Mời các bạn nghe nội dung:

Lễ bế mạc cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 vừa qua, một trong 12 giải Nhất được trao dấy lên trong dư luận những nghi ngờ khi "khá giống" với một sản phẩm của một chuyên gia nước ngoài Samuel Alexander. Kỹ sư từ Indonesia cũng đã lên tiếng với báo chí và đưa ra nhận định cho rằng dự án nói trên có sự trùng lặp với sản phẩm ông đã thực hiện. Hiện tại, sự việc vẫn đang được cơ quan quản lý xác minh, làm rõ. Tuy nhiên, điều này khiến dư luận có lo ngại rất lớn về tính trung thực trong cuộc thi khoa học kỹ thuật tại bậc học phổ thông.

Người lớn dạy trẻ thiếu trung thực, sẽ không có “cỗ máy thời gian” để trở lại sửa sai

Câu chuyện về vi phạm trung thực trong cuộc thi khoa học kỹ thuật ở bậc học phổ thông đã từng được đặt ra khi ngay từ tên các đề tài đã cho thấy “quá sức”, “xa lạ” với học sinh.

Năm 2019 nhiều phụ huynh gửi đơn kiến nghị Bộ GD-ĐT thẩm định lại nhiều dự án đoạt giải khi bị nghi trùng lặp với những nghiên cứu đã được công bố trước đây...

Năm 2021 dự án “Giường bệnh thông minh hỗ trợ cho người mất chức năng vận động tay chân sử dụng tại nhà” của nhóm học sinh Trường THPT Hoa Lư A, tỉnh Ninh Bình đoạt giải Nhất cũng bị nghi trùng lặp với một dự án được trao giải vào năm 2019.

Băn khoăn về tính trung thực của cuộc thi, nhà nghiên cứu giáo dục, TS Hoàng Anh Đức cho rằng cần hiểu rõ giá trị của cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh. Hội thi khoa học, kĩ thật quốc tế (ISEF) đã được tổ chức từ những năm 1950, có thể được coi như giải Nobel cho học sinh THPT.

“Các em được giải đã chứng tỏ năng lực vượt trội và cam kết bền bỉ đối với công việc nghiên cứu cũng như sẵn sàng nhập học bất kì một trường đại học nào. Vì vậy trong lịch sử hơn 70 qua, những học sinh được giải ISEF thường được học bổng danh tiếng. ISEF toàn cầu có 22 lĩnh vực với giải thưởng cho từng lĩnh vực lẫn chung cuộc. Đấy cũng là đích đến của nhiều trường phổ thông ở Việt Nam, thầy cô, học sinh, phụ huynh mong muốn. Chỉ cần được giải đồng của 1 lĩnh vực trong số đó, các bạn đã nhận được vô vàn học bổng, thậm chí người ta còn tìm đến mời bạn nhập học. Lợi ích quá lớn khiến cho kì thi khoa học cấp quốc gia trở thành kì thi có sự cạnh tranh vô cùng lớn”, TS Hoàng Anh Đức phân tích.

Nhiều dự án đoạt giải của kì thi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cấp quốc gia bị nghi trùng lặp với các dự án trước đó hoặc là một phần của các công trình nghiên cứu khoa học bậc cao hơn như luận văn thạc sĩ hoặc tiến sĩ do các thầy cô đưa xuống một phần để học sinh làm.

TS Anh Đức khẳng định với quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành theo thông tư 06/2024 đã loại bỏ kì thi cấp trường và cấp tỉnh, khiến sự cạnh tranh “khốc liệt” đã không còn diễn ra rầm rộ ở nhiều nơi. Trường nào có nhu cầu có thể làm dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Nhưng ở đây còn điểm nghẽn, đó là các tỉnh lấy căn cứ ở đâu để lựa chọn dự án thi quốc gia? Bởi lẽ đó nhiều địa phương vẫn có thi cấp tỉnh nhằm chọn dự án gửi dự thi. Và đã thi thì đều mong muốn có giải. Việc phân định được dự án nào của học sinh thực sự làm trong quá trình học tập nghiên cứu và đâu là sự án từ ngoài đưa vào đã trở thành “vùng mờ” khó xác định.

“Lợi ích quá lớn. Nếu các em có được học bổng 4 năm tại Mỹ, tổng giá trị có thể đến vài tỉ đồng. Và như vậy phụ huynh sẵn sàng chi ra để giáo viên hướng dẫn đẩy nhanh, đốt cháy tiến độ bằng vài trăm triệu hướng dẫn các em”, nhà nghiên cứu giáo dục Hoàng Anh Đức đưa ra một so sánh.

Ở góc độ của một chuyên gia nghiên cứu giáo dục, TS Hoàng Anh Đức cho rằng bản thân cảm thấy buồn với câu chuyện thiếu trung thực trong nghiên cứu khoa học, kĩ thuật và lại lặp đi lặp lại trong nhiều năm. Bản thân thầy Anh Đức cho rằng có những dự án học sinh tự làm nhưng sẽ khó lòng đạt giải chỉ ở cấp tỉnh, chưa nói cấp quốc gia. TS nêu ví dụ về dự án do học sinh lớp 8 của một đồng nghiệp làm về “Máy chống mẹ tát”. Dự án có thể nho nhỏ, vui vui và khó có giải thưởng nhưng từ góc độ giáo dục theo thầy Anh Đức lại xuất phát từ mối quan tâm rất thực tế đời sống và do học sinh thực làm.

“Cái được lớn nhất chính ở việc các em tìm tòi, khám phá và hình thành tư duy nghiên cứu, giải quyết vấn đề của bản thân. Sau khi làm dự án, các em vui, thầy cô vui, bố mẹ vui nhưng chắc chắn không được giải. Chúng ta đặt ước mơ 15,20 năm nữa có các nhà khoa học đỉnh cao tôi tin chắc đều được gieo mầm từ các dự án bị cho là không nghiêm túc như vậy, hoàn toàn không phải các dự án quá kinh khủng liên quan đến các hoạt chất chống ung thư...”, thầy Anh Đức nhấn mạnh.

Còn khi tiếp tục “ép” học sinh thực hiện các dự án do người lớn “làm thay” thì khi lớn hơn và nhìn lại, các em mất đi cơ hội được làm dự án của chính mình. Còn từ góc độ nghiên cứu khoa học, hành vi này vô tình vi phạm đạo đức, trở thành lỗi đạo văn. Theo quy định của ISEF, các dự án đều phải do học sinh tự làm. Trường hợp có giáo viên hướng dẫn cần những ghi chú rõ ràng thông qua nhật kí nghiên cứu.

Tạo sân chơi nghiên cứu khoa học, kĩ thuật lành mạnh

ISEF trong nhiều thập kỉ vẫn mang giá trị một cuộc thi quốc tế dành cho tất cả học sinh phổ thông trên toàn thế giới và “cực kì danh giá”. Ở Việt Nam, cuộc thi này ở cấp quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo đứng ra tổ chức.

Các kì thi ở Việt Nam đều quan trọng khi gắn với chế độ khoa cử với những thành tựu cụ thể. Nhưng từ góc độ giáo dục lại chia thành các cấp độ nhỏ hơn như việc đánh giá trong suốt tiến trình hoặc từng giai đoạn dạy học để có những điều chỉnh phù hợp. Kì thi chỉ diễn ra ở chặng cuối nhằm đánh giá năng lực qua một giai đoạn.

Ở nhiều nước, thay vì tổ chức thành các kì thi, các nhà trường, các địa phương, các tổ chức tổ chức theo mô hình hội chợ khoa học kĩ thuật. TS Anh Đức có một hình ảnh so sánh thú vị về hoạt động này giống như những người nông dân sau một mùa chăm sóc, vun trồng, đem những sản phẩm nông sản đến hội chợ trưng bày nhằm kể cho mọi người tiến trình để có được quả bí, trái dưa và sẵn sàng bán nếu có người mua hoặc tìm kiếm cơ hội đầu tư cho những “vụ mùa” tiếp theo với hi vọng chất lượng sản phẩm cao hơn, tốt hơn. Ở đây cần tránh tư duy tìm ra người giỏi nhất để trao cho những ưu ái. TS Anh Đức cho rằng ở bậc phổ thông cần định vị lại tên gọi, cách thức tổ chức nghiên cứu khoa học, kĩ thuật cũng như giới thiệu sản phẩm của dự án tới cộng đồng.

“Gần đây có thảm họa động đất thảm khốc ở Myanmar, tôi quan sát thấy các trường có tổ chức làm các dự án liên quan đến nhà chống động đất, đấy cũng là vấn đề thời sự, gần gũi cũng như gắn với các kiến thức các em được học”, thầy Anh Đức lấy ví dụ.

Tiếp theo cần xác định mục đích của nghiên cứu khoa học ở bậc phổ thông hướng tới hình thành, rèn luyện ở học sinh năng lực tìm tòi, luôn đặt ra câu hỏi và trả lời câu hỏi theo các nguyên tắc khoa học.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 cho đến thời điểm này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều. Và theo TS Hoàng Anh Đức, trên thế giới, bất kì cái cách giáo dục nào cũng buộc phải đứng trước các luồng dư luận và riêng với chương trình 2018, TS Anh Đức cho rằng cực kì đúng đắn khi đặt ra vấn đề phát triển năng lực cho học sinh. Trong đó quan trọng nhất nằm ở năng lực tự học.

“Đặt giả sử Việt Nam trong vài năm tới không có bất kì giải thưởng quốc tế nào ở kì thi ISEF. Đó không phải là điều không tốt khi chúng ta sẵn sàng trả mọi thứ về đúng vị trí thì việc không có giải quốc tế trong thời gian ngắn lại không phải bước lùi”, TS Anh Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần tạo sự kết nối giữa các trường phổ thông với khối đại học, các viện nghiên cứu nhằm tạo nên những hoạt động trao đổi, cọ sát trong nghiên cứu khoa học.

Với vấn đề xác định một dự án “giống”, “na nhá” hoặc cắt trích từ dự án, công trình trước đó theo TS Anh Đức không phải vấn đề lớn và ở cuộc thi Khoa học, kĩ thuật quốc tế đều đã sử dụng công cụ kiểm tra đạo văn. Cùng đó cần nâng cao năng lực của thầy cô và các thành viên ban giám khảo qua các vòng thi trong công tác sàng lọc, đảm bảo chất lượng các dự án. Những chế tài xử phạt mạnh đi kèm như cấm thi, giáo viên này vi phạm nên không được tiếp tục hướng dẫn trong năm tiếp theo... sẽ giúp tăng tính trung thực của các dự án dự thi./.