Thi năng khiếu với điều kiện siết chặt phòng dịch

Sau một lần lùi lịch thi năng khiếu vào đầu tháng 7, mới đây Đại học Văn hóa Hà Nội đã quyết định tổ chức kỳ thi này vào các ngày 15 và 16/7. Theo ông Trương Đại Lượng, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Văn Hóa, năm nay nhà trường tuyển sinh 1.550 chỉ tiêu theo 3 phương thức gồm: xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT (chiếm đa số chỉ tiêu); xét học bạ (chiếm 30-35% tổng chỉ tiêu) và xét tuyển kết hợp thi tuyển và thi năng khiếu với 3 chuyên ngành Sáng tác văn học, Tổ chức sự kiện văn hóa, Biểu diễn nghệ thuật với chỉ tiêu ít khoảng 100-120 em.

Ông Lượng cho biết, Đại học Văn hóa đã cân nhắc kỹ trước khi quyết định tổ chức thi năng khiếu vào trung tuần tháng 7. Thi năng khiếu có 2 phần gồm phỏng vấn và biểu diễn năng khiếu, sáng tác văn học ngồi sáng tác tại chỗ, với múa hát thì các em có thể quay video nộp lại được nhưng phỏng vấn thì rất khó tuyển nên nhà trường cân nhắc, với số lượng thí sinh ít, đảm bảo quy định chống dịch của thành phố mới quyết định tổ chức thi.

Đến thời điểm này có hơn 100 thí sinh xác nhận sẽ thi năng khiếu trong đợt này. Ông Lượng cho biết, trước đó Trường Đại học Văn hóa đã sàng lọc thí sinh, đại đa số ở vùng an toàn, những em ở vùng dịch nhà trường đề nghị sẽ thi sau.

Để tổ chức thi năng khiếu, trường Đại học Văn hóa sẽ siết chặt phòng dịch. Theo đó, tất cả thí sinh đến dự thi và người thân đưa con đi đều bắt buộc phải test Covid-19 trong chiều 15/6, sau khi có kết quả âm tính sẽ tiến hành tập trung thí sinh và thi vào sáng ngày 16/7. Với thí sinh và người nhà ngoại tỉnh sẽ được bố trí ở ký túc xá trường trong 2 ngày thi, không được phép ra khỏi khu vực này.

Hàng loạt trường dừng, hoãn thi riêng

Trong khi đó, hàng loạt trường Đại học thông báo tạm dừng thi năng khiếu, kỳ thi tuyển sinh riêng. Cụ thể, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội quyết định dời Kỳ kiểm tra đánh giá tư duy sang tháng 8, thay vì tổ chức ngày 15/7 như kế hoạch trước đó.

Theo kế hoạch ban đầu, Kỳ kiểm tra đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội được tổ chức tại 3 cụm thi: Đại học Bách khoa Hà Nội (145 phòng thi), Đại học Vinh (19 phòng thi) và Đại học Hàng hải (14 phòng thi).

PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng tuyển sinh, ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng từng khâu để tổ chức kỳ thi. Tuy nhiên, do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khó tổ chức kỳ thi đảm bảo công bằng và an toàn cho thí sinh đến từ nhiều tỉnh thành nên trường phải đợi đến tháng 8 mới có thể có quyết định việc tiếp tục cuộc thi hay không. Ông Kiên cho biết, qua vòng sơ tuyển, có khoảng 5000 thí sinh sẽ tham dự thi Kỳ đánh giá tư duy.

"Thí sinh đến từ 46 tỉnh nên phải đợi đợt dịch qua, chúng tôi cũng đợi những thay đổi của Bộ GD&ĐT. Bộ cho thi 2 đợt, đợt thi này còn liên quan đến xét tuyển, nếu mình thi muộn quá vào đúng đợt xét tuyển của Bộ thì không còn ý nghĩa nên có rất nhiều biến số để đưa ra quyết định”, PGS.TS Trần Trung Kiên chia sẻ.

Trong trường hợp bất khả kháng không tổ chức được thi đánh giá tư duy, trường ĐH Bách Khoa sẽ điều chỉnh tỉ lệ xét tuyển của các phương thức. Theo dự kiến, nhà trường lấy 30-40% chỉ tiêu thông qua Kỳ đánh giá tư duy, còn nếu không tổ chức thi được thì tất cả tỷ lệ này sẽ chuyển sang phương thức khác, đặc biệt là phương thức xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trong khi đó, Trường Đại học Xây dựng cũng hoãn tổ chức kỳ thi vẽ Mỹ thuật đợt 1 cho khối ngành Kiến trúc vào ngày 10-11/7. Năm 2021, Trường Đại học Xây dựng tuyển sinh theo hai phương thức chính là xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT 2021 và xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi đánh giá tư duy 2021 do Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.

PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng ĐH Xây dựng cho biết, tham gia môn vẽ Mỹ thuật năm nay có gần 1000 em. Nhà trường đang cân nhắc các phương án xem phương án nào phù hợp trong điều kiện không tổ chức thi tập trung.

"Thật sự rất khó, chúng tôi chưa đưa ra quyết định. Chúng tôi cũng đã nghĩ đến mọi phương án nhưng chưa thiên về hướng nào vì phải vừa đảm bảo đúng quy chế, vừa đánh giá, phân loại được thí sinh. Kể cả nghiên cứu phương án online kết hợp gửi bài online chúng tôi cũng đã nghĩ tới nhưng đó là mới nghĩ thôi, chưa hình thành được. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với một số trường có hình thức thi giống mình như ĐH Kiến trúc Hà Nội, ĐH Mỹ Thuật công nghiệp… xem có giải pháp gì”, ông Xuân Anh cho hay.

Năm nay, Học viện Báo chí và Tuyên truyền có hơn 2.000 thí sinh đăng ký dự thi Năng khiếu báo chí. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhà trường cũng tạm hoãn tổ chức kỳ thi vào ngày 17-18/7.

Với phần thi Năng khiếu báo chí, thí sinh sẽ làm bài thi gồm 2 phần là trắc nghiệm (3 điểm) và tự luận (7 điểm). Riêng những em đăng ký dự thi chuyên ngành Quay phim truyền hình và Ảnh báo chí có thêm phần trả lời phỏng vấn trực tiếp.

Phần trắc nghiệm gồm 30 câu hỏi về kiến thức chung của chương trình THPT, bao gồm: Giáo dục công dân, Lịch sử, Địa lý, Ngữ văn. Thời gian làm bài là 30 phút.

Phần thi tự luận được chia làm hai dạng đề cho hai đối tượng đăng ký dự thi. Trong đó, các thí sinh dự tuyển các chuyên ngành của ngành Báo chí làm bài thi tự luận gồm 2 câu hỏi, bao gồm: Đánh giá năng lực xử lý, biểu đạt thông tin và sử dụng ngôn ngữ trong xây dựng, hoàn thiện văn bản; đánh giá năng lực phát hiện vấn đề và thể hiện quan điểm cá nhân.

Tương tự, ngày 8/7, Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội cũng ra thông báo hoãn lịch thi các môn năng khiếu Kỳ thi tuyển sinh hệ ĐH chính quy trong các ngày 17-18/7.

Trước đó, ngày 7/8, Đại học Kiến trúc Hà Nội cho biết kỳ thi năng khiếu dự kiến được tổ chức trong ba ngày 12-15/7 của trường sẽ được lùi đến khi Covid-19 được kiểm soát và được cơ quan chức năng cho phép, đảm bảo đáp ứng điều kiện tuyển sinh đại học 2021.