Nhắc đến mâu thuẫn thế hệ sẽ có nhiều dạng biểu hiện và vẻ bề ngoài xem ra cũng trở thành nguồn cơn cho mâu thuẫn này phát triển, thậm chí bùng nổ, bắt đầu bằng những đánh giá, nhận xét kiểu như “hư hỏng, ăn chơi, đua đòi” của người lớn đối với bạn bè của con, có khi chỉ là bạn trẻ tình cờ gặp trên đường. Cùng đó sẽ thường kèm thái độ ngăn cản con em mình chơi cùng với tâm lí “gần mực thì đen”.
Ngô Ngọc Thành Nguyên, sinh viên năm thứ 3, Học viện Ngoại giao từ góc độ của người trẻ cho rằng diện mạo bề ngoài tưởng chừng khác biệt nhưng thực sự lại rất bình thường, xuất phát từ mong muốn thể hiện bản thân. Bên cạnh đó, hội nhập thế giới khiến thời trang, đặc biệt thời trang của người trẻ trở thành xu hướng không thể đảo ngược.
“Trước đây mình học THPT chuyên Ngoại ngữ và khi thấy bạn bè mình người trang điểm một chút, nhuộm tóc hay sơn móng thực sự không vấn đề gì, đặc biệt khi xu hướng hội nhập với các quốc gia Âu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản…trong bối cảnh mạng xã hội xóa đi biên giới ngày càng sâu rộng. Các thầy cô, phụ huynh trường mình cũng không quá khắt khe, chỉ cần các em đảm bảo việc học tập, rèn luyện theo yêu cầu của trường lớp”, Thành Nguyên nêu quan điểm.
Việc phụ huynh, đặc biệt các ông bố nổi giận khi thấy con trai nhuộm tóc, xỏ xuyên từng xảy ra trong nhiều gia đình. Theo Thành Nguyên cần có sự bình tĩnh từ cả hai phía để tránh những lời nói mang tính mạt sát, tổn thương. Đôi khi những sở thích thời trang có tính thời điểm, nhất thời, kéo dài trong một khoảng thời gian ngắn rồi tất cả sẽ trở lại trạng thái bình thường.
Ở hầu hết các trường THPT công lập, những lệnh cấm thường được sử dụng nhằm kiểm soát về trang phục, đầu tóc của học sinh. Lên đến bậc đại học, chỉ trừ một số trường thuộc khối công an, quân đội có quy định hoặc trang phục riêng còn cơ bản mở ra khoảng thời gian, không gian tự do cho vẻ ngoài của người trẻ.
“Đủ 18 tuổi các bạn được chịu trách nhiệm với bản thân đồng thời cũng có cơ hội để thể hiện bản thân bởi trước đó có quá nhiều luật lệ, nhiều quy định gò bó. Nghĩa là được sống đúng với bản thân mình. Mỗi ngày đến trường với mình giống như được ngắm một show thời trang và thực sự mình thấy rất vui vì bạn bè ai cũng đẹp, cũng rạng rỡ”.
Tuy nhiên, chính Thành Nguyên cũng thừa nhận nhiều trường hợp các bạn trẻ sử dụng trang phục chưa phù hợp, thể hiện ở sự táo bạo, lòe loẹt hoặc ngắn quá mức. Chính điều này ít nhiều tác động tạo nên những góc nhìn ít tích cực từ người lớn và cộng đồng.
Nguyên cho rằng khi đi chơi, mỗi người hoàn toàn được tự do về trang phục, về vẻ bề ngoài làm sao bản thân thấy hài lòng nhất. Nhưng khi đến trường, đến các cuộc họp…cần một sự chỉn chu vẻ ngoài. May mắn với Thành Nguyên khi Học viện Ngoại giao khá thường xuyên có sự kiện đón khách quan trọng và những dịp này, sinh viên có cơ hội được tham gia. Đây trở thành những cơ hội tuyệt vời cho việc rèn luyện kĩ năng nghề đồng thời hoàn thiện được phong thái cũng như vẻ ngoài của sinh viên cho những sự kiện quan trọng. Thành Nguyên cho rằng thực ra việc hội nhập của người trẻ hiện không dừng ở một lĩnh vực nào. Hoàn thiện bản thân về kiến thức, kĩ năng, ngoại ngữ và cả xu hướng thời trang, vẻ bề ngoài sao cho phù hợp xu hướng, hoàn cảnh cụ thể.
“Gần đây có Tim Cook, Ceo của Apple đến Việt Nam và có rất nhiều người trẻ có cơ hội để giao lưu gặp mặt. Mình nghĩ đây không phải sự kiện nhất thời mà sẽ là xu hướng lâu dài khi Việt Nam càng ngày càng phát triể,n tiếp cận giao lưu với những nền kinh tế, văn hóa khác nhau nhiều hơn, gặp những nhân vật có tầm ảnh hưởng trên toàn thế giới. Cái việc mà chúng ta biết tạo dựng hình ảnh bên ngoài như trang phục, phong thái tạo cơ hội để hội nhập toàn diện”, Thành Nguyên nêu ví dụ.
Bản thân bạn trẻ này cũng từng có cơ hội thực tập tại đại sứ quán New Zealand. Những ngày đầu tiên đến văn phòng, Nguyên chọn cho mình trang phục khá đơn giản, gần gũi với lối sống của sinh viên. Nhưng qua quan sát, tiếp xúc với các cán bộ ở Đại sứ quán, những ngày thực tập sau đó, bạn đã có những lựa chọn phù hợp hơn, chỉn chu hơn. Còn bình thường, những chiếc áo nhiều màu sắc, họa tiết vẫn được Thành Nguyên sử dụng cho những buổi đi chơi, những hoạt động chung với bạn bè…
Việc người lớn đôi khi có cách đánh giá thiếu thiện cảm hoặc thậm chí buông ra những nhận xét khó nghe trước trang phục hay vẻ về ngoài của người trẻ theo kinh nghiệm của Thành Nguyên sẽ tùy vào từng trường hợp. Nhưng trước tiên mỗi người cần giữ được sự bình tĩnh. Nếu người đưa ra đánh giá, nhận xét không thực sự có mối quan hệ quen biết thực ra cũng không cần thiết giải thích gì nhiều. Còn những người thân hoặc có thời gian dài quen biết, các bạn trẻ cũng cần lắng nghe và đôi khi những góp ý này thực sự vô cùng hữu ích và xuất phát từ mong muốn để bạn tốt hơn. Còn trong một vài trường hợp, nếu bạn tự tin vào gu thẩm mỹ của bản thân thì cùng với nụ cười thân thiện, bạn trẻ hãy chứng minh bản thân bằng hiệu quả công việc, bằng thành tích học tập thay vì đôi co hoặc có phản ứng tiêu cực trước các nhận xét, đánh giá. “Chúng ta không hoàn toàn đánh giá một cuốn sách chỉ thông qua bìa của nó”, Thành Nguyên khẳng định.
Nếu trước đây, các cụ nói "Tốt gỗ hơn tốt nước sơn" thì các bạn trẻ hôm nay đã sửa một chút thành "Tốt gỗ tốt cả nước sơn", hình thức trong nhiều trường hợp cần được chăm sóc đầu tư ngang với nội tâm kiến thức bên trong mỗi con người. Chúng ta đồng ý với những trải nghiệm của mỗi bạn trẻ trên hành trình thị trưởng thành, kể cả những thử sai cho vẻ bề ngoài. Người lớn gồm bố mẹ, thầy cô và cả cộng đồng cần có những cái nhìn bao dung, rộng lượng và cởi mở hơn về câu chuyện này. Thời gian công việc và kể cả lối sống của gia đình ít nhiều cũng sẽ tác động dẫn tới sự định hình cho các bạn trẻ trên hành trình trưởng thành. Ở phía ngược lại, các bạn trẻ cũng cần tự rèn luyện thẩm mỹ, lựa chọn trang phục phù hợp với hoàn cảnh cụ thể phù hợp.
Mời nghe bài viết dưới đây: