Theo Bộ GD-ĐT, từ năm 2025, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ có những đổi mới, điều chỉnh để phù hợp Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018. Về môn thi bao gồm 11 môn thi: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (nếu tính đủ các môn Ngoại ngữ sẽ là 17 môn). Trong đó sẽ có một số môn thi bắt buộc và một số môn lựa chọn.

Trước dự kiến của Bộ GD-ĐT, nhiều ý kiến về phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được nêu ra, trong đó có phương án 2+2 (Toán, Văn là 2 môn bắt buộc và học sinh được chọn 2 môn thi trong những môn còn lại). Điều này đồng nghĩa với việc ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc.

TS Lê Đông Phương, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục ĐH Việt Nam cho rằng cần cân nhắc thật kỹ về phương án ngoại ngữ chỉ là môn lựa chọn. Năm 2008, tức là 15 năm trước, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1400/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020" (Đề án này được kéo dài đến năm 2025), cho thấy Nhà nước coi trọng ngoại ngữ trong quá trình phát triển hội nhập.

“Thời đại hội nhập quốc tế đừng nói có những người không cần tiếng Anh. Nhìn từ thực tế, chỉ là đi du lịch sang Thái Lan thôi, người có ngoại ngữ với người không có ngoại ngữ khác nhau hoàn toàn. Chưa kể bây giờ cộng đồng kinh tế Asean mặc định lấy tiếng Anh làm nền cho mọi giao lưu, trao đổi, kể cả công nhân lẫn thợ kỹ thuật.

Nếu bỏ tiếng Anh ra ngoài các môn thi bắt buộc ngầm định chúng ta từ chối cánh cửa hội nhập quốc tế và đương nhiên các em mãi mãi là công dân hạng 2, hạng 3. Học được tiếng Anh thì ngay trong nước các em cũng có cơ hội tốt hơn”, TS Lê Đông Phương phân tích.

Việc phát triển mạnh dạy và học ngoại ngữ theo TS Lê Đông Phương không chỉ gói gọn cho một vài đối tượng học lên, du học mà ngay cả lao động nghề cũng cần có ngoại ngữ.

Nhắc tới ngoại ngữ với lao động nghề, TS Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng trường cao đẳng Cơ điện Hà Nội cho biết, thị trường lao động đang ngày càng tiến tới thế giới phẳng. Việc làm cho lao động ở khu vực đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phát triển mạnh theo hướng xuất khẩu sang các quốc gia phát triển.

“Các nước phát triển trên thế giới đang có nhu cầu nhập khẩu nhân lực trẻ như Việt Nam. Như hiện nay, tiếng Anh tiếng phổ thông trên toàn thế giới. Người biết tiếng Anh có rất nhiều lợi thế để làm việc thì điều này ai cũng công nhận. Thực tế, em nào học tiếng Anh càng tốt thì cơ hội việc làm và cơ hội phát triển rất tốt”, TS Ngọc khẳng định.

Dù băn khoăn về phương án ngoại ngữ không phải là môn thi bắt buộc, TS Ngọc cũng cho rằng riêng với ngoại ngữ đã có rất nhiều thứ tiếng khác nhau để học sinh nếu được định hướng nghề tốt đã có thể lựa chọn để phục vụ cho công việc cụ thể trong tương lai không xa.

Thực tế trên thế giới khi tuyển chọn nhân lực thì người ta yêu cầu phải có năng lực ngôn ngữ của từng quốc gia. Ví dụ người Việt Nam muốn sang Nhật Bản thì phải có tiếng Nhật theo cấp độ khác nhau theo từng doanh nghiệp; Cộng hòa Liên bang Đức cũng yêu cầu phải có ngôn ngữ tiếng Đức thì họ mới cho phép thi tuyển… Vì vậy ngoại ngữ có thể là môn bắt buộc nhưng thi thứ tiếng nào học sinh phải được lựa chọn.

Chia sẻ với phóng viên VOV2, ông Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng mỗi phương án thi đều có những ưu, nhược điểm và có thể phù hợp từng giai đoạn khác nhau. Chắc chắn Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ cân nhắc kỹ lưỡng để quyết định lựa chọn phương án phù hợp nhất.