Ngày 8/9 hằng năm được chọn làm Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bắt đầu từ năm 2023. Đã có rất nhiều những hoạt động nhằm tổng kết, đánh giá kết quả triển khai tổ chức các hoạt động liên quan đến Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2023 của các bộ, ban, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan ở trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Qua đây góp phần cổ vũ, khuyến khích bà con người Việt Nam ở nước ngoài học tập và sử dụng tiếng Việt.

Cùng nhìn nhận những nỗ lực của Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao trong việc thúc đẩy, duy trì những hoạt động dạy học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như hiệu quả từ các hoạt động trong Ngày tôn vinh tiếng Việt 2023 với việc tiếp tục lan tỏa tình yêu, việc dạy và học ngôn ngữ dân tộc cho người Việt sinh sống ở nhiều quốc gia, vùng miền trên thế giới, phóng viên VOV2 có cuộc phỏng vấn ông Đinh Hoàng Linh, Vụ Trưởng Vụ Thông tin-Văn hóa, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài.

Phóng viên: Thưa ông, người Việt Nam ở nước ngoài có rất nhiều phương thức khác nhau để giữ gìn văn hóa dân tộc, trong đó đặc biệt là ngôn ngữ! Xin ông đánh giá những nỗ lực của bà con trong việc duy trì ngôn ngữ tiếng Việt cho thế hệ thứ 2, 3?

Ông Đinh Hoàng Linh: Người Việt Nam ở nước ngoài luôn hướng về quê hương, Tổ quốc. Bởi vì ở đây luôn luôn có bà con, gia tộc, cộng đồng và đặc biệt tấm lòng và tình cảm của bà con dành cho đất nước. Chính vì vậy, khi xa xứ, trong các môi trường văn hóa xã hội khác nhau, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn nỗ lực để duy trì tiếng nói và văn hóa dân tộc.

Tiếng nói và văn hóa dân tộc được bà con giữ gìn thông qua duy trì các nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc, duy trì được tiếng Việt trong sinh hoạt của gia đình. Chúng tôi thấy ở các địa bàn mà bà con sống tập trung và có số lượng lớn thì việc giữ gìn về tiếng Việt và các truyền thống văn hóa của bà con được đẩy mạnh. Ví dụ có thể tổ chức các lớp học tiếng Việt kể cả khi chưa có các giáo viên chuyên nghiệp thì chính các bậc cha mẹ là người thầy đầu tiên. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực gìn giữ tiếng Việt và văn hóa của bà con ta ở nước ngoài. Và có lẽ đây đã trở thành truyền thống rồi, đi xa vẫn nhớ về Tổ quốc và trách nhiệm giáo dục cho con cháu thế hệ sau không quên tiếng Việt, không quên truyền thống văn hóa dân tộc.

Phóng viên: Việc dạy học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài trong những năm qua đã có những tín hiệu vui. Ví dụ như là một vài quốc gia có cộng đồng người Việt đông, tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ thứ hai con em Việt Kiều được học ở trường phổ thông. Tuy nhiên, về cơ bản việc học tiếng Việt vẫn chưa trở thành hệ thống ở rất nhiều các quốc gia có đông đồng bào người Việt sinh sống. Vậy Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài đã có những hỗ trợ, kết nối ra sao nhằm giảm bớt khó khăn cho kiều bào trong việc dạy học và duy trì tiếng Việt cho con em mình?

Ông Đinh Hoàng Linh: Như tôi đã chia sẻ thì người Việt Nam ở nước ngoài hết sức quan tâm, chăm lo và có trách nhiệm với việc duy trì tiếng Việt trong cộng đồng cũng như các thế hệ kế tiếp. Tuy nhiên, đây hầu như vẫn chỉ dừng ở các hình thức tự phát trong cộng đồng. Thời gian qua, chúng tôi ghi nhận những hỗ trợ hết sức tích cực của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong việc quan tâm đến hỗ trợ cho bà con tổ chức những lớp học rồi những chương trình tập huấn và những buổi chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy tiếng Việt trong các gia đình và trong cộng đồng.

Đặc biệt từ năm 2013, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã tổ chức các khóa tập huấn mời bà con là những giáo viên, thậm chí chỉ là tình nguyện viên ở nước ngoài về trong nước tham gia các khóa tập huấn để nâng cao kỹ năng sư phạm và chuyên môn về tiếng Việt. Sau khi tập huấn xong, những anh chị em kiểu bào này có thể đi về các quốc gia tham gia trực tiếp giảng dạy cho bà con, cho các thế hệ con cháu thứ 2, thứ 3 và thậm chí hiện nay đã sang thế hệ thứ 4. Phải nói rằng đây là nỗ lực hết sức to lớn của Đảng và Nhà nước và do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao thực hiện liên tục trong thời gian qua.

