Theo số liệu báo cáo của các Trung tâm dịch vụ việc làm, tính đến hết tháng 10/2024, số người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp giảm hơn 14% so với năm ngoái với 816.800 người, trong đó có gần 795.000 người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp. Độ tuổi hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất từ 25 đến 40 tuổi, chiếm 63,18%.
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội vừa trình Quốc hội dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi), quy định theo hướng mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Trên cơ sở đó, dự thảo bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Theo Luật Việc làm (sửa đổi), người lao động không được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái quy định của Bộ luật Lao động; đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc không đúng quy định của Luật Viên chức. Thêm vào đó, họ cũng không được nhận trợ cấp thất nghiệp khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, bị sa thải theo pháp luật về lao động hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức.
Như vậy, dự luật đã bổ sung thêm đối tượng không được nhận trợ cấp thất nghiệp là người bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật của đơn vị sử dụng lao động, hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc theo pháp luật về viên chức. Theo cơ quan soạn thảo, quy định này nhằm mục đích thúc đẩy người lao động tuân thủ các quy định về pháp luật lao động, quy định tại nơi làm việc, góp phần duy trì trật tự và kỷ luật trong quan hệ lao động, giúp doanh nghiệp và các đơn vị, tổ chức ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Quy định này cũng tránh tình trạng lạm dụng chính sách, người lao động không tuân thủ các quy định và nội quy nơi làm việc mà vẫn được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tuy nhiên, khi trình Quốc hội cho ý kiến Hồ sơ dự án Luật Việc làm (sửa đổi) tại kỳ hợp thứ 8 vào tháng 10/2024 vừa qua, nhiều Đại biểu Quốc hội có ý kiến cân nhắc bỏ quy định này. Hiện cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến trong quá trình hoàn thiện Luật Việc làm.
Dự thảo luật Việc làm sửa đổi lần này cũng quy định theo hướng linh hoạt về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Qua đó, dự thảo sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Cùng với đó, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm./.
Để biết cụ thể hơn về quyền lợi của người lao động khi tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mời quý thính giả nghe tư vấn của ông Trần Tuấn Tú - Trưởng phòng Bảo hiểm thất nghiệp - Cục Việc Làm - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tại đây: