và Kỹ thuật điện và Vi tính. Hy vọng, các bạn sẽ trở thành những sinh viên xuất sắc để làm nên thành công cho chính mình và tạo danh tiếng cho nhà trường.

PV: Tính kể từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo được bao nhiêu sinh viên và ông đánh giá thế nào về sự thành công của những sinh viên đã tốt nghiệp trường Đại học Việt Đức?

TS Hà Thúc Viên: Đến thời điểm hiện tại trường Đại học Việt Đức đã và đang đào tạo khoảng 4000 sinh viên trong đó bao gồm cả sinh viên Đại học và Thạc sĩ. Hiện nay nhà trường đã có 10 khoá sinh viên ra trường và theo số liệu khảo sát, có trên 95% các em đã có việc làm. Sinh viên tốt nghiệp được chia là 2 nhóm: nhóm thứ nhất là các em ra trường sẽ đi làm ngay và nhóm thứ hai là các em ra trường sau đó đi sang Đức hoặc tiếp tục ở lại học lên bậc cao hơn ở trường Đại học Việt Đức. Có khoảng 10% sinh viên của Đại học Việt Đức sau khi ra trường thì làm cho các tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam và sau đó thì các em đi ra nước ngoài làm việc. Đây là con số khẳng định cho chất lượng đào tạo và sự đúng đắn trong định hướng đào tạo của Đại học Việt Đức là phát triển để trở thành một trường đại học nghiên cứu.

PV: Xin cảm ơn ông vì những chia sẻ này.

Năm học 2023-2024 , Trường Đại học Việt Đức sẽ sử dụng 5 hình thức tuyển sinh. Cụ thể như sau :

Phương thức 1 (TestAS): Thực hiện theo hình thức thi tuyển đầu vào (bài thi TestAS), được tổ chức vào tháng 5 hàng năm. Thí sinh có thể nộp chứng chỉ TestAS phù hợp với ngành đào tạo để thay thế cho bài thi đầu vào của Trường.

Đây là bài thi đầu vào về tư duy, logic dành cho sinh viên quốc tế theo học các chương trình Đức. Bài thi hoàn toàn bằng tiếng Anh và không được sử dụng máy tính tay.

Phương thức 2 (Học bạ trung học phổ thông): Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc trung học phổ thông đối với các thí sinh sẽ tốt nghiệp các trường trung học phổ thông tại Việt Nam trong năm tuyển sinh. Dự kiến xét tuyển theo 5 môn gồm 3 môn bắt buộc: Toán, Anh, Văn và 2 môn tự chọn (Lý, Hóa, Sinh, Tin học, Sử, Địa). Dự kiến, 2023, thí sinh đạt Ielts 6.0 và điểm trung bình 5 môn đạt 8.5 sẽ được xét tuyển thẳng.

Phương thức 3 (Tuyển thẳng): Xét tuyển thẳng đối với thí sinh có thành tích học tập xuất sắc, bao gồm các thí sinh đạt giải các cuộc thi học sinh giỏi bậc trung học phổ thông cấp tỉnh/quốc gia hoặc tham gia trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế.

Phương thức 4 (Chứng chỉ trung học phổ thông quốc tế): Xét tuyển đối với các thí sinh có bằng/chứng chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông quốc tế (IBD, A/AS-Level/IGCSE, WACE…) hoặc chứng chỉ của các bài thi năng lực quốc tế (SAT, TestAS…).

Phương thức 5 (Kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông): Thực hiện theo hình thức xét tuyển căn cứ trên kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông của thí sinh.