Phóng viên: Tính đến năm nay là tròn 10 năm chúng ta tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cũng như năng lực tiếng Việt cho đội ngũ giáo viên chuyên và không chuyên cho người Việt Nam ở nước ngoài. Kết quả ra sao, thưa ông?

Ông Đinh Hoàng Linh: Tính đến năm 2023 đã tổ chức khóa tập huấn lần thứ 9 theo hình thức trực tiếp và tính cả khóa tập huấn online trực tuyến vào mùa dịch cuối năm 2021 thì có thể nói chúng tôi đã thực hiện là 10 khóa tập huấn. Tất cả 9 khóa tập huấn trực tiếp là mời bà con về tập trung tại Hà Nội và một khóa làm online với tất cả các địa bàn từ khoảng hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Chúng tôi đã phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo và trực tiếp với Vụ Giáo dục thường xuyên để mời được những thầy cô giáo trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn và Khoa Ngữ văn của trường Đại học sư phạm Hà Nội. Đây là những giáo viên tâm huyết, có trình độ và có năng lực tốt. Các thầy cô đã dành thời gian để soạn thảo những tài liệu tốt nhất nhằm tăng cường hơn nữa năng lực giảng dạy kiến thức chuyên môn rồi cả kiến thức về văn hóa lịch sử và đời sống sinh hoạt của Việt Nam. Điều này giúp cho các kiến thức của các giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài luôn luôn được cập nhật với ngôn ngữ trong nước, với đời sống cũng giống như sự phát triển của văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Nhờ những nỗ lực suốt 10 năm qua, với sự phối hợp quý báu và nhiệt tình của các bên đã đào tạo được trên 800 giáo viên, tình nguyện viên. Và sau khóa học, đã trở về các nước sở tại, các anh chị đã trở thành những nòng cốt trong phong trào giảng dạy và học tập tiếng Việt.

Phóng viên: Vâng, Thưa ông! Năm nay, lần đầu tiên tổ chức Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Đây cũng có lẽ là cơ hội rất quý báu để thúc đẩy hơn nữa việc học tập cũng như duy trì tiếng Việt cho những thế hệ người Việt ở nước ngoài bằng những hành động cụ thể. Xin ông đánh giá tổng quát về kết quả của năm đầu tiên chúng ta tổ chức?

Ông Đinh Hoàng Linh: Phải nói có lẽ đây là món quà hết sức quý của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước dành cho bà con ta ở nước ngoài. Như tôi đã chia sẻ, ở môi trường văn hóa khác biệt rồi những áp lực của công việc các nước sở tại khiến cho bà con không có thời gian nhiều để học tập tiếng Việt và cũng không có động lực để học tập tiếng Việt hoặc từ đòi hỏi nhu cầu cuộc sống khiến họ phải chuyên tâm vào học những ngôn ngữ của sở tại để có thể làm việc, mưu sinh... Cho nên chúng tôi xác định động lực để khuyến khích và cổ vũ bà con học tập và sử dụng tiếng Việt là một điều vô cùng quan trọng.

Chính vì thế Kết luận 12, rồi đến Nghị quyết của Bộ Chính trị và sau đó là Nghị quyết 169 về Chương trình hành động của Chính phủ đã nêu rõ và cụ thể hóa việc này. Và Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã tham mưu với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030” với mong muốn tạo động lực cổ vũ, khuyến khích bà con học tập và sử dụng tiếng Việt nhiều hơn nữa trong cộng đồng người Việt Nam trên khắp thế giới.

Về kế hoạch, năm nay cũng rất mừng vì chúng tôi đã triển khai một số hoạt động hết sức có ý nghĩa. Thứ nhất, chúng tôi đã phối hợp với Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xây dựng các tủ sách tiếng Việt phục vụ cho cộng đồng trên cơ sở nghiên cứu nhu cầu học tập tiếng Việt của bà con ở nước ngoài nhằm tăng cường môi trường văn hóa đọc cho bà con.

