Theo TS Trần Thu Hương, Trưởng Bộ môn Tâm lý học xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi bước vào tuổi 18 - 20 là lúc các em bước vào giai đoạn trưởng thành trẻ. Những biểu hiện quan trọng đánh dấu sự trưởng thành trẻ, đó là sự độc lập và sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội.
Tuy nhiên, có khá nhiều bạn trẻ trong khoảng tuổi này không có được sự độc lập đó, thậm chí chưa có trách nhiệm với bản thân mình chứ chưa nói đến với người thân hay cộng đồng. Các em cũng chưa ý thức được rằng mình đã trưởng thành, mình bắt đầu trưởng thành hay mình đang trưởng thành. Các em chưa gỡ bỏ bớt áp lực cho bố mẹ, chưa tạo được cho bố mẹ niềm tin rằng mình đã trưởng thành. Các em vẫn ỷ lại, dựa dẫm vào bố mẹ. Khi gặp những thất bại ở bên ngoài cuộc sống thì hoàn toàn đổ lỗi vì bố mẹ như thế này, vì bố mẹ như thế kia.
Có rất nhiều bạn trong thực tế không muốn trưởng thành, vẫn muốn được sống trong sự bảo bọc, sự chu cấp của gia đình, đơn giản vì điều này dễ chịu hơn khi phải học cách sống và chiến đấu của những người trưởng thành thực thụ trong cuộc sống.
Nhưng những bạn trẻ không chịu trưởng thành sẽ có cái giá của sự “không chịu lớn”. Các bạn đang sống trong một xã hội có sự cạnh tranh rất khốc liệt. TS Trần Thu Hương đơn cử một ví dụ, để có được một công việc cần có sự cạnh tranh. Sự cạnh tranh này đến từ hai yếu tố: năng lực của bạn có thể tiếp cận và hoàn thành công việc không và các nét tính cách của bạn có phù hợp với công việc đó hay không. Nếu cứ bé mãi và không chịu lớn, bạn khó có thể hòa nhập được với môi trường công việc và bạn cũng không có năng lực để đảm bảo một sự cạnh tranh lành mạnh.
“Những chàng trai và cô gái mà cứ nuông chiều bản thân mình, e dè và ngại khó, sợ khó hay là không muốn trưởng thành thì sẽ không tôi luyện được bản lĩnh và tính chiến đấu”, TS Trần Thu Hương khẳng định.
Trưởng thành là một quá trình rèn luyện, tôi luyện liên tục chứ không phải đợi đến khi 18-20 tuổi mới nghĩ đến chuyện phải trưởng thành là có thể trưởng thành được ngay. Tuy nhiên, nếu thực sự mong muốn thoát khỏi cái kén bấy lâu nay, các bạn có thể bắt đầu từ ý thức. Bạn phải biết mình là ai, mình muốn gì và mình cần gì, sự kỳ vọng và mong muốn của mọi người đối với mình là như thế nào. Bạn thực sự muốn trở thành một người như thế nào trong công việc, trong gia đình nhỏ tương lai và với những kết nối bên ngoài xã hội…Từ đó, bạn nỗ lực và cố gắng để đạt những ước mơ đó.
Thành công lớn phải bắt đầu từ những thành công nhỏ, tương thích với từng giai đoạn lứa tuổi và giai đoạn trước sẽ làm nền cho giai đoạn sau. “Một quá khứ vi diệu, một hiện tại rực rỡ thì sẽ là một tương lai rất ra gì và này nọ”.
Trưởng thành đánh dấu một sự nỗ lực và cố gắng không ngừng nghỉ ở mỗi một cá nhân. Cái gì bắt đầu cũng khó khăn, chưa bao giờ là dễ dàng cả. Thế nhưng, bạn phải dám bắt đầu, bạn phải dám trưởng thành.
Không chịu trưởng thành đồng nghĩa với việc bạn lạc nhịp và bước lùi phía sau so với bạn bè đồng trang lứa. Nếu cứ lười biếng, ỷ lại và không thoát ra khỏi vỏ kén thì sẽ chẳng bao giờ bạn biết được hương vị của thành công là như thế nào!
Nghe tư vấn của TS Trần Thu Hương: