PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục đã có những chia sẻ thẳng thắn xung quanh vấn đề “học thật, thi thật, nhân tài thật”.

Ông cho rằng, việc Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật” và sau đó là lời khẳng định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn là ngành giáo dục sẽ có kế hoạch cụ thể về “học thật, thi thật, nhân tài thật” là rất đúng và trúng.

“Chúng ta đau xót với kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018. Chúng ta đau xót với vụ việc tại Đại học Đông Đô vì bằng thật nhưng học giả... Những vụ việc này không chỉ khiến những người trong ngành bức xúc mà cả dư luận xã hội, cảm thấy như chính mình cũng có lỗi. Làm cho niềm tin trong giáo dục bị lung lay.” – PGS.TS Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Nguyên Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhắc lại những câu nói, ý tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “học tốt, dạy tốt”, “làm ít, nhưng làm cho hẳn hoi”. Nếu học cho hẳn hoi, dạy cho hẳn hoi, quản lý cho hẳn hoi thì sẽ có những tài năng thật.

Cách đây gần 40 năm, tại Lễ Kỷ niệm 35 năm thành lập ngành Sư phạm, ngày 8-10-1981, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từng nói, “trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học” nhằm nhấn mạnh chất lượng thật của giáo dục.

“Nếu làm được như lời cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng nói thì chúng ta sẽ có được thành tựu vô cùng rực rỡ. Nhưng có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan mà có thời kỳ trường chưa ra trường (còn xập xệ), lớp chưa ra lớp; dạy và học chưa thật là tốt lắm.” - PGS.TS Đặng Quốc Bảo nói.

Do vậy, đặt vấn đề “học thật, thi thật, nhân tài thật” theo PGS. TS Đặng Quốc Bảo trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết. Nhưng ông cho rằng, lực cản hay nói đúng hơn là “nan đề” lớn nhất hiện nay là giáo dục của chúng ta vẫn là nền giáo dục quyền uy, nền giáo dục ứng thí.

Nhắc lại câu chuyện một học sinh lớp 6 ở Đồng Tháp bị phát hiện chưa đọc thông, viết thạo hay câu chuyện của Hà Nội trong những ngày dịch Covid-19 phức tạp nhưng vẫn quẩn quanh với câu chuyện thi cử vào lớp 10 THPT… PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng, cần phải đánh giá lại việc thi cử hiện nay. Bởi nếu cứ duy trì mãi một nền giáo dục ứng thí, từ chương, cứ thi và thi sẽ khó lòng phát triển.

“Thi cử có thể cần thiết nhưng đừng biến nó thành giáo dục quyền uy, giáo dục ban ơn. Cần đánh giá lại để người ta có thể sống thật.”- PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, trong một sớm một chiều khó có thể xóa bỏ được nền giáo dục khoa cử, quyền uy, ban ơn. Nhưng những đổi mới trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, những đổi mới trong cách đánh giá học sinh gần đây là một tín hiệu tích cực.

Cuối cùng, nhắc lại bài báo “Nhân tài và Kiến quốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 14/11/1945, PGS.TS Đặng Quốc Bảo cho rằng, một đất nước không có nhân tài thì vô cùng nguy nan. Đặc biệt, trong bối cảnh đua tranh quyết liệt giữa các nước trên thế giới hiện nay, nhân tài vô cùng quan trọng. Nhưng nhân tài đó phải là nhân tài thật, có tấm lòng chứ không phải đạt được một giải thưởng đã coi đó là nhân tài.

“Để có được nhân tài thật và không tạo ra nhân tài dởm, trước hết phải sống thật.” – PGS.TS Đặng Quốc Bảo nhấn mạnh.

Và đó là một yêu cầu với cả xã hội chúng ta hiện nay !