Ngày 28/4, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai thực hiện Quyết định 1895 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ GDĐT đồng chủ trì hội nghị.

Phải thấy hết được giá trị, tầm vóc, ý nghĩa của môn Lịch sử

Trong thời gian qua, công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường và toàn xã hội quan tâm.

Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đã nhấn mạnh chuyển mạnh quá trình giáo dục từ “nặng” về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục “trọng” về hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của người học; chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân.

Nội dung giáo dục toàn diện tiếp tục được khẳng định tại Kết luận số 51 ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, trong đó yêu cầu: Đẩy mạnh công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, kiến thức pháp luật và ý thức công dân trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Ngày 28/8/2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1501 phê duyệt Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh cho biết, thực tiễn triển khai Đề án 1501 đã khẳng định công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng là nhiệm vụ quan trọng trong giáo dục đào tạo thế hệ trẻ, đòi hỏi phải có sự quan tâm đầu tư nguồn lực thích đáng, coi đó là đầu tư cho tương lai của đất nước và cần ưu tiên đầu tư.

Ngày 11/11/2021, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục phê duyệt Quyết định số 1895 ban hành Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

“Chương trình 1895 kế thừa kết quả đạt được và những bài học kinh nghiệm nhằm khắc phục tồn tại, hạn chế trong triển khai công tác này thời gian qua, cập nhật xu thế quốc tế và những cơ hội và thách thức mà thời đại số đã đặt ra đối với giáo dục nói chung và giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng ở nước ta trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh.

Chia sẻ bài học kinh nghiệm tại hội nghị, TS Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng Trường THCS, THPT Nguyễn Tất Thành cho rằng, để giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống trong thanh thiếu niên và nhi đồng hiệu quả điều trước tiên phải đa dạng hóa nội dung, phương pháp cũng như đổi mới hình thức giáo dục.

“Học sinh Trường Nguyễn Tất Thành không chỉ học trên lớp mà còn học tại bảo tàng, tại các di tích lịch sử, các phòng thí nghiệm, phòng thực hành của trường đại học. Hình thành ở các em mối quan tâm và trách nhiệm tới cộng đồng, tạo cơ hội để học sinh hợp tác, tương trợ lẫn nhau, phát huy tư duy độc lập, tính sáng tạo…”, TS Nguyễn Thị Thu Anh chia sẻ.

Từ kinh nghiệm tổ chức các hoạt động giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh, bà Thu Anh đề xuất cần tổ chức hiệu quả các hoạt động ngoài lớp học, các dự án học tập gắn lý luận với thực tiễn.

Đơn cử trong hoạt động của năm học, Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành tổ chức các học kỳ quân đội cho hoc sinh các khối lớp THPT. Những giờ học vừa nghiêm túc vừa thú vị đã vun đắp trong các em lòng biết ơn và trân trọng những người đã xả thân vì nước, giúp các em thêm yêu màu xanh áo lính và tự hào về truyền thống dân tộc…

Trong khi đó, GS.TS Hoàng Chí Bảo, Chuyên gia cao cấp, nguyên Uỷ viên Hội đồng Lý luận Trung Ương khẳng định, trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh cần phải thấy hết giá trị, tầm vóc và ý nghĩa của môn Lịch sử. Phải coi đây là nền tảng của giáo dục đạo đức, nghĩa vụ trách nhiệm chính trị và xã hội cho mỗi học sinh.

GS.TS Hoàng Chí Bảo nhắc lại quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người đặc biệt chú trọng giáo dục lịch sử. Người nhấn mạnh, phải coi trọng các môn học về tinh thần, những môn Khoa học nhân văn, Văn học, Lịch sử, Đạo đức, Giáo dục công dân…

“Phải tìm tòi để đổi mới nội dung, phương pháp giáo dục sao cho có sức lôi cuốn, hấp dẫn, thuyết phục nhất đối với thanh thiếu niên. Các tài năng và bản lĩnh sư phạm của nhà giáo phải có sức “truyền lửa”, “truyền cảm hứng”, “chạm” vào trái tim, tâm hồn trẻ thơ, “đánh thức” tiềm năng thông minh, sáng tạo trong trí tuệ của các em, dẫn dắt các em biết tự mình nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước”, GS.TS Hoàng Chí Bảo nhấn mạnh.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ, trong đó có thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên luôn được xác định là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, mang tính chiến lược của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh 8 vấn đề cần phải lưu tâm, trong đó nội dung, chương trình giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống bảo đảm phù hợp với từng nhóm đối tượng; liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; đáp ứng mục tiêu giáo dục toàn diện; chú trọng giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá dân tộc, tinh hoa văn hoá nhân loại trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

“Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, phát huy hiệu quả của các phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, mạng xã hội, các hình thức tuyên truyền tại cơ sở, các tổ chức, cá nhân có uy tín, có ảnh hưởng xã hội, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng”, Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết, ngay khi Chương trình 1895 được Thủ tướng Chính phủ ban hành, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương toàn quốc xây dựng Kế hoạch triển khai trong toàn ngành Giáo dục với nhiều hình thức, phương pháp, hoạt động thiết thực, đa dạng, phong phú.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho rằng trong chương trình giáo dục cần phải tận dụng các môn học như đạo đức, giáo dục công dân, lý luận chính trị…

“Muốn có những con người khát vọng thì cần phải có những trường học đầy khát vọng. Phải tạo dựng một lớp nhà giáo có năng lực, phẩm chất và giàu khát vọng. Nếu không có một đội ngũ nhà giáo giàu khát vọng thì chúng ta khó có được những lớp học sinh nhiều khát vọng”, Bộ trưởng khẳng định.

Do vậy, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, trong quá trình triển khai Chương trình 1895 của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tiên là phải đổi mới phương pháp dạy và học các môn đạo đức, giáo dục công dân... Trong đó, việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 cũng là một lần đổi mới cả nội dung, phương pháp dạy và học.