Trăn trở của thầy trưởng đoàn Olympic Vật lý quốc tế

Nếu nghĩ rằng những giờ ôn luyện đội tuyển Olympic quốc tế luôn căng thẳng thì chắc hẳn bạn đã nhầm. Tại đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế, PGS.TS Nguyễn Danh Bích, Trưởng khoa Vật lý – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, trưởng đoàn Vật lý tham dự Olympic Vật lý quốc tế 2023 và các thầy trong đội tuyển luôn cố gắng tìm kiếm những vấn đề mới để học sinh tiếp cận. Kết thúc buổi học, các thầy còn cho học sinh đi ăn uống, tổ chức sinh nhật... Không đặt nặng vấn đề thành tích là cách để thầy Bích tạo cho học trò của mình tinh thần thoải mái nhất để sẵn sàng chinh phục đấu trường quốc tế.

5 năm dẫn dắt đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế và một năm làm trưởng đoàn nhưng PGS.TS Đỗ Danh Bích vẫn khá lo lắng khi năm qua, phần thi thực nghiệm tiến hành trên thiết bị thật. Nỗi lo của ông cuối cùng đã được giải tỏa khi 5 thí sinh dự thi Olympic Vật lý quốc tế của Việt Nam đều đoạt Huy chương. Trong đó có 2 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng. Ấn tượng nhất có lẽ là Nguyễn Hoàng Hải (học sinh Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) khi 2 năm liền giành Huy chương Vàng ở lớp 10 và 11.

“Thành tựu các em đạt được rất tốt, lý do sau 3 năm Covid các đội tuyển đều phải thi trực tuyến, năm nay thí sinh thi Lý –Hóa-Sinh làm thí nghiệm trực tiếp, việc vào phòng thí nghiệm học sinh hạn chế do đó các em đã phải nỗ lực nhiều”, thầy Bích nhìn nhận.

PGS.TS Nguyễn Danh Bích cho biết, năm nay công tác tập huấn đội tuyển có những sự đổi mới nhất định. Trong đó, các đội tuyển đã mời những học sinh từng đoạt giải trong các Kỳ thi Olympic trước đó hiện đang học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước hướng dẫn cho các thế hệ sau. Đồng thời, phối hợp với các trường ĐH có cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm tốt để các em ôn luyện khâu thực hành.

Tự hào về học trò nhưng thầy Bích khiêm tốn cho rằng thành tích mà các em đạt được quan trọng nhất là do nỗ lực của bản thân và các thầy cô giáo ở bậc phổ thông. Theo thầy Bích, Việt Nam luôn giữ vị ổn định trong bảng xếp hạng. Tuy vậy, để bật lên top 1-2 hơi khó vì ngay ở châu Á đã có những đối thủ rất mạnh như Trung Quốc, Hàn Quốc... Hơn nữa, cách huấn luyện của các nước khác nhau và họ khoảng thời gian đào tạo, ôn luyện kéo dài và bài bản hơn.

Do đó, việc phát hiện bồi dưỡng ở cơ sở quan trọng, chúng ta tìm học sinh có năng lực rồi thì sẽ có cách để tập huấn các em đạt kết quả cao. Khi ra ôn thi quốc tế thì phần của các thầy chỉ là cập nhật kiến thức mới và kỹ năng thực hành.

Kỷ niệm của cô giáo lãnh đội là những lần bị học sinh "bật"

Nếu như ở đội tuyển tham dự kỳ thi Olympic quốc tế, các em được bồi dưỡng kiến thức mới lạ và khả năng thực hành thì công tác phát hiện, bồi dưỡng ở các trường phổ thông là nền tảng để tìm ra nhân tài.

Nhiều năm liền được giao nhiệm vụ lãnh đội, tiếp nối thành công của các năm trước, năm qua cô Phạm Thị Trang Nhung, giáo viên môn Vật lý Trường THPT Chuyên Biên Hòa, Hà Nam tiếp tục có 2 học trò đạt giải Nhất trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Cách đây 5 năm, cô Nhung cũng góp công giúp em Lê Việt Hoàng xuất sắc giành Huy chương Bạc tại Kỳ thi Olympic vật lý quốc tế.

Là giáo viên của những học sinh giỏi nhưng với cô Nhung, niềm vui luôn là được tiếp xúc với những học trò cá tính. “Kỷ niệm với tôi khi dạy đội tuyển là các bạn “bật” lại cô liên tục, có nghĩa có bài gì chưa hợp lý, có vấn đề gì đấy thì tranh cãi đến cùng, nhiều khi cô trò ở lại đến tận tối muộn chỉ để tranh cãi vấn đề vướng mắc” cô Nhung chia sẻ.

Dạy đội tuyển với lượng kiến thức nhiều và khó buộc những giáo viên lãnh đội như cô Nhung phải thường xuyên nâng cao chuyên môn. Dẫu vậy, cô Nhung tâm niệm "đừng đặt mình cao hơn hơn học trò, mình không thắng được đâu, mình phải nhìn nhận cái “bật” đấy một cách cởi mở hơn, đôi khi mình học được từ học trò, nhiều HS thông minh lắm và mình học được từ chính những việc đấy".

Là cựu học sinh chuyên Biên Hòa, Hà Nam cô Nhung từng có thành tích nhất, nhì lớp chuyên Lý suốt 3 năm THPT. Tốt nghiệp xuất sắc ngành sư phạm chất lượng cao, cô Nhung trở về trường xưa để thực hiện giấc mơ “trồng người”. Ngưỡng mộ những nhà giáo từng dìu dắt mình nên giờ đây, phong cách giảng dạy của cô Nhung luôn đề cao tinh thần nêu gương.

Cũng giống như dạy con trong nhà, có nghĩa là lấy mình làm gương, ví dụ trong nhà cha mẹ chăm chỉ thì con cái cũng chăm chỉ, thầy cô nghiêm túc nhiệt tình thì học sinh cũng nhìn đó là tấm gương, thầy cô say mê thì học sinh cũng say mê.

Với cô Nhung, điều quan trọng nhất khi dạy học sinh giỏi là truyền cảm hứng và phương pháp tự học, phương pháp nghiên cứu bởi vì học trò đều là những em có nhận thức tốt. “Kiến thức mình truyền đạt có khi còn không nhanh bằng các em tự học nhưng các em cần phương pháp, niềm cảm hứng, niềm đam mê để tự làm được”, cô giáo sinh năm 1987 nói.

Thành tích của đội tuyển Olympic Vật lý quốc tế ngày càng dày thêm nhưng quan trọng nhất với những người thầy ôn luyện đội tuyển như cô Nhung, thầy Bích là truyền được niềm đam mê khoa học, sự nghiêm túc với chuyện học hành bằng chính sự gần gũi, ân cần với học sinh của mình./.