Anh Cao Văn Định – lái tàu Xí Nghiệp đầu máy Yên Viên thuộc Tổng Công ty đường sắt Việt Nam lựa chọn nghề lái tàu là nối nghiệp từ cha. Thời còn nhỏ, vào các dịp nghỉ hè, những chuyến thăm nơi làm việc của bố tại ga Hà Nội hay Đồng Đăng, Lạng Sơn, nhìn hình ảnh đoàn tàu hùng dũng phi đến, anh đã đam mê nghiệp lái tàu từ ngày đó.

Sau 21 năm ngồi sau đầu máy, công việc mang đến cho anh Định cơ hội được vi vu và thưởng ngoạn những gì tươi đẹp nhất của thiên nhiên, của cảnh sắc đất nước. Mỗi một chuyến đi xa thực sự là một lần du ngoạn đầy thú vị, nhất là những ngày giáp Tết. Anh chia sẻ: “Được đi khắp mọi nơi, trải nghiệm từ con người, phong cảnh đến tập tục, cả ẩm thực vùng, đấy là một điểm thú vị".

Qua khung cửa toa lái, cảnh sắc từng vùng, từng mùa lại khác nhau. "Thí dụ mùa xuân hoặc giáp Tết, lên Lạng Sơn thì đào với mận nở trắng 2 bên đường, có những phiên chợ phiên, đồng bào dân tộc mình mặc quần áo đủ các loại màu sắc, dân tộc Tày, Nùng, Dao, màu sắc sặc sỡ nhiều kiểu lắm.” Với những người làm nghề lái tàu hỏa, vừa làm việc, vừa được đắm mình trong những cảnh sắc ấy, có lẽ là điều hạnh phúc và vui sướng nhất.

Tuy nhiên, không giống như những nghề khác, lái tàu là một nghề đặc trưng và chỉ có ai ngồi trên buồng lái mới có thể hiểu thấu được sự nhọc nhằn đằng sau mỗi chuyến đi. Lái tàu rất bị động, nhiều khi nhìn trước mặt có chướng ngại vật nằm ngang đường tàu mà bất lực, “đó là điều đáng sợ và đáng ngại nhất” của những người ngồi trong khoang lái.

Một cái Tết đang đến rất gần, với cánh lái tàu, ngày lễ Tết hay ngày thường không có nhiều khác biệt vì họ vẫn mải miết trên các cung đường. “Tết mọi người xum họp niềm vui, mình lại chỉ là người đi đưa lại niềm vui cho mọi người, có nghĩa mình chở khách từ điểm này đến điểm kia để họ xum họp gia đình nhưng chúng tôi lại ở trên đường. Chuyện đến giao thừa kéo một hồi còi chào năm mới là chuyện rất bình thường” Anh Định chia sẻ.

Những ngày Tết, các đoàn tàu vẫn xình xịch trên đường ray để đưa khách vào Nam ra Bắc đón tết cùng người thân. “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai?” Sau những chuyến công tác xa nhà, những người lái tàu vội về đoàn tụ với gia đình, tạm bỏ lại cỗ máy hàng trăm tấn để chuẩn bị cho những chuyến đi kế tiếp.