Về tài liệu để học tập giảng dạy cũng được thúc đẩy để thêm những giáo trình mới. Trước kia có 2 bộ giáo trình: “Tiếng Việt vui” và “Quê Việt" (2006-2010), sử dụng liên tục cho đến hiện nay. Bây giờ bổ sung thêm nhiều giáo trình khác được cập nhật, hiệu quả cao và chất lượng sử dụng được đánh giá là rất đáng khích lệ nhiều khu vực khác nhau. Ví dụ “Chào tiếng Việt” của tác giả Nguyễn Thùy Anh do Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phát hành; “Em học tiếng Việt” của Phó giáo sư tiến sĩ Nguyễn Lân Trung. Chúng tôi đã phối hợp với Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức một chương trình đào tạo trực tuyến tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài từ tháng 10 năm ngoái đến nay và nhận được sự tham gia hưởng ứng của bà con.

Ngoài ra còn tăng cường các hội thảo với bà con ta trên khắp các khu vực để có thể chia sẻ những kinh nghiệm tăng cường động lực học tập tiếng Việt trong các gia đình trong cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm về việc giải quyết những khó khăn, phát huy những điều kiện thuận lợi và các thế mạnh của cộng đồng ở các địa bàn khác nhau để tăng cường hoạt động hỗ trợ học tập và giảng dạy tiếng Việt.

Trong Ngày Tôn vinh tiếng Việt ngày 8/9 vừa qua, chúng tôi tổ chức 2 hoạt động hết sức quan trọng. Buổi sáng, tại Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài có hội thảo tổng kết đánh giá các hoạt động tôn vinh tiếng Việt trong năm và cũng là đề xuất phương hướng và biện pháp hiệu quả để có thể triển khai các hoạt động này trong thời gian tiếp theo.

Buổi tối cùng ngày là Gala “Tiếng Việt thân thương” phối hợp cùng Đài truyền hình Việt Nam tổ chức nhằm tổng kết các kết quả đạt được. Tại đêm Gala, chúng tôi đã trao giải cho 5 thí sinh là bà con người Việt Nam ở nước ngoài đạt danh hiệu sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài năm 2023. Cuộc thi này cũng được xem như một trong những hoạt động hết sức ý nghĩa được bà con tích cực hưởng ứng và tham gia. Qua 3 vòng thi liên tục từ tháng tư đến tháng tám và chọn ra 5 sứ giả để trao giải với các tiêu chí như khả năng sử dụng tiếng Việt rất thành thạo. Thứ hai là có khả năng truyền đạt truyền cảm hứng về ngôn ngữ tiếng Việt cộng đồng và họ cũng phải là những người có tài hùng biện và có những sản phẩm dự thi để lại ấn tượng sâu sắc trước đề bài về tình cảm yêu quê hương đất nước, kiến thức văn hóa lịch sử… Các sứ giả tiếng Việt sẽ có nhiệm vụ thúc đẩy hỗ trợ tăng cường các hoạt động giảng dạy học tập và sử dụng tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Và cuộc thi tìm kiếm sức giả là hoạt động mang tính thường niên.

Đêm Gala đón hơn 700 khán giả trực tiếp tại hội trường Trung tâm nghệ thuật Âu cơ và kết nối qua các nền tảng kỹ thuật để chuyển tới bà con ở các quốc gia trên thế giới.

Phóng viên: Theo ông, kinh nghiệm gì được xem là quý báu nhất qua lần đầu tiên tổ chức để cho các mùa năm sau, thưa ông?

Ông Đinh Hoàng Linh: Phải nói rằng chúng tôi thu lượm được rất nhiều kinh nghiệm. Một trong số đấy chính là huy động và phát huy được vai trò của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Trước đây, những năm đầu thực hiện các chương trình hỗ trợ về giảng dạy và học tập tiếng Việt chúng ta vẫn coi bà con là người được thụ hưởng và thúc đẩy hoạt động hỗ trợ từ trong nước ra nước ngoài, rồi mời bà con về trong nước. Nhưng về lâu dài, qua các hoạt động tôn vinh tiếng Việt, đã đến lúc chúng ta huy động cả nguồn lực đáng quý của bà con người Việt Nam ở nước ngoài cũng giống như là sự ủng hộ của nhân dân trong nước. Bởi vì nhân dân ta dù trong nước hay ở nước ngoài đều có tình yêu nồng nàn dành cho quốc gia trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy ngôn ngữ. Chính là phát huy vai trò chủ đạo, vai trò chủ thể cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp vào các hoạt động tôn vinh tiếng Việt cùng tham gia các chương trình để thúc đẩy việc học tập, giảng dạy tiếng Việt khắp nơi trên thế giới.

Phóng viên: Trân trọng cám ơn ông!