Câu nói này cho thấy sinh thời Tổng Bí thư luôn đề cao, coi trọng cũng như kỳ vọng vào đội ngũ trí thức nước nhà! Và chính Tổng Bí thư cũng là một nhà trí thức lớn, một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần để lại niềm tiếc thương với toàn bộ các tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ trí thức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng quan tâm tới đội ngũ trí thức, nhà khoa học Thủ đô.

“Tôi rất buồn và thương tiếc khi biết tin đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã mất, đất nước mất đi một trí tuệ lớn, tài năng lớn của cách mạng Việt Nam, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta, đội ngũ trí thức Khoa học mất đi người lãnh đạo luôn quan tâm, tạo điều kiện động viên khích lệ trọng dụng những nhà khoa học công hiến hết mình cho đất nước”, TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội xúc động chia sẻ cảm xúc đồng thời nhớ lại những kỉ niệm, những dấu ấn về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Riêng với đội ngũ khoa học và công nghệ Thủ đô, theo TS Lê Xuân Rao, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những năm tháng ở vị trí Bí thư thành ủy Hà Nội đã có những quan tâm, chia sẻ, động viên sâu sát, kịp thời.

Giai đoạn 2000-2005, khi đó Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, tuy công việc bận rộn nhưng ông vẫn rất quan tâm đến đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô. Từ hai lần Tổng Bí thư đến thăm và làm việc đã có những thay đổi lớn.

Theo TS Lê Xuân Rao, nhờ sự quan tâm, chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Phú trọng khi ấy, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội có trụ sở làm việc độc lập như ngày nay tại tòa nhà 67 Bà Triệu. Sự gần gũi, chân tình của người lãnh đạo luôn quan tâm, ủng hộ và chia sẻ những khó khăn, vất vả chính là nguồn động viên to lớn đối với giới trí thức khoa học và công nghệ Thủ đô vượt khó vươn lên, hoàn thành xuất sắc những nhiệm vụ được giao.

“Tổng Bí thư còn là người đã khởi xướng và thực hiện việc Thường trực Thành ủy Hà Nội hằng năm gặp gỡ đội ngũ trí thức, các văn nghệ sĩ, các chức sắc tôn giáo, bí thư, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng các trường đại học, cao đẳng ở Thủ đô để cùng đóng góp công sức, trí tuệ xây dựng Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Và nay đã trở thành sự kiện thường niên như một nét đẹp mỗi dịp xuân về”, TS Lê Xuân Rao chia sẻ.

Về việc trọng dụng những trí thức những nhà khoa học, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong mỗi kỳ đại hội đã chỉ đạo Thành ủy lựa chọn những nhà khoa học lãnh đạo của các trường, viện lớn đóng trên địa bàn thành phố tham gia. Có thể kể đến như ở Khóa 13 2001-2015, GS Hoàng Văn Phong tham gia thành ủy, sau đó phát triển và giữ cương vị Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ. Và từ đây, nhiều nhà khoa học chuyên gia được mời về làm việc tại các sở, ban ngành của thành phố từ các trường Đại học lớn như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa và các trường khác.

Về chủ trương cơ chế chính sách, Bí thư thành ủy Nguyễn Phú Trọng đã quan tâm đến việc ứng dụng Khoa học- Công nghệ để phát triển kinh tế xã hội. Cụ thể hóa bằng những chương trình công tác của Thành ủy bằng chương trình về phát triển KHCN, GD&ĐT phục vụ phát triển kinh tế xã hội của Thủ đô.

“Đến khi ở cương vị người đứng đầu Đảng ta, Tổng Bí thư đã chỉ đạo nhiều Nghị quyết nhằm phát huy đội ngũ trí thức và ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào phát triển kinh tế xã hôi như Nghị quyết 20; Nghị quyết 45”.

Quan tâm tới đội ngũ trí thức, nhà khoa học thúc đẩy sự phát triển của xã hội

Không chỉ là một chính khách, một lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng là một nhà khoa học, nhà lý luận và một trí thức lớn, để lại cho Đảng ta, cho nhân dân ta một di sản đồ sộ về lý luận cách mạng và để lại cho giới trí thức Việt Nam một tấm gương sáng ngời về tinh thần học tập suốt đời, tinh thần phục sự khoa học, phụng sự nhân dân.

Bằng nếp sống giản dị, thanh cao, mẫu mực, Tổng Bí thư không chỉ là tấm gương mà còn là người truyền ngọn lửa nhiệt tình, tinh thần và đạo đức cách mạng cho những người làm khoa học, những nhà tri thức nước nhà. Nhớ về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhớ đến những lời dạy về yêu cầu nâng cao trình độ năng lực chuyên môn cùng với sự nỗ lực của bản thân mỗi người trí thức phải rèn luyện, trau dồi đạo đức cách mạng, ý thức phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Trong dịp kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp mặt đội ngũ trí thức, 40 năm thành lập Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục nhấn mạnh: “trong mọi thời đại, ở mọi quốc gia, đội ngũ trí thức luôn luôn là một lực lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển của xã hội”. Có mặt ở sự kiện này, điều TS Lê Xuân Rao nhớ nhất chính ở chỉ đạo của Tổng Bí thư về dự báo, trong những năm tới, tình hình thế giới và trong nước tiếp tục còn có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thúc đẩy sự phát triển nhảy vọt trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức mới đối với mọi quốc gia.

Tình hình đó đòi hỏi các tổ chức khoa học và công nghệ, đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ nước ta, đặc biệt là trí thức, các nhà khoa học thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, cần nỗ lực phấn đấu, có nhiều đóng góp to lớn hơn nữa, có hiệu quả cao hơn nữa cho sự nghiệp xây dựng, phát triển nhanh và bền vững của Đất nước.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương 8 khóa 13, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập vấn đề xây dựng và tiếp tục phát huy vai trò của đội ngũ trí thức, trọng dụng nhân tài nhưng cũng đặt ra những yêu cầu mới với đội ngũ trí thức. Nghị quyết 45 ra đời mang tư tưởng của Tổng Bí thư trong vấn đề xây dựng, phát triển đội ngũ trí thức, trong đó có đãi ngộ trí thức.

Để thực hiện tư tưởng của Tổng Bí Thư, TS Lê Xuân Rao cho rằng Nghị quyết 45 chính là sự tiếp nối Nghị quyết 27 nhưng đã góp phần tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng, vai trò của đội ngũ trí thức. Từ đây, Bộ Tài chính cũng như Bộ Khoa học công nghệ cũng đã và đang nghiên cứu, sửa đổi một số văn bản, thông tư về đãi ngộ với đội ngũ trí thức.

“Tôi nói cụ thể như việc đội ngũ trí thức tham gia tư vấn, phản biện xã hội. Bình thường đọc một dự thảo luật quan trọng như thế, dày cả gang tay vẫn chỉ có mức chung là 500.000 đồng. Như thế không phù hợp. Trong khi các hội đồng khoa học nghiệm thu đề tài thì phản biện đã ở mức 2- 2,5 triệu. Rồi trong việc trọng dụng cần nguồn quỹ với kinh phí để đào tạo đội ngũ trí thức khoa học công nghệ trẻ, tiếp cận với khoa học công nghệ của các quốc gia phát triển”, TS Lê Xuân Rao nêu ví dụ về những thay đổi trong chế độ đãi ngộ với đội ngũ trí thức, nhà khoa học từ Nghị quyết 45.

Ở phía ngược lại, chính đội ngũ trí thức, các nhà khoa học cũng phải ý thức về vai trò của mình trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển như ngày nay như tự đánh giá, định hướng nghiên cứu những vấn đề mới quan trọng và cần thiết cho sự phát triển của đất nước.

Với những lời căn dặn của Tổng Bí thư trong những năm tới trước tình hình thế giới có những diễn biến khó lường và ảnh hưởng của Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đội ngũ trí thức KHCN phải chủ động học hỏi tiếp cận những xu hướng mới, công nghệ mới mà nước nhà đã, đang và sẽ cần để phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc phòng.

Thời gian tới sẽ phải tập trung vào những thành tựu KHCN phục vụ cho kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và nền tảng cho những công nghệ như công nghệ vật liệu, năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, kết nối vạn vật ( IoT), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (Big data), thiết kế chip, tự động hóa hình thành xây dựng và phát triển những công nghệ mới từng bước bắt kịp các nước phát triển, chủ động giảm lệ thuộc nhất là những lĩnh vực nhậy cảm và tăng cường trao đổi hợp tác quốc tế.

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đội ngũ trí thức đã cho thấy một tư tưởng trọng dụng trí thức, trọng dụng nhân tài xuyên suốt của một trí tuệ lớn, tài năng lớn, học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư chắc chắn sẽ là định hướng để đội ngũ trí thức nước nhà đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp xây dựng đất nước ta trở thành một quốc gia hùng cường.

Mời các bạn bấm nút nghe nội dung trao đổi giữa BTV VOV2 cùng TS Lê Xuân Rao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Hà Nội: