Sách giáo khoa chỉ là tài liệu học tập tại Australia

NGƯT Đặng Đình Đại, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội, hiện đang sinh sống tại Australia cho biết tại đất nước này, SGK chỉ có từ cấp THCS. Ở cấp tiểu học các cháu của ông không có sách giáo khoa mà học tập bằng máy tính bảng mượn tại trường.

Vì không có SGK tiểu học, nên cách dạy học cũng rất khác và giáo viên là người hoàn toàn chủ động dựa trên mục tiêu của chương trình giáo dục. Ví dụ để tập đọc, học sinh được yêu cầu chọn 2-3 cuốn sách tham khảo tại thư viện lớp để mượn về nhà, rèn kỹ năng đọc thay vì tập đọc trong sách giáo khoa. Đây là yêu cầu bắt buộc. Gia đình sẽ phải theo dõi, ghi lại xem con đọc được những cuốn nào để phối hợp với giáo viên đánh giá khả năng đọc của con có tiến bộ không.

Hay môn Toán, giáo viên có thể tải lên rất nhiều bài toán ở các cấp độ từ thấp lên cao. Học sinh có thể làm đến đâu tùy vào khả năng và ý muốn. Vì vậy học sinh lớp 3 vẫn có thể làm cái bài toán của lớp 4, 5 là chuyện bình thường.

Từ cấp THCS, SGK được các nhà trường lựa chọn và học sinh tự đi mua ngoài hiệu sách. Tuy nhiên, học sinh học chủ yếu bằng laptop và phải chủ động mua máy, cài đặt các chương trình học tập. SGK giá không hề rẻ, có cuốn lên tới 5-60 đô-la Úc nhưng cũng không bắt buộc phải mua.

Theo thầy Đại, với cách học hướng tới năng lực học sinh và coi SGK chỉ là tài liệu học tập, các em có quyền chỉ mua cuốn SGK nào mình thích. Mặc dù SGK giấy vẫn rất cần với những em học sinh nào muốn tìm hiểu sâu về môn học nhưng các em thấy cuốn nào không cần, không mua và có thể học trong các nội dung chương trình đã cài đặt trên máy tính.

Nhật Bản phải "bít' lỗ hổng pháp lý trong việc chọn SGK

Ths Nguyễn Quốc Vương, người đã từng học tập nghiên cứu tại Nhật Bản cho biết, nước này áp dụng chế độ “Kiểm định sách giáo khoa”, hay theo cách gọi của Việt Nam là “một chương trình nhiều bộ SGK”.

Theo cơ chế này, Bộ Giáo dục Nhật Bản có một hội đồng chuyên môn đứng đầu là Bộ trưởng xét duyệt bản thảo của các nhà xuất bản. Khi SGK được đóng dấu kiểm định, công nhận là sách giáo khoa thì sẽ qua vòng tuyển chọn tại các địa phương, do Ủy ban giáo dục tại các địa phương tuyển chọn. Nên có những cuốn sách đã được kiểm định nhưng tỷ lệ chọn sử dụng ở các địa phương rất thấp.

Tuy nhiên, điểm khác biệt là SGK cho học sinh từ tiểu học đến THCS tại Nhật Bản hoàn toàn miễn phí. Sau khi các Sở giáo dục, các địa phương chọn sách xong sẽ đưa lên số để Nhà nước cấp kinh phí cho học sinh mua. Tức là sách giáo khoa từ tiểu học cho đến THCS là miễn phí nhà nước sẽ bao cấp cái đó. Còn ở cấp trung học phổ thông tùy thuộc vào các địa phương, SGK được miễn phí ở các địa phương có đủ khả năng bao cấp.

Chế độ “một chương trình nhiều bộ SGK” đã được nước Nhật áp dụng từ đầu thế kỷ 20. Và chuyện các NXB “loby” các địa phương để sách được chọn đã từng xảy ra. Thậm chí có vụ án hối lộ, tặng quà cho các địa phương chọn sách lớn đến nỗi Thiên Hoàng chỉ đạo bắt hàng trăm người. Vì vậy, nước Nhật đã phải “bít” lỗ hổng pháp lý trong việc chọn sách giáo khoa.

Nhật Bản có quy định là các trường, các cơ sở không được phép nhận quà vật chất từ phía các nhà xuất bản, coi việc nhận quà là phạm tội tham nhũng hối lộ. Trước kia, khi họ chưa bịt được lỗ hổng này, nhà xuất bản bằng nhiều cách, ví dụ như nhờ quan chức giáo dục địa phương đọc bản thảo rồi sau đó gửi qùa cảm ơn. Hiện đó được coi như hành vi tham nhũng vi phạm luật hình sự.

Theo ThS Nguyễn Quốc Vương, có nhiều nguyên nhân khiến giá SGK cao nên cần có nhiều biện pháp cùng lúc để giảm giá SGK như giới hạn số trang, đa dạng các nhà xuất bản cùng tham gia tránh độc quyền và quan trọng nhất là chống tham nhũng trong phân phối sách.

Nếu như mà hạn chế được cái gọi là tham nhũng trong phân phối thì có thể người tiêu dùng sẽ không phải là mua với giá bao gồm cả chiết khấu. Sách bán ra là người cuối cùng là học sinh sẽ không phải chịu phần trăm chiết khấu trong việc phát hành, “nói thẳng ra giống như tiền bôi trơn để phát hành sách”, Ths Nguyễn Quốc Vương chỉ rõ.

Với việc Việt Nam lần đầu tiên triển khai 1 chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, để mọi học sinh được tiếp cận với sách giáo khoa, theo NGƯT Đặng Đình Đại và Ths Nguyễn Quốc Vương, Nhà nước cần hỗ trợ mua SGK cho học sinh.

Việc biên soạn, in ấn phải trả theo giá thị trường nên không thể mãi cào bằng giá SGK. Tuy nhiên, để chuyển dần thì Nhà nước hỗ trợ cho chính học sinh khoảng bao nhiêu %, như kiểu trợ giá ít nhất là trong thời gian đầu tiên. Ngoài ra, Nhà nước cũng phải kiểm soát việc các nhà xuất bản để mức giá quá cao, thầy Đại nêu quan điểm.

Cơ chế “Một chương trình, nhiều bộ SGK” mà nhiều nước tiên tiến đã và đang triển khai như một cách để mang lại nền giáo dục “mở”, tiếp cận năng lực người học. Nhưng để người học tiếp cận được với SGK, cần những giải pháp để đưa giá SGK về mức hợp lý với đại đa số người dân